Tổng công ty vinh dự đón nhận Huân chương Lao động Hạng Ba tại lễ kỷ niệm 30 năm ngày thành lập.

Tổng công ty vinh dự đón nhận Huân chương Lao động Hạng Ba tại lễ kỷ niệm 30 năm ngày thành lập.

Vinaconex: Bản lĩnh người tiên phong

(ĐTCK) Hành trình 30 năm xây dựng và phát triển của Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex) là những câu chuyện đầy cảm hứng về nỗ lực vươn lên, đi những con đường mới để từng bước thành công.

Vinaconex ra đời ngày 27/9/1988, với tên gọi ban đầu là Công ty Dịch vụ lao động nước ngoài. Xuất khẩu lao động là lĩnh vực hoạt động chủ yếu, quan trọng bậc nhất của Công ty trong 5 năm đầu hoạt động. Đến nay, Vinaconex vẫn là thương hiệu hàng đầu trong lĩnh vực xuất khẩu lao động và chuyên gia.

Tính đến năm 2018, Vinaconex đã đưa được hàng trăm ngàn lượt người lao động ra nước ngoài làm việc tại trên 30 quốc gia và vùng lãnh thổ với trên 70 ngành nghề.

Bước ngoặt đến với Vinaconex khi năm 1991, Bộ Xây dựng ra Quyết định chuyển Công ty Dịch vụ và xây dựng nước ngoài thành Tổng công ty Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam.

Đến ngày 20/11/1995, Bộ Xây dựng ra Quyết định về việc thành lập lại Tổng công ty Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam theo chủ trương sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước cấp Tổng công ty.

Tiếp nhận một số doanh nghiệp trong lĩnh vực xây lắp, Vinaconex đã chủ động đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, vươn lên trở thành nhà thầu xây dựng hàng đầu trên tất cả lĩnh vực: dân dụng, công nghiệp, giao thông, thủy lợi…, đóng góp cho đất nước hàng nghìn công trình đẹp, hiện đại, mang tầm vóc quốc gia.

Tiêu biểu là Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Trung tâm thương mại Tràng Tiền, Khu đô thị mới Trung Hòa – Nhân Chính, tòa nhà trụ sở Tập đoàn Dầu khí, Bảo tàng Hà Nội, cầu Quý Cao, cầu Bãi Cháy, Nhà ga T2 – sân bay Quốc tế Nội Bài – Hà Nội, cầu Nhật Tân, đường cao tốc Hà Nội – Lào Cai…

Vinaconex cũng là nhà thầu xây dựng nhiều công trình công nghiệp, như các nhà máy xi măng Bút Sơn, Nghi Sơn, Chinfon, Hoàng Mai, Cẩm Phả…; Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Nhà máy cán thép Phú Mỹ, nhà máy dệt TAL Vĩnh Phúc…; các nhà máy thủy điện Buôn Kuốp, Sơn La, Bản Vẽ…

Với tầm nhìn và nỗ lực không ngừng của các thế hệ người lao động, Vinaconex đã thực hiện thành công hoạt động đầu tư thuộc nhiều lĩnh vực then chốt của nền kinh tế.

Bất động sản là lĩnh vực Tổng công ty gặt hái được nhiều thành công. Hàng loạt khu đô thị mới hiện đại do Vinaconex đầu tư và xây dựng góp phần làm thay đổi diện mạo đô thị, góp phần giải quyết khó khăn về chỗ ở cho người dân. Đó là Khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính; Đông Nam Trần Duy Hưng (N05), Bắc An Khánh (Splendora); Kim Văn - Kim Lũ; Trung Văn…

Trong sản xuất công nghiệp, Vinaconex tích cực đầu tư xây dựng các nhà máy xi măng theo chương trình phát triển vật liệu xây dựng của Chính phủ.

Tổng công ty đã đầu tư xây dựng Nhà máy Xi măng Cẩm Phả, công suất 2,3 triệu tấn/năm; Nhà máy Xi măng Yên Bình công suất 1 triệu tấn/năm… và là chủ đầu tư xây dựng nhà máy gạch ốp lát cao cấp Vicostone, sản phẩm chủ yếu xuất khẩu sang các nước phát triển; nhà máy kính an toàn…

Vinaconex cũng là đơn vị chủ đầu tư và khai thác có hiệu quả hàng loạt các dự án phát triển hạ tầng và dân sinh như các nhà máy thủy điện Cửa Đạt 97 MW, Ngòi Phát 72 MW…

Đặc biệt, sự kiện khánh thành và khai thác dự án hệ thống cấp nước sông Đà có tổng công suất quy hoạch 1,2 triệu m3/ngày đêm từ nguồn nước mặt sông Đà, đã hoàn thành giai đoạn 1, công suất 300.000 m3/ngày đêm, cung cấp 1/3 lượng nước sạch cho người dân Thủ đô…

Bản lĩnh tiên phong của Vinaconex cũng thể hiện rõ nét trong công tác đổi mới, sắp xếp lại doanh nghiệp. Tổng công ty là một trong ba tổng công ty nhà nước đầu tiên được Chính phủ chọn thí điểm cổ phần hóa toàn bộ doanh nghiệp nhà nước.

Ngày mới thành lập, nguồn vốn của Tổng công ty gần như bằng không, nhưng sau 17 năm phát triển, thời điểm định giá doanh nghiệp để chuyển sang công ty cổ phần, vốn của Tổng công ty đạt xấp xỉ gần 1.000 tỷ đồng.

Thời điểm hiện tại, vốn chủ sở hữu của Vinaconex là 6.100 tỷ đồng (trong đó vốn điều lệ là 4.417 tỷ đồng); vốn hóa thị trường đạt khoảng 8.000 tỷ đồng.

Chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, Tổng công ty và các đơn vị thành viên đã đạt mức tăng trưởng cao hơn so với khi là doanh nghiệp nhà nước. Doanh thu, lợi nhuận tăng bình quân hàng năm từ 10 – 30%.

Nhận thức rõ việc chỉ có thích ứng với môi trường kinh doanh và chuyển động của nền kinh tế, các doanh nghiệp mới có thể tiếp tục phát triển vững vàng, Vinaconex sớm hợp tác với tập đoàn tư vấn hàng đầu thế giới Credit Suise (Thụy Sĩ) để xây dựng chiến lược phát triển dài hạn.

Theo đó, Vinaconex đã định hướng lại chiến lược phát triển theo hướng giảm bớt đầu mối các công ty thành viên, tập trung phát triển vào hai lĩnh vực then chốt, có thế mạnh là xây dựng và kinh doanh bất động sản.

Danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, Thương hiệu Quốc gia… cùng nhiều phần thưởng cao quý khác là sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước và cộng đồng đối với những giá trị mà người lao động Vinaconex đã, đang nỗ lực vững bước trên hành trình “Xây những giá trị - Dựng ước mơ” cho các thế hệ mai sau và cho toàn xã hội. 

Tin bài liên quan