Kết quả kinh doanh quý I/2020 của Vinalines kém nhất trong khoảng 10 năm trở lại đây. Ảnh: vinalines

Kết quả kinh doanh quý I/2020 của Vinalines kém nhất trong khoảng 10 năm trở lại đây. Ảnh: vinalines

Vinalines chao đảo giữa sóng dồn

Nếu hoạt động giao thương, xuất nhập khẩu trong nước và quốc tế không bắt nhịp lại trước quý III/2020, mọi kế hoạch sản xuất, kinh doanh của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) sẽ bị vỡ rất sâu.

Sóng dồn

Mặc dù vẫn còn phải đợi chốt số liệu cuối cùng, nhưng khả năng rất cao là Vinalines sẽ phải đón nhận kết quả kinh doanh quý I tồi tệ nhất trong khoảng 10 năm trở lại đây.

Ông Trần Tuấn Hải, Trưởng ban Truyền thông Vinalines cho biết, tổng doanh thu của các doanh nghiệp khối vận tải biển toàn Tổng công ty trong quý I/2020 chỉ đạt khoảng 1.300 tỷ đồng, trong khi chi phí bỏ ra đã lên tới 1.600 tỷ đồng.

“Quý I năm ngoái, dù gặp nhiều khó khăn, đội tàu của Vinalines vẫn mang lại khoản lợi nhuận 24 tỷ đồng, nhưng năm nay tình hình kinh doanh vận tải biển đặc biệt khó”, ông Hải cho biết.

Theo ông Hải, đội tàu của Vinalines gồm 70 chiếc, hoạt động cả nội địa và quốc tế, nhiều tàu chạy hàng khu vực xa như châu Mỹ, châu Phi…, nhưng 3 tháng qua không có đơn hàng chạy về hay hai chiều, mà chủ yếu dừng neo chờ. Đội tàu dầu đang bị các đối tác trả hoặc yêu cầu giảm cước.

Trong khi đó, hàng container nội địa Bắc - Nam cũng đang giảm mạnh khoảng 20 - 30% chiều từ Hải Phòng vào TP.HCM; giá cước cũng giảm 10 - 20%, chỉ còn khoảng 5,5 triệu đồng/container 20 feet và 6 triệu đồng/container 40 feet (chiều Hải Phòng - TP.HCM) và khoảng 1,8 - 2 triệu đồng/container 20 feet (chiều ngược lại). Hàng gom từ các cảng khác về cảng Cái Mép - Thị Vải để xuất khẩu đi thị trường Mỹ và châu Âu cũng đang giảm khoảng 30 - 40% khiến một loạt tàu feeder (tàu gom hàng) trong cảnh “đói hàng”. Riêng mặt hàng khô, do các nhà máy, công trình xây dựng tạm dừng nên nhu cầu về nguyên vật liệu giảm sâu, giá cước giảm từ 230.000 đồng xuống còn 160.000 đồng/tấn.

Đáng lo ngại là do lệnh phong tỏa, đóng cửa biên giới cả hàng không và cảng biển tại nhiều quốc gia, đã khiến các tàu của Vinalines đang đợi hàng tại nước ngoài như Ấn Độ, Bangladesh, Philippines không thể thay thuyền viên, thuyền viên không được lên bờ, việc cung cấp thực phẩm cho nhu cầu sinh hoạt rất khó khăn. Đặc biệt là nhiều thuyền viên đã và sắp hết hạn hộ chiếu phổ thông nhưng không thể thay thế, không thể gia hạn hộ chiếu, vi phạm quy định Công ước lao động hàng hải MLC- 2006 về thời hạn làm việc trên tàu, vi phạm quy định xuất nhập cảnh của Việt Nam và các quốc gia.

“Theo báo cáo của các doanh nghiệp vận tải biển thành viên, có tình trạng thuyền viên đang trên tàu yêu cầu thay, đòi về, trong khi thuyền viên dự trữ không chấp nhận điều động xuống tàu”, đại diện Vinalines cho biết.

Được biết, không chỉ Vinalines, mà hầu hết các đội tàu biển lớn trên thế giới cũng đang phải hứng chịu những đợt sóng bất lợi từ Covid-19. Theo cập nhật mới nhất của Sea-Intelligence, ngành vận tải biển đang đối mặt với sự sụt giảm nhu cầu vận chuyển container lên tới 6,4 triệu TEU trên phạm vi toàn cầu. Số lượng các chuyến trống và bị cắt giảm các tuyến vận tải chính của các hãng tàu ngày càng tăng, tính đến ngày 11/4 đã vượt qua con số 384 chuyến, tương đương khoảng 3 triệu TEU. Hiện việc hủy chuyến sẽ tiếp tục diễn ra và nhu cầu vận chuyển cả năm 2020 có thể giảm tới 20% so với năm 2019.

Vỡ sâu kế hoạch

Điều đáng nói là, tình hình u ám của đội tàu biển trong nước, trong đó Vinalines chiếm đa số sẽ còn tồi tệ hơn trong quý II/2020, khi có hơn 250 chuyến bị hủy và số lượng tàu phải nằm chờ hàng tại tất cả các phân khúc có thể tăng lên gấp đôi so với năm khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008.

Nguyên nhân dẫn đến “thảm cảnh” này là do 3 tháng tới, ngành điện tử Việt Nam dự kiến bị ảnh hưởng lớn do sụt giảm nhu cầu tiêu thụ sản phẩm tại các thị trường Mỹ và EU. Ngành đồ gỗ đóng góp hơn 10 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu mỗi năm cũng dự báo sau khoảng 1 - 2 tuần tới phải cắt giảm 70% công suất. Số lượng đơn hàng trong tháng 4, tháng 5 của ngành dệt may và da giày Việt Nam sẽ bị giảm khoảng 70%. Tỷ lệ các đơn hàng xuất khẩu thủy sản bị khách yêu cầu tạm hoãn hoặc yêu cầu dừng từ 20 - 40% do chính phủ các nước đóng cửa biên giới.

Nếu tình hình Covid-19 không kết thúc trước quý III/2020, qua đó đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh, giao thương toàn cầu trở lại bình thường, mọi kế hoạch sản xuất, kinh doanh của Vinalines sẽ bị phá sản.

Theo ông Bùi Việt Hoài, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Vận tải biển Việt Nam (Vosco), do đại dịch toàn cầu diễn biến khó lường, làm đảo lộn quy luật cung - cầu, ách tắc giao thương, nên các doanh nghiệp vận tải biển không chủ động được kế hoạch khai thác tàu, chi phí hoạt động tăng đột biến, không có doanh thu, do vậy vấn đề dòng tiền để duy trì hoạt động là vô cùng căng thẳng.    

Vào đầu năm 2020, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã giao người đại diện phần vốn tại Vinalines phải hoàn thành một số chỉ tiêu kinh doanh trọng yếu, trong đó lợi nhuận trước thuế của công ty mẹ là 51 tỷ đồng; tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu của công ty mẹ đạt 0,42%; không có nợ phải trả quá hạn...

Dự kiến Covid-19 khiến kế hoạch tái cơ cấu đội tàu của Vinalines phải gác lại do khả năng thanh lý 15 tàu với tổng trọng tải 367.000 DWT là rất thấp, do nhu cầu vận tải biển đang xuống đáy.

Theo ông Nguyễn Cảnh Tĩnh, quyền Tổng giám đốc Vinalines, để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp vận tải biển thành viên, mới đây Tổng công ty đã kiến nghị Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đề xuất Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan gia hạn khoanh nợ đối với các công ty vận tải biển như Vosco, Vinaship từ ngày 1/7/2019 đến 30/6/2024; có văn bản giao Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại tăng cường mua bán nợ các khoản nợ tài trợ mua/đóng tàu của các đơn vị thành viên trực thuộc Vinalines.

“Vinalines cũng kiến nghị Chính phủ xem xét có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp cảng biển và dịch vụ hàng hải như miễn giảm thuế, giảm giá hoặc không tăng tiền thuê đất hàng năm để doanh nghiệp có nguồn lực vực dậy sau đại dịch Covid-19”, lãnh đạo Vinalines cho biết.

Tin bài liên quan