Bắc An Khánh, “nàng công chúa” khó chiều
Dự án Khu đô thị mới Bắc An Khánh là một trong những dự án trọng điểm của Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, mã VCG, sàn HOSE), do Công ty liên doanh TNHH Phát triển đô thị mới An Khánh JVC (Liên doanh giữa Vinaconex và Posco E&C Hàn Quốc) làm chủ đầu tư.
Dự án được UBND tỉnh Hà Tây (cũ) giao đất và phê duyệt quy hoạch 1/500 vào tháng 8/2007. Tuy nhiên, Dự án phải dừng thi công 4 năm do sáp nhập Hà Nội - Hà Tây và đến năm 2016 mới xong việc phê duyệt lại.
Sau điều chỉnh, Dự án có diện tích là 264,13 ha tại các xã An Khánh, Lại Yên, Song Phương và Vân Canh của huyện Hoài Đức, TP. Hà Nội. Dự án được chia thành những khu chức năng bao gồm: các khu chung cư cao tầng, khu biệt thự và nhà liền kề, văn phòng cho thuê, trung tâm thương mại, siêu thị. Trong đó, đất ở là 746.650 m2, đất công trình dịch vụ trong đơn vị ở 135.100 m2, còn lại là các hạng mục khác (công trình công cộng, cây xanh, giao thông…).
Việc giải quyết nợ nần của Bắc An Khánh là một trong những vấn đề đáng quan tâm trong hoạt động tài chính của Vinaconex.
Chủ đầu tư Dự án Bắc An Khánh - An Khánh JVC - được thành lập từ năm 2008 và thay đổi giấy đăng ký kinh doanh lần thứ 4 vào ngày 28/12/2017, với ngành nghề chính là kinh doanh bất động sản. Việc thay đổi đăng ký kinh doanh của An Khánh JVC sau khi Posco E&C nhượng lại phần vốn góp 50% của mình cho Công ty cổ phần Địa ốc Phú Long.
Cái bắt tay hợp tác giữa Posco E&C và Phú Long đã tạo ra nhiều lối mở cho Dự án Bắc An Khánh. Phú Long và Posco E&C đã thống nhất tinh thần hợp tác toàn diện trên cơ sở Posco E&C sẽ tham gia trong lĩnh vực tổng thầu xây dựng, thi công các dự án do Phú Long đầu tư.
Tại thời điểm 2 bên bắt tay hợp tác, ông Nguyễn Thanh Quang, Chủ tịch HĐQT Phú Long cho biết, Công ty mong muốn được học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật của Posco E&C trong phát triển và ứng dụng mô hình thành phố thông minh vào các dự án mà Phú Long đang phát triển tại Việt Nam.
Vinaconex không muốn “buông” Bắc An Khánh
Sau khi Phú Long mua lại phần vốn góp của Posco E&C tại Bắc An Khánh, cũng có ý kiến đồn đoán về việc có khả năng Phú Long sẽ muốn mua nốt 50% phần vốn góp của Vinaconex. Tuy nhiên, tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2018, ông Đỗ Trọng Quỳnh, Tổng giám đốc Vinaconex cho biết, Vinaconex chưa có ý tưởng bán nốt 50% cho đối tác Phú Long vì vẫn coi đây là dự án lớn.
Tuy nhiên, việc giải quyết nợ nần của Bắc An Khánh là một trong những vấn đề đáng quan tâm trong hoạt động tài chính của Vinaconex. Theo đó, tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên, Ban Kiểm soát nêu ý kiến về số dư nợ phải thu vẫn còn lớn so với doanh thu của Công ty mẹ, trong đó đáng chú ý là số dư nợ 979,36 tỷ đồng từ An Khánh JVC.
Đến cuối tháng 9/2018, các khoản phải thu ngắn hạn của Công ty mẹ Vinaconex ở mức 3.288 tỷ đồng, nhích hơn so với thời điểm đầu năm 2018. Trong đó, các khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng là 1.745 tỷ đồng, giảm so với mức 2.085 tỷ đồng hồi đầu năm. Dự phòng các khoản phải thu ngắn hạn khó đòi tại thời điểm 30/9/2018 là 257 tỷ đồng, giảm nhẹ so với mức 292 tỷ tại thời điểm cuối năm 2017.
Tuy nhiên, “điểm nhấn” đáng chú ý vẫn là khoản tiền chiếm gần 50% trong số các khoản phải thu của khách hàng là từ An Khánh JVC, với giá trị 884 tỷ đồng, giảm không đáng kể so với thời điểm cuối năm 2017. Theo đó, việc giải quyết các khoản nợ tại Dự án Bắc An Khánh vẫn là công việc gian nan đối với Vinaconex thời gian tới.
Được biết mới đây, HĐQT Vinaconex đã ban hành Quyết định số 405/2018/QĐ-HĐQT phê duyệt đơn xin từ nhiệm chức vụ Tổng giám đốc đối với ông Đỗ Trọng Quỳnh; bổ nhiệm ông Nguyễn Xuân Đông giữ chức vụ này; thay đổi người đại diện theo pháp luật của Vinaconex từ ông Đỗ Trọng Quỳnh sang ông Nguyễn Xuân Đông.