Hội đồng quản trị VCG dự kiến sẽ trình cổ đông phương án phát hành 2.000 tỷ đồng trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và có tài sản bảo đảm bên cạnh kế hoạch phát hành 2.000 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi riêng lẻ với giá chuyển đổi không thấp hơn 2 lần giá trị sổ sách.
Bên cạnh đó, Hội đồng quản trị Công ty cũng dự kiến trình cổ đông phương án chào bán gần 58,29 triệu cổ phiếu, tương đương với 14,485% tổng số lượng cổ phiếu đang lưu hành tại ngày 31/12/2020 với giá chào bán không thấp hơn giá trị sổ sách, theo đó ước tính số tiền của Công ty có thể thu về từ đợt chào bán ít nhất vào khoảng 1.000 tỷ đồng. Triển vọng chào bán thành công của VCG được đánh giá cao khi thị giá cổ phiếu đang cao hơn khoảng 2,7 lần giá trị sổ sách giúp đảm bảo dư địa cho các cổ đông thực hiện quyền góp thêm vốn vào doanh nghiệp.
Các kế hoạch phát hành cổ phiếu và trái phiếu dự kiến sẽ đem về cho Vinaconex khoảng 5.000 tỷ đồng cùng với nguồn lực dự trữ hiện hữu sẽ đảm bảo nguồn lực tài chính cho Vinaconex trong việc thực hiện các dự án đầu tư quy mô lớn trong thời gian tới.
Tính đến cuối năm 2020, quy mô tổng tài sản của VCG đạt gần 19.610 tỷ đồng, tăng gần 300 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, giá trị tiền mặt và tiền gửi các kỳ hạn đạt 3.546 tỷ đồng, chiếm 18% tổng tài sản và tăng 54% so với đầu năm. Lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) đạt 3.667 đồng, tăng hơn 2,5 lần so với 2019.
Ngoài ra, cổ đông của Tổng công ty đón tin vui khi HĐQT trình kế hoạch chia cổ phiếu thưởng từ cổ phiếu quỹ. Theo đó, 36.216.961 cổ phiếu quỹ sẽ được chia thưởng cho các cổ đông với tỷ lệ phân phối 9%.
Sau 2 năm thực hiện tái cấu trúc, năm 2021 sẽ là thời điểm bản lề để Vinaconex đẩy mạnh các dự án đầu tư, tạo ra những giá trị bền vững trong tương lai. Dòng tiền thặng dư và nguồn lực tài chính vững chắc sẽ là bước đệm quan trọng giúp Vinaconex triển khai các kế hoạch kinh doanh trong năm 2021.
Trên thị trường, đóng cửa phiên giao dịch ngày 22/4, cổ phiếu VCG đứng tại mức giá 47.800 đồng/CP.