Đến hết tháng 12/2016, hoạt động vận tải biển của Vinalines chịu lỗ 1.980 tỷ đồng do sự lao dốc của thị trường vận tải biển với chỉ số BDI ở mức sát đáy 240 điểm so với mức gần 12.000 điểm vào năm 2008.
Cụ thể, trong năm 2016, khối cảng biến thuộc hệ thống của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) đã mang lại lợi nhuận trước thuê 923 tỷ; khối dịch vụ lãi 1.140 tỷ đồng (hầu hết các doanh nghiệp dịch vụ đều có lãi, trừ nhà máy sửa chữa tàu biển Vinalines).
Hoạt động dịch vụ và hoạt động khác của Vinalines trong năm nay cũng tiếp tục làm ăn khởi sắc, mang lại 1.140 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.
Hai khoản lợi nhuận này đã góp phần bù đắp khoản thua lỗ khủng từ khối vận tải biển giúp Vinalines hòa vốn. Năm ngoái, Vinalines công bố khoản lợi nhuận 188 tỷ đồng.
Năm 2017, Vinalines đặt mục tiêu đạt tổng doanh thu 15.300 tỷ đồng, tiếp tục cân bằng được thu chi.
Cần phải nói thêm rằng, lĩnh vực vận tải biển là điểm tối trong bức tranh đã dần bớt u ám của Vinalines. Cụ thể, đến hết tháng 12/2016, hoạt động vận tải biển chịu lỗ 1.980 tỷ đồng do sự lao dốc của thị trường vận tải biển với chỉ số BDI ở mức sát đáy 240 điểm so với mức gần 12.000 điểm vào năm 2008.
“Mặc dù các doanh nghiệp vận tải biển đã thực hiện mọi giải pháp kiên quyết và sáng tạo để siết chặt chi phí nhưng do giá cước sụt giảm mạnh nên doanh thu giảm 10% so với năm 2015 khiến lỗ đội tàu tăng 22% so với năm 2015”, ông Nguyễn Cảnh Tỉnh – quyền Tổng giám đốc Vinalines cho biết.
Năm nay, toàn tổng công ty đã vận chuyển được 24 triệu tấn tăng 107%; tổng sản lượng hàng thông qua cảng đạt 78 triệu tấn, tăng 115% so với năm 2015. Trong đó, Công ty mẹ Vinalines đạt sản lượng vận tải 9,6 triệu tấn; tổng doanh thu đạt 3.109 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế đạt 373 tỷ đồng, tăng 1.659% so với kế hoạch (22,5 tỷ đồng).