59,4% tổng doanh thu của 500 doanh nghiệp lớn nhất đến từ khối nhà nước
Bảng xếp hạng VNR500 là kết quả nghiên cứu của Vietnam Report. Tiêu chí lựa chọn các doanh nghiệp tư nhân được Vietnam Report sử dụng là các doanh nghiệp có vốn sở hữu tư nhân lớn hơn hoặc bằng 51%.
Dựa trên kết quả khảo sát các doanh nghiệp, Vietnam Reportđưa ra một số nhận định đáng chú ý: Thứ nhất, gần 95% số doanh nghiệp tham gia khảo sát dự đoán kinh doanh năm 2015 sẽ “cơ bản ổn định” và có xu hướng “tăng lên” so với năm trước, đặc biệt về doanh thu, lợi nhuận và lượng đơn hàng.
Trong năm 2015, hiệu suất sử dụng máy móc thiết bị và số lượng công nhân viên sẽ được duy trì như năm 2014.
Về tổng thể, 64,3% số doanh nghiệp tham gia khảo sát nhận định, tình hình sản xuất kinh doanh của họ trong năm 2014 tốt hơn năm 2013, 28,6% nhận định kinh doanh ổn định, và chỉ 7,1% nhận định tình hình kinh doanh xấu hơn năm 2013.
Thứ hai, tái cơ cấu doanh nghiệp và ngành nghề chưa có nhiều chuyển biến tích cực
59,4% tổng doanh thu của 500 doanh nghiệp lớn nhất đến từ khối nhà nước, cho thấy doanh nghiệp nhà nước (DNNN) vẫn đang chiếm tỷ trọng lớn trong BXH VNR500, đồng nghĩa với việc mặc dù đang thực hiện cổ phần hóa DNNN nhằm tạo thêm nhiều không gian và nâng cao khả năng cạnh tranh cho các doanh nghiệp tư nhân trong nước, song trên thực tế, các DNNN vẫn đang chi phối nền kinh tế Việt Nam.
Ngoài ra, thống kê BXH VNR500 năm 2014 cũng cho thấy, khoảng 15% doanh nghiệp lớn là các doanh nghiệp ngành khoáng sản – xăng dầu đang tạo ra 32,9% tổng doanh thu toàn BXH, mức doanh thu cao nhất trong số các ngành nghề kinh doanh.
Rõ ràng, cơ cấu ngành nghề hiện nay cần được điều chỉnh lại hợp lý hơn nhằm giảm sự phụ thuộc vào nhóm ngành khai thác tài nguyên, khuyến khích phát triển các ngành tiềm năng như công nghiệp chế biến chế tạo, công nghệ thông tin… Đứng thứ hai về tổng doanh thu là ngành điện (19%), tiếp theo sau là ngành tài chính – ngân hàng (10,3%).
Số liệu thống kê trên đây cũng tương đồng với kết quả khảo sát mà Vietnam Report đã thực hiện. Khi được hỏi về hiệu quả của công cuộc tái cơ cấu kinh tế trong 3 lĩnh vực: tài chính – ngân hàng, đầu tư công và DNNN, phần đông cho rằng tái cơ cấu đầu tư công và tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước “chưa có hiệu quả rõ rệt”, với tỷ lệ lựa chọn đáp án này lần lượt là 70,5% và 64,4%. Ngược lại, tái cơ cấu tài chính – ngân hàng đang được thực hiện khá hiệu quả, khi trên 65% số doanh nghiệp lựa chọn đáp án “hiệu quả” và “rất hiệu quả”.
Các doanh nghiệp lớn kỳ vọng kinh tế vĩ mô sẽ được điều hành ổn định trong thời gian tới. Nhận định về giải pháp Chính phủ cần ưu tiên thực hiện trong thời gian tới, 76,8% doanh nghiệp cho rằng, Chính phủ cần tiếp tục “đảm bảo ổn định vĩ mô”, đặc biệt là kiềm chế tốt lạm phát. Về cơ bản, chỉ khi kinh tế vĩ mô ổn định, các doanh nghiệp mới có thể đưa ra dự báo chuẩn xác về triển vọng kinh doanh, tránh những rủi ro tài chính đáng tiếc, đồng thời thúc đẩy hoạt động đầu tư làm cải thiện tăng trưởng trong dài hạn.
Trong hai năm vừa qua, nhiệm vụ "ổn định kinh tế vĩ mô” đã trở thành ưu tiên hàng đầu thay cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao như những năm trước đó. Đây là phương án ưu tiên, cũng là mục tiêu chính yếu mà Chính phủ cần tập trung đạt được, trước khi nghĩ tới các phương án “tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp trực tiếp thông qua các gói hỗ trợ tài chính, ưu đãi đầu tư và ưu đãi thuế”.