Bà Mai Kiều Liên

Bà Mai Kiều Liên

Vinamilk đặt mục tiêu chiếm 60% thị phần sữa nước Việt Nam

(ĐTCK) 

Chỉ 4 tháng sau khi khánh thành siêu nhà máy sữa bột, CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk) tiếp tục khánh thành siêu nhà máy sữa nước với công suất 1 triệu lít/ngày. Đây là một trong những dự án trọng điểm giúp Vinamilk hiện thực hóa mục tiêu doanh thu 3 tỷ USD và lọt vào Top 50 doanh nghiệp sản xuất sữa lớn nhất thế giới vào năm 2017. Bà Mai Kiều Liên, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Vinamilk đã chia sẻ về chiến lược này.

Trước hết, xin chúc mừng Vinamilk đã khánh thành siêu nhà máy hiện đại theo đúng tiến độ đã cam kết với nhà đầu tư và cổ đông. Bà có thể chia sẻ về siêu dự án này?

Nhà máy sữa Việt Nam được xây dựng trên diện tích 20 héc-ta tại Khu công nghiệp Mỹ Phước 2, tỉnh Bình Dương với tổng vốn đầu tư 2.400 tỷ đồng, có công suất rất lớn, hơn 400 triệu lít sữa/năm trong giai đoạn 1.

Nhà máy này hội tụ rất nhiều điểm nhất, dây chuyền tích hợp tự động mới nhất hiện nay trên thế giới; hệ thống kho thông minh cũng được tích hợp công nghệ mới nhất của Đức và cũng là công nghệ hiện đại nhất trên thế giới… Công suất của nhà máy bằng 9 nhà máy Vinamilk hiện nay cộng lại.

Chúng tôi cũng dành một quỹ đất để cho giai đoạn mở rộng vào năm 2015, khi đó công suất nhà máy sẽ được nâng lên gấp đôi, đạt 800 triệu lít sữa/năm và tương tự kho thông minh cũng dành sẵn quỹ đất để mở gấp đôi như vậy, trong vòng 5 năm tới.

Đây là một trong những nhà máy sản xuất sữa nước hiện đại bậc nhất thế giới được Vinamilk đầu tư chuyên sản xuất sữa nước cho thị trường trong nước và xuất khẩu.

Nhà máy ra đời sẽ giúp người tiêu dùng trong nước được sử dụng những sản phẩm sữa tốt nhất, xuất khẩu những sản phẩm sữa chất lượng cao của Việt Nam ra nước ngoài và tăng tốc đưa Vinamilk trở thành 1 trong 50 doanh nghiệp sữa lớn nhất thế giới, với doanh số 3 tỷ USD vào năm 2017.

 

Hiện Vinamilk đang nắm giữ gần 50% thị phần sữa nước nội địa. Việc khánh thành nhà máy mới có thể hiểu là một sự khẳng định của Vinamilk trên phân khúc này?

Chúng tôi cho rằng, thị trường sữa Việt Nam đều đã hiện diện đầy đủ các tập đoàn đa quốc gia lớn và cạnh tranh thì ngày càng khốc liệt, để cạnh tranh thành công, mỗi công ty có một chiến lược riêng.

Hiện nay, Vinamilk đã nắm thị phần tương đối và một số mặt hàng ở thế áp đảo như sữa chua, sữa đặc có đường, nhưng ở một số phân khúc như sữa tươi và sữa bột cũng còn hạn chế. Do vậy, với mỗi phân khúc này, chúng tôi đều có những chiến lược dài hơi để có sự tăng trưởng ổn định và ngày càng phát triển hơn.

Cụ thể, ở phân khúc sữa bột, chúng tôi sẽ nhắm đến mục tiêu 50% thị phần; sữa nước là 60% thị phần… Đây là mục tiêu khó nhưng bắt buộc phải làm, vì nguyên tắc trong kinh doanh của Vinamilk là không thể dừng lại và tự thỏa mãn.

 

Để duy trì hoạt động ổn định một siêu nhà máy, Vinamilk đã có bước chuẩn bị gì về nguồn nguyên liệu?

Vinamilk hiện nay có 5 trang trại bò sữa tại Tuyên Quang, Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Định và Lâm Đồng.

Trong năm 2014, Công ty sẽ khởi công xây dựng tiếp 2 dự án trang trại nuôi bò sữa tại Như Thanh ở Thanh Hóa và Hà Tĩnh, với quy mô chăn nuôi 3.000 con bò/trang trại.

Dự án trang trại Tây Ninh hiện đã xong giai đoạn chuyển nhượng đất và đang trong giai đoạn hoàn tất thủ tục. Khi trang trại đi vào hoạt động, đàn bò sữa của Vinamilk sẽ tăng thêm khoảng 10.000 con bò.

Riêng dự án siêu trang trại Thống Nhất (Thanh Hóa) dự kiến tháng 10/2013 sẽ được cấp giấy phép kinh doanh, có diện tích khoảng 2.600 héc-ta, với quy mô chăn nuôi dự kiến 20.000 con bò.

Chúng tôi đang tự túc nguyên liệu là 30% và khi 4 trang trại mới đi vào hoạt động sẽ nâng tỷ lệ nguyên liệu nội địa lên 40%.

Hiện nguồn nguyên liệu cho sản xuất sữa tươi trong nước còn thiếu rất lớn, bởi trên thực tế, diện tích đất dành cho chăn nuôi của nước ta không nhiều, nhưng vừa rồi, Chính phủ đã có một chủ trương chúng tôi cho rằng rất thiết thực là cho phép một số địa phương lấy một phần đất trồng lúa được chuyển đổi thành trồng ngô phục vụ chăn nuôi. Chúng tôi hy vọng, trong tương lai gần, sẽ có thêm nhiều quỹ đất để xây dựng trang trại.

Để đáp ứng nhu cầu sữa tươi ngày càng tăng của thị trường đặc biệt là phân khúc khách hàng cao cấp, để đảm bảo cạnh tranh với các thương hiệu nước ngoài, nhà máy sữa tươi của Vinamilk tại New Zealand dự kiến sẽ khánh thành vào tháng 9/2014. Chúng tôi sẽ sản xuất và chuyển sản phẩm về Việt Nam dưới thương hiệu Vinamilk.

Chúng tôi còn đầu tư tại các trung tâm về bò sữa và nguồn nguyên liệu chất lượng cao như Mỹ, châu Âu…

 

Vinamilk đặt mục tiêu chiếm 60% thị phần sữa nước Việt Nam ảnh 1Vinamilk khánh thành Nhà máy sản xuất sữa nước hiện đại hàng đầu thế giới

 

Sau dự án siêu nhà máy sữa bột và sữa nước, Vinamilk có ý định mở rộng “bộ siêu nhà máy” của mình ở sản phẩm nào không, thưa bà?

Sắp tới, chúng tôi sẽ đầu tư một siêu nhà máy nữa chuyên về sản xuất sữa chua. Hiện­ Vinamilk có 9 nhà máy sản xuất sữa chua, nhưng mỗi nhà máy chỉ có 1 - 2 dây chuyền và công suất cũng đã hết nên Công ty đang xem xét đầu tư mở rộng một nhà máy tại quận 12 (TP. HCM) chuyên sản xuất sữa chua, với diện tích khoảng 4,5 héc-ta. Dự án này dự kiến sẽ được triển khai vào năm 2016.

 

Ngoài đầu tư mới, tương lai các dự án nhà máy hiện hữu của Vinamilk sẽ như thế nào, thưa bà?

Chúng tôi có tổng cộng 13 nhà máy trên quy mô cả nước. Hiện nay, những nhà máy cỡ vừa vẫn đang phục vụ thị trường địa phương tại chỗ. Vinamilk đang hình thành 3 trung tâm lớn trên cả nước: miền Bắc là Nhà máy Tiên Sơn; miền Trung là Nhà máy Đà Nẵng và miền Nam là các nhà máy tại TP. HCM.

Riêng thị trường miền Trung, theo đánh giá của chúng tôi, có cơ hội phát triển sữa chua rất lớn, do vậy, chúng tôi vừa đầu tư dây chuyền sữa chua tại Đà Nẵng và sắp tới sẽ mở rộng đầu tư dây chuyền sản xuất sữa đặc có đường. Nguyên tắc của chúng tôi là căn cứ vào đặc thù của từng địa phương mà đầu tư hệ thống dây chuyền sản xuất phù hợp.

 

Giá trị xuất khẩu của Vinamilk hiện nay là bao nhiêu và khi đưa nhà máy mới vào hoạt động thì chiến lược tăng trưởng xuất khẩu của Vinamilk có điều chỉnh gì không, thưa bà?

Từ đầu năm đến nay, chúng tôi đã ký hợp đồng xuất khẩu sữa với giá trị 4.703 tỷ đồng, tương đương khoảng 230 triệu USD; tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong những năm tới, chúng tôi dự kiến tăng trưởng xuất khẩu bình quân 10 - 15%/năm.

Dù tỷ lệ tăng trưởng doanh thu xuất khẩu thấp hơn giai đoạn trước (những năm trước, tăng trưởng xuất khẩu của Vinamilk hàng năm lên đến 30 - 40%), nhưng mức tăng về giá trị xuất khẩu lại lớn hơn nhiều so với trước kia.

Vừa qua, Vinamilk đã được Cục Dược phẩm và thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) cấp số đăng ký để được phép xuất khẩu hàng vào Mỹ. Đây là một thị trường đầy tiềm năng, nhưng đòi hỏi yêu cầu rất cao và nghiêm ngặt về hệ thống chất lượng và an toàn thực phẩm.

Với việc được cấp số đăng ký để xuất khẩu hàng vào Mỹ cùng với việc đầu tư bài bản vào hệ thống quản lý chất lượng sẽ giúp Vinamilk có mặt một cách đầy lạc quan ở các thị trường xuất khẩu lớn.

 

Tính hiệu quả trong đầu tư là vấn đề nhiều nhà đầu tư quan tâm, với việc khai trương siêu nhà máy sẽ đóng góp như thế nào về cán cân doanh thu của Vinamilk trong năm 2013?

So với kế hoạch doanh số tăng trưởng 20%, xuất khẩu tăng 27%, lợi nhuận tăng 15% trong năm nay, về cơ bản, chúng tôi đã và đang giữ tốc độ tăng trưởng tốt.

Từ tháng 7 trở đi, các nhà máy nội địa và xuất khẩu đều đảm bảo công suất sản xuất và hiện nay là siêu nhà máy sữa nước vừa mới khánh thành, tôi tin doanh thu cuối năm của Vinamilk sẽ có bước tăng trưởng khả quan hơn.

 

Vinamilk đang trong giai đoạn phát triển mạnh, muốn chiếm thị phần lớn thì ngoài đầu tư sản xuất, Công ty cần phải đầu tư cho hoạt động marketing, quảng bá sản phẩm. Trong khi các tập đoàn lớn đang đầu tư mạnh cho hoạt động quảng cáo thì Vinamilk bị điều chỉnh bởi các điều kiện của pháp luật liên quan đến trần chi phí cho hoạt động quảng cáo. Vinamilk đã giải quyết bài toán khó khăn này như thế nào?

Vinamilk xác định, muốn mở rộng thị phần, tăng doanh số, trước hết phải đầu tư cho sản xuất, đảm bảo chất lượng.

Thứ hai đầu tư xây dựng hệ thống phân phối rộng khắp và thứ ba là phải đầu tư hệ thống marketing rộng. Nguyên tắc của chúng tôi là phải marketing một cách thông minh, chi phí ít nhưng hiệu quả cao.

Các hãng lớn có thể chi 10 - 20% trên giá thành sản phẩm cho hoạt động marketing, nhưng Vinamilk không thể làm thế được. Tuy thế, Vinamilk vẫn luôn đầu tư một cách hợp lý, hiệu quả, đúng kênh, đúng lúc.