Vinacomin, nghe chỉ đạo xong lại... trình bày!

Vinacomin, nghe chỉ đạo xong lại... trình bày!

(ĐTCK) Chủ tịch của Vinacomin khá nổi tiếng bởi nhiều câu nói sốc tại không ít diễn đàn. Mới đây, khi bị Thủ tướng Chính phủ nhắc nhở do tiến hành cổ phần hóa (CPH) chậm trễ trong năm qua, ông Trần Xuân Hòa, Chủ tịch Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) lại viện dẫn một số lý do.

Lọt vào danh sách “đen”

Vinacomin vừa bị Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp liệt vào danh sách các đơn vị có kết quả triển khai CPH yếu kém nhất trong cả nước, khi toàn bộ 8 DN thành viên của Tập đoàn trong diện CPH giai đoạn 2012 - 2015 chưa được triển khai rốt ráo. Đặc biệt, tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ tái cơ cấu DNNN 2014 - 2015 diễn ra mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã phải trực tiếp yêu cầu Chủ tịch Vinacomin sớm chấn chỉnh tình trạng CPH chậm trễ…

Theo Đề án tái cơ cấu Vinacomin giai đoạn 2012 - 2015, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Vinacomin phải CPH 8 DN gồm: Công ty mẹ - Tổng công ty Công nghiệp mỏ Việt Bắc -Vinacomin, Công ty mẹ - Tổng công ty Khoáng sản - Vinacomin, Công ty mẹ - Tổng công ty Điện lực - Vinacomin, Công ty TNHH một thành viên Vật tư - Vận tải và Xếp dỡ - Vinacomin, Công ty TNHH một thành viên Kim loại màu Thái Nguyên, Công ty TNHH một thành viên Phát triển Công nghệ và Thiết bị mỏ, Công ty TNHH một thành viên Nhôm Lâm Đồng - Vinacomin, Công ty TNHH một thành viên Cơ khí đóng tàu - Vinacomin.

Trong số 8 DN Vinacomin phải CPH, thì có tới 7 DN theo kế hoạch Vinacomin vẫn sở hữu cổ phần chi phối sau CPH (tối thiểu nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên). Chỉ có một trường hợp là Công ty TNHH một thành viên Cơ khí đóng tàu - Vinacomin, sau CPH, Vinacomin nắm không quá 50% vốn điều lệ.

Theo lộ trình được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, chỉ còn hơn một năm nữa Vinacomin sẽ phải hoàn tất CPH 8 DN. Tuy nhiên, đến thời điểm này, phương án CPH các đơn vị này vẫn chưa được công bố tới thị trường, mặc dù theo lộ trình mà chính Vinacomin đặt ra là từ 1/1/2014, đưa Công ty TNHH một thành viên Vật tư - Vận tải và Xếp dỡ - Vinacomin và Công ty TNHH một thành viên Kim loại màu Thái Nguyên chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần…

Theo Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, việc Vinacomin đẩy nhanh tiến độ CPH sẽ góp phần đáng kể vào mục tiêu hoàn thành CPH 432 DN từ nay đến hết năm 2015, nếu không thì ngược lại...

“Nan giải nhất là giải quyết lao động dôi dư…”

Đó là lý do ông Hòa nêu ra để giải thích cho việc triển khai CPH ở Vinacomin chậm trễ trong thời gian qua. Với quy mô hoạt động của Vinacomin hiện nay, nếu tái cơ cấu, đẩy nhanh CPH, có thể dôi dư khoảng 30.000 lao động.

“Không thể ném họ ra đường, bởi họ đã bám với ngành nghề hàng chục năm, gia đình họ sống nhờ vào ngành than. Để giải quyết được lượng lao động dôi dư này, ước cần khoảng 10.000 tỷ đồng. Số tiền rất lớn này lấy ở đâu? Chúng tôi đang báo cáo các bộ ngành chức năng giải quyết thực trạng này, chứ Vinacomin không thể làm, vì Tập đoàn không được đầu tư ra ngoài ngành, nên không thể chuyển dịch 30.000 lao động…”,

Ông Hòa cho biết thêm, tại nhiều diễn đàn, ông đã nhiều lần bày tỏ quan ngại rằng, không riêng Vinacomin, vấn đề lo lắng nhất trong quá trình thực hiện CPH các DNNN hiện nay là giải quyết lao động dôi dư. Trong một thời gian ngắn, lấy đâu ra lượng kinh phí rất lớn để giải quyết lượng lao động dôi dư lên đến hàng vạn người. Để giải quyết vấn đề này, theo kinh nghiệm của nhiều nước, bản thân các DNNN không thể đủ sức lo liệu, mà Chính phủ phải bỏ ra một khoản kinh phí khá lớn. Khoản tiền này không chỉ được giải ngân để tạo công ăn việc làm mới, để “tiêu hóa” được lượng lao động dôi dư, mà còn chi cho đào tạo nghề… Nếu không nhìn thẳng vào giải quyết lao động dôi dư, thì CPH sẽ vẫn gặp nhiều khó khăn…

Một lý do quan trọng khác, mà không biết do vô tình hay hữu ý, ông Hòa không đề cập khi giải thích nguyên nhân CPH chậm trễ, đó là tiến trình CPH bắt đầu đụng đến các DN lớn như: Tổng công ty Công nghiệp mỏ Việt Bắc, Tổng công ty Khoáng sản, Tổng công ty Điện lực…, nên sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi của Vinacomin, mà người đứng đầu Vinacomin không muốn nói ra. Đây đang là nguyên nhân chính khiến Vinacomin chần chừ CPH?     

Không tiết lộ cụ thể khoản vốn đầu tư ngoài ngành chưa thể thoái được tính đến thời điểm này, ông Hòa chỉ khẳng định, vốn đầu tư ngoài ngành của Vinacomin hiện không lớn, nếu trừ đi 1.000 tỷ đồng đầu tư vào các công ty tài chính 100% vốn của Vinacomin và huy động vốn đầu tư cho các đơn vị của Vinacomin. Bởi vậy, nếu không nhượng bán được vốn đầu tư ngoài ngành, Vinacomin sẽ giải thể các đơn vị này, do đó sẽ bảo toàn được vốn.

Tin bài liên quan