Vinaconex (VCG): Trúng thầu nhiều dự án, mục tiêu lợi nhuận 1.000 tỷ đồng năm 2021

Vinaconex (VCG): Trúng thầu nhiều dự án, mục tiêu lợi nhuận 1.000 tỷ đồng năm 2021

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Vinaconex nỗ lực đạt mục tiêu tăng trưởng 15 - 20%/năm, dự kiến lợi nhuận 1.000 tỷ đồng cho năm 2021, tiến đến 2.000 tỷ đồng vào năm 2025, trong đó mảng xây dựng và bất động sản đóng góp 70 - 80%.

Bên cạnh đó, kế hoạch chia cổ tức của VCG với tỷ lệ 12 - 20%/năm. Sắp tới đây, trong tháng 1/2021, Công ty sẽ trả cổ tức 6% năm 2019 và tạm ứng 6% cổ tức của năm 2020.

Đây là những nội dung được ông Đào Ngọc Thanh, Chủ tịch HĐQT CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, Mã chứng khoán: VCG) chia sẻ tại buổi roadshow diễn ra chiều hôm qua 23/12.

Vinaconex là nhà thầu xây lắp tại Việt Nam, với các công trình trọng điểm như Đại lộ Thăng Long, cầu Nhật Tân, Cao tốc Nội Bài - Lào Cai, Tổ hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn…

Hiện cổ phiếu VCG đã hủy niêm yết trên HNX để chuyển sàn niêm yết trên HOSE vào ngày 19/12 với giá tham chiếu phiên giao dịch đầu tiên trên HOSE là 41.800 đồng/CP, tương ứng vốn hóa thị trường gần 18.500 tỷ đồng.

Ngay tại buổi roadshow, nhà đầu tư thẳng thắn đặt câu hỏi với Ban lãnh đạo doanh nghiệp về kế hoạch để gia tăng vốn hóa, để vào rổ chỉ số VN30, qua đó có thể thu hút được các quỹ đầu tư vào doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Xuân Đông, Tổng giám đốc VCG cho biết, lọt rổ VN30 cũng là mong muốn của VCG, nhưng trong bối cảnh cụ thể hiện nay khó lường và vốn hóa của VCG cũng chưa thể “đấu” lại các cổ phiếu ngân hàng. Tuy nhiên, VCG tin tưởng, khi thị trường có điều chỉnh hay biến động thì cổ phiếu VCG vẫn vững vàng nhờ nền tảng cơ bản mạnh, dòng tiền tốt và chiến lược phát triển tốt.

Chia sẻ thêm về các mảng hoạt động kinh doanh, Ban lãnh đạo VCG cho biết, hiện Công ty có 3 trụ cột gồm Xây dựng, bất động sản và đầu tư tài chính.

Trong đó, với lĩnh vực xây lắp (đóng góp 67% doanh thu giai đoạn vừa qua), Công ty trúng nhiều gói thầu lớn nâng tổng giá trị các gói thầu lên 10.000 tỷ đồng trong năm 2020.

Hiện tại, VCG đang triển khai các hợp đồng xây lắp có tổng giá trị khoảng 15.000 tỷ đồng, trong đó có nhiều gói thầu ở những công trình trọng điểm quốc gia như cao tốc Bắc - Nam phía Đông như gói thầu 3 - xây lắp (cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây), gói thầu xây lắp - 04 (cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết)…, có tổng giá trị 5.500 tỷ đồng.

Công ty cũng sắp được phê duyệt gói thầu 2.200 tỷ đồng tại dự án Mai Sơn - Quốc lộ 45. Đồng thời, các dự án cầu Vĩnh Tuy, dự án Bệnh viên K, dự án Tòa án Nhân dân Hà Nội cũng sắp khởi công.

Theo đánh giá của Ban lãnh đạo VCG, năm 2020 là năm khó khăn cho ngành xây dựng khi đối diện những tác động từ dịch Covid-19, bão lũ và giá vật liệu tăng cao ảnh hưởng đến lợi nhuận chung toàn ngành.

Vinaconex có năng lực cạnh tranh và dòng tiền tốt

Trả lời câu hỏi của nhà đầu tư về lợi thế cạnh tranh của VCG so với các doanh nghiệp khác trong ngành, ông Thanh cho biết, VCG hoàn toàn khác đơn vị xây dựng đầu ngành do không đơn thuần là nhà thầu xây dựng mà còn có thêm vị thế nhà đầu tư. VCG có công trình của mình để làm, là doanh nghiệp có quy mô lớn và lĩnh vực hoạt động cũng rộng hơn, có thêm cả các mảng giao thông - đầu tư công, các nhà máy công nghiệp lớn đều tham gia.

Sau tái cơ cấu, VCG thi công, quản lý trực tiếp nên biên lợi nhuận đạt khoảng 3 - 5%, công trình tốt hơn có thể duy trì 8 - 12%. Thương hiệu VCG có thể trúng thầu nhiều dự án lớn vì có năng lực cạnh tranh và dòng tiền tốt.

Tuy nhiên, ông Thanh cho rằng, trong vấn đề xây dựng chuỗi cung ứng tạo nên giá thành cạnh tranh của VCG vẫn thua các doanh nghiệp đầu ngành. “ý thức được điều này chúng tôi phải cải thiện”, ông Thanh nhấn mạnh.

Chủ tịch Vinaconex cho biết thêm: "Thực trạng cách đây vài năm, khi đi đấu thầu, doanh nghiệp khác bỏ thầu cao hơn 10 - 15% vẫn trúng thầu. Nhưng ở thời điểm hiện tại, tôi khẳng định chênh lệch này tối đa 2 -3%".

Liên quan đến dòng tiền, Ban lãnh đạo Vinaconex cho biết, Công ty hiện có nền tảng tài chính khá vững chắc nhờ có nhiều mặt bằng cho thuê, mỗi năm cũng thu về hơn 100 tỷ đồng từ hoạt động này; thủy điện cũng có nguồn thu tốt, năm nay vượt kế hoạch, trên 100 tỷ đồng; Trường học Trung Hòa Nhân Chính năm 2019 lãi 45 tỷ đồng, năm nay cũng được khoảng 55 tỷ đồng.

Đây cũng là lý do mà ông Đông đưa ra trước nhà đầu tư về hành động mua lại cổ phiếu quỹ của Vinaconex.

"Do dòng tiền mặt lớn, có lúc trên 3.000 tỷ đồng nhưng do bệnh dịch Covid chưa thể triển khai các dự án bất động sản, xu hướng M&A cũng chưa rõ ràng, lãi suất lại thấp… nên quyết định mua lại cổ phiếu quỹ", ông Đông nói.

Chia sẻ về kế hoạch tăng vốn sau khi niêm yết trên HOSE, Chủ tịch VCG cho biết, Công ty đã có nghị quyết HĐQT về tăng vốn với giá phát hành 15.000 đồng/CP nhưng căn cứ tình hình cụ thể để thống nhất lại.

“Dù gì cũng phải tăng đầu tư phát triển và trên cơ sở trúng thầu dự án lớn thì phải đảm bảo vốn chủ sở hữu nhất định”, ông Đông cho biết.

Về mảng bất động sản, sau tái cơ cấu, nhiều dự án đã được khởi động lại, trong đó có dự án Cát Bà với quy mô 173 ha. Bên cạnh đó, Vinaconex đã tích lũy quỹ đất gần 2.000 ha tại Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Quảng Nam, Phú Yên…, mục tiêu đạt 5.000 ha tới năm 2025 và đây là mảng chính giúp Công ty tăng trưởng mạnh về doanh thu, lợi nhuận.

Đối với hoạt động đầu tư tài chính, VCG chia sẻ, từ năm 2021 sẽ tái cơ cấu mạnh, thống nhất cái gì thế mạnh thì tiếp tục chào mua công khai để tăng tỷ lệ sở hữu, các công ty không phải trọng yếu thì tái cơ cấu. Trong cùng ngành xây dựng, không cần thiết giữ nhiều công ty con, nhiều doanh nghiệp hàng đầu cũng không có công ty con nhưng doanh thu vẫn 20.000 - 25.000 tỷ đồng.

Tin bài liên quan