Tháng 7/2022, Xây dựng TNG mua vào 16,1 triệu cổ phiếu TTL của Tổng công ty Thăng Long - CTCP, qua đó nâng tỷ lệ sở hữu tại tổng công ty này lên 50,16%. Đến tháng 10/2022, Xây dựng TNG lại gây chú ý với thương vụ gom hơn 6,2 triệu cổ phiếu VC9 của Công ty cổ phần Xây dựng số 9, Vinaconex 9, sở hữu 53,1% tại doanh nghiệp này.
Gần 1 năm sau khi về tay Xây dựng TNG, hiệu quả kinh doanh của TTL và VC9 đều chưa có dấu hiệu cải thiện.
Báo cáo tài chính quý I/2023 của TTL cho thấy, trong quý đầu năm, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 297,4 tỷ đồng, tăng hơn 40% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế là 6,3 tỷ đồng, tăng 3% so với cùng kỳ. Đáng lưu ý, các khoản phải thu trong quý I tăng thêm 6%, lên 1.165 tỷ đồng, chiếm 50% tổng tài sản, dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi là 163 tỷ đồng. Tại ngày 31/3/2023, nợ phải trả của Tổng công ty lên tới 1.704 tỷ đồng, tăng 2% so với đầu năm, cao hơn 3 lần vốn chủ sở hữu. Trong đó, nợ vay là 767 tỷ đồng, chiếm 45% tổng nợ phải trả.
Năm 2023, TTL đặt mục tiêu doanh thu 1.624 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế 7,86 tỷ đồng, tăng 2,5 tỷ đồng so với kết quả năm ngoái, tương đương tỷ suất lợi nhuận trên vốn điều lệ chưa đầy 2%.
Còn tại VC9, trong quý đầu năm nay, Công ty ghi nhận doanh thu 16,5 tỷ đồng, giảm tới 70% so với cùng kỳ năm 2022; lợi nhuận sau thuế 101 triệu đồng, giảm hơn 50% so với cùng kỳ. Tính đến thời điểm cuối tháng 3, Công ty có lỗ lũy kế 105,3 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu chỉ còn 11,5 tỷ đồng.
Đáng nói, nợ phải trả của VC9 lên tới hơn 1.070 tỷ đồng, cao gấp 93 lần vốn chủ sở hữu. Trong đó, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn là 225 tỷ đồng, vay và nợ thuê tài chính dài hạn là 28,8 tỷ đồng.
Năm 2023, VC9 đặt mục tiêu doanh thu 707 tỷ đồng, song lợi nhuận sau thuế chỉ ở mức 1,9 tỷ đồng.
Tại đại hội cổ đông thường niên 2023 được tổ chức mới đây, đại diện VC9 đã thừa nhận các khó khăn về dòng tiền, trong đó nhiều khoản thu tập trung ở các chủ đầu tư như cụm công trình ở Quảng Ninh; Vinaconex ở dự án Bắc An Khánh...
Lấn sân sang lĩnh vực xây dựng công trình đường bộ, thi công, xây dựng dân dụng và công nghiệp, TNG chưa thể hiện gì nhiều tại TTL và VC9. Dấu ấn đáng kể nhất có lẽ là việc đưa nhân sự vào bộ máy điều hành.
Thông tin từ Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm (NRAST), Bộ Tư pháp cho thấy, từ tháng 10/2022 đến nay (sau khi TNG giữ cổ phần chi phối), TTL đã cầm cố nhiều tài sản tại các tổ chức tín dụng. Tài sản đảm bảo là các trang thiết bị và quyền đòi nợ phát sinh từ các hợp đồng của TTL với các đối tác.
Còn tại VC9, theo ghi nhận của Báo Đầu tư Chứng khoán, công ty này đang nợ tiền cung cấp nguyên vật liệu, dịch vụ từ một số đối tác. Điển hình như việc nợ Công ty TNHH Việt Đức 6,3 tỷ đồng cho nhiều khoản nợ, trong đó có những khoản nợ kéo dài gần 6 năm. Điều đáng nói, theo phản ánh của Công ty TNHH Việt Đức, các dự án mà Việt Đức cung cấp bê tông cho VC9 đều đã được các chủ đầu tư thanh toán.
Năm 2023, VC9 có kế hoạch phát hành riêng lẻ 10 triệu cổ phần, để tăng vốn thêm 100 tỷ đồng. Số tiền dự kiến thu được từ đợt phát hành sẽ dùng để thanh toán gốc và lãi vay cho Ngân hàng BIDV Hà Đông (40 tỷ đồng); thanh toán cho nhà cung cấp và bổ sung vốn lưu động khác (60 tỷ đồng).
Kinh doanh gặp nhiều khó khăn, giá cổ phiếu TTL và VC9 liên tục “tìm đáy”. Tính đến ngày 13/7/2023, cổ phiếu TTL giao dịch quanh mức 8.700 đồng/cổ phiếu, giảm gần 50% so với mức 16.900 đồng/cổ phiếu so với thời điểm TNG vừa thâu tóm.
Còn với VC9, tính đến ngày 13/7/2023, cổ phiếu VC9 đang được giao dịch quanh mức 5.800 đồng/cổ phiếu, giảm 3.500 đồng/cổ phiếu, tương đương giảm 38%, so với thời điểm TNG hoàn thành việc mua vào và trở thành cổ đông chi phối tại VC9 (ngày 5/7/2022).