Vinaconex (VCG) trả hết nợ trái phiếu, hoàn thành gần 70% kế hoạch lợi nhuận sau thuế

Vinaconex (VCG) trả hết nợ trái phiếu, hoàn thành gần 70% kế hoạch lợi nhuận sau thuế

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Báo cáo tài chính riêng lẻ của Vinaconex cho thấy, quý II/2024, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 2.122 tỷ đồng, doanh thu hoạt động tài chính đạt 133 tỷ đồng.

Sau khi trừ chi phí quản lý doanh nghiệp, chi phí tài chính, đơn vị đạt 125 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 88 tỷ đồng so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 113 tỷ đồng, tăng 228% so với 34 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái.

Tính đến hết ngày 30/6, Công ty mẹ đạt vốn chủ sở hữu 6.739 tỷ đồng, tăng 8%, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đạt 503 tỷ đồng.

Điểm sáng trong bức tranh tài chính của Tổng công ty nằm ở khoản mục nợ phải trả giảm mạnh. Cụ thể, trong quý II, nợ phải trả còn 11.276 tỷ đồng, giảm 2.038 tỷ đồng so với đầu năm. Khoản mục nợ ngắn hạn giảm gần 2.000 tỷ đồng do khoản vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn giảm mạnh. Cùng với đó, nợ dài hạn cũng giảm từ 1.415 tỷ đồng xuống còn 1.321 tỷ đồng.

Theo Báo cáo của Tổng cục thống kê mới đây, ngành xây dựng, bất động sản tiếp tục có nhiều khó khăn về lao động, chi phí sản xuất và hợp đồng mới. Trong bối cảnh môi trường kinh doanh chung như vậy, kết quả của Vinaconex cho thấy nỗ lực lớn của Tổng công ty cũng như chiến lược thích ứng linh hoạt của ban điều hành đã góp phần duy trì nội lực và thúc đẩy tiềm năng tăng trưởng tại doanh nghiệp.

Số liệu từ Báo cáo tài chính hợp nhất cũng cho thấy kết quả kinh doanh khởi sắc của Vinaconex trong bối cảnh ngành xây lắp phải đối mặt với nhiều thách thức. Lợi nhuận sau thuế của VCG tăng 32 tỷ đồng so với cùng kỳ, tương ứng tăng 25%, đạt 163 tỷ đồng. Lũy kế cả năm, lợi nhuận sau thuế VCG đạt 645 tỷ đồng, hoàn thành xấp xỉ 70% so với kế hoạch đã được ĐHĐCĐ thông qua.

Thuyết minh kỹ hơn kết quả bán niên, Vinaconex cho biết, nguyên nhân chính khiến Công ty đạt mức lợi nhuận tốt là nhờ giảm mạnh chi phí tài chính so với năm trước. Cụ thể, chi phí tài chính trong quý II của VCG chỉ còn 101 tỷ đồng, giảm 144 tỷ đồng so với năm 2023.

Điểm tích cực của Vinaconex còn được thể hiện ở đòn cân nợ giảm mạnh. Nợ phải trả giảm từ 20.453 tỷ đồng xuống 17.837 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn giảm 1.442 tỷ đồng, từ 14.422 tỷ đồng xuống 12.980 tỷ đồng và nợ dài hạn giảm 1.175 tỷ đồng, từ 6.031 tỷ đồng xuống 4.856 tỷ đồng.

Đáng chú ý, khoản nợ trái phiếu dài hạn khoảng 1.600 tỷ đồng đã được thanh toán hết đến 30/6/2024, điều này thể hiện năng lực tài chính của Vinaconex trong bối cảnh hiện nay.

Tính đến cuối kỳ, vốn chủ sở hữu của Tổng công ty tiếp tục nhích lên 10.806 tỷ đồng, tiền và tương đương tiền đạt 1.544 tỷ đồng. Về cơ cấu doanh thu, sự sụt giảm mạnh của mảng kinh doanh bất động sản đã khiến tổng doanh thu 6 tháng đầu năm chỉ còn 5.455 tỷ đồng so với con số 6.533 tỷ đồng của cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, hoạt động xây lắp vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất với gần 64% tổng doanh thu. Mảng sản xuất công nghiệp và giáo dục đều khởi sắc hơn với mức tăng lần lượt khoảng 149 tỷ đồng và 7 tỷ đồng.

Như vậy, 3 mảng hoạt động chính là xây lắp, đầu tư bất động sản và đầu tư tài chính của Vinaconex vẫn được giữ vững và chuẩn bị cho những cơ hội mới trong tương lai.

Ở mảng xây lắp, vị thế tổng thầu các dự án lớn, có độ khó cao về kỹ - mỹ thuật tiếp tục được Vinaconex thực hiện xuất sắc trên các lĩnh vực xây dựng dân dụng và công nghiệp, hạ tầng, hạ tầng giao thông…. Có thể kể đến các dự án như: sân bay Phú Bài, sân bay Long Thành, cầu Vĩnh Tuy (giai đoạn 2); các gói thầu thuộc dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Bắc – Nam phía đông (giai đoạn 2017 – 2020) và giai đoạn (2021 – 2025)…

Trong mảng bất động sản, sở hữu quỹ đất lớn, Vinaconex hiện cung cấp đa dạng các sản phẩm bất động sản thuộc các lĩnh vực như nhà ở, khu đô thị du lịch – nghỉ dưỡng, hạ tầng khu công nghiệp. Các dự án thuộc phân khúc cao cấp đã và đang được Vinaconex triển khai bao gồm: Dự án Green Diamond 93 Láng Hạ (đã đưa vào kinh doanh); dự án Cát Bà Amatina; dự án Văn phòng cho thuê - Trung tâm Thương mại Chợ Mơ (chuẩn bị khai thác); dự án Kim Văn – Kim Lũ (đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư); dự án khu đô thị Đại lộ Hoà Bình ở Móng Cái (chuẩn bị triển khai bán hàng).

Ở mảng đầu tư, các dự án nhà máy sản xuất công nghiệp như thủy điện, nước sạch, giáo dục tiếp tục sinh lời và đem đến dòng tiền bền vững cho doanh nghiệp.

Tin bài liên quan