Công khai thâu tóm
Không còn là tin đồn, Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk, mã CK: VNM) vừa chính thức công bố chào mua cổ phần của Công ty GTNFoods (mã CK: GTN), đơn vị sở hữu chi phối Công ty Sữa Mộc Châu (MCM). Theo đó, Vinamilk dự kiến chào mua tối đa 116,7 triệu cổ phiếu, tương đương 46,68% cổ phần của GTNFoods với giá 13.000 đồng cho mỗi đơn vị. Tổng giá trị thương vụ hơn 1.500 tỷ đồng.
Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu GTN đang giao dịch quanh ngưỡng 16.000 đồng, cao hơn khoảng 20% so với giá chào mua của Vinamilk.
GTNFoods là công ty được thành lập từ năm 2011 và hiện hoạt động với mô hình tổng công ty sở hữu các công ty con hoạt động trong từng ngành nghề nhất định. Định hướng của công ty này đã liên tục thay đổi nhiều lần trong quá trình mở rộng quy mô.
Từ lĩnh vực khai khoáng, sau khi mới thành lập đến giai đoạn năm 2013 - 2014, Công ty đã chuyển sang hoạt động trong lĩnh vực vật liệu xây dựng, đặc biệt là tre công nghiệp và các sản phẩm nhựa xây dựng. Những năm gần đây, Ban lãnh đạo GTNFoods quyết định chuyển hướng sang các mặt hàng tiêu dùng và nông nghiệp.
Giai đoạn 2016-2017, GTNFoods đã thâu tóm hai doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực này là Tổng công ty Chăn nuôi Việt Nam (Vilico) và Tổng công ty Chè Việt Nam (Vinatea).
Hiện GTNFoods nắm giữ gần 75% cổ phần của Vilico, qua đó sở hữu gián tiếp 51% của MCM - được đánh giá là khoản đầu tư giá trị nhất của doanh nghiệp này. Ngoài ra, Công ty còn sở hữu 95% cổ phần của Vinatea, 35% cổ phần LadoFoods (Vang Đà Lạt) và nhiều công ty khác.
Trong những năm gần đây, Sữa Mộc Châu đóng góp chính vào kết quả kinh doanh hợp nhất của Vilico và GTNFoods. Thương hiệu sữa này đang chiếm khoảng 10% thị phần chung và cạnh tranh trực tiếp với những thương hiệu ở nhóm đầu trong mảng sữa tươi và sữa chua.
Giới phân tích cho rằng, mục đích chính của GTNfoods không muốn làm sữa, mà nhiều khả năng sau khi thâu tóm xong Mộc Châu Milk sẽ thoái vốn lại cho đối tác để kiếm lời.
Chỉ là cổ đông lớn của GTN
Thông tin về vụ Vinamilk mua cổ phần GTN được đồn đại từ lâu vì việc mua/bán cổ phẩn GTN là bình thường. Trước đó, khi thấy khối ngoại bán ròng lượng lớn cổ phiếu GTN, Công ty chứng khoán TP.HCM (HSC) bất ngờ công bố đã mua gom thành công hơn 20 triệu cổ phiếu và thành cổ đông lớn thứ 3 của GTNfoods, sở hữu hơn 8% cổ phần.
Để sở hữu hơn 20 triệu cổ phiếu GTN, HSC phải chi khoảng 280 tỷ đồng, biến GTN thành khoản đầu tư lớn nhất của HSC. Nếu nhìn vào cơ cấu danh mục tự doanh của HSC, có thể thấy, HSC không quá chú trọng vào mảng tự doanh, mà tập trung vào cung cấp dịch vụ môi giới, tư vấn… Tuy nhiên, cuối tháng 2/2019, HSC lại tiếp tục mua thêm 7,27% cổ phần của GTNFoods.
Điều này cho thấy, HSC đang “làm deal” hộ cho “ông lớn” trong ngành. Đại diện của Sữa Mộc Châu cho biết, theo cơ cấu, thì VNM không được nhiều khi mua qua HSC. Việc chào giá lần này thiên về cổ vũ tinh thần và làm tin với giới tài chính.
“Đã mua bán - sáp nhập (M&A) thì nhà đầu tư nào cũng muốn đạt được quyền quyết định hay có lợi ích lâu dài, chứ không lướt sóng như nhà đầu tư cá nhân. Chưa kể trong top các công ty sữa, kể cả các doanh nghiệp sữa nước ngoài, ai cũng muốn sở hữu MCM để rút ngắn thời gian vào thị trường Việt Nam”, đại diện Mộc Châu Milk nói. Tuy nhiên, vị này cho rằng, cũng khá phức tạp khi mua MCM.
Theo đại diện Mộc Châu Milk, Công ty vẫn cần tập trung thực hiện kế hoạch phát triển. Bằng lợi thế nguồn nguyên liệu, thương hiệu lâu đời và sản phẩm ngon, Mộc Châu Milk sẽ càng có lợi nếu có thêm nhiều nguồn lực khi M&A với bất cứ đối tác nào trong ngành sữa.
Mộc Châu Milk đang sở hữu nhiều lợi thế
Giới chuyên gia nhận định, mô hình chăn nuôi bò theo hộ của Mộc Châu Milk về lâu dài tương đối khả thi. Công ty đang làm ăn tương đối tốt khi có mô hình khép kín và giữ được chất lượng sữa của hơn 600 hộ trang trại chăn nuôi với trên 23.000 con bò. Mục tiêu đến năm 2020, Công ty này phải tăng số lượng đàn bò lên 35.000 con và đến năm 2030 có thể đạt 70.000 - 100.000 con.
Những lợi thế trên và vị thế hiện nay trên thị trường sữa, Mộc Châu Milk được cho là mảnh ghép khả thi nhất để các “ông lớn” bơm thêm vốn, xây dựng lại thương hiệu, kinh nghiệm quản trị, đặc biệt là khắc phục điểm yếu nhất của Mộc Châu liên quan tới hệ thống phân phối khi Mộc Châu Milk chưa thể chen chân vào được thị trường miền Nam.