Kết quả hoạt động 6 tháng đầu năm vừa được ông lớn hóa chất công bố mới đây ghi nhận khoản lỗ kỷ lục lên tới trên 1.000 tỷ đồng, nối dài kết quả kinh doanh bết bát của Vinachem.
Cụ thể, doanh thu quý II toàn Tập đoàn ước đạt 10.432 tỷ đồng, bằng 91% so với kế hoạch quý; lũy kế 6 tháng ước đạt 19.971 tỷ đồng, bằng 43,4% kế hoạch năm.
Lợi nhuận cộng hợp toàn Tập đoàn quý II ước lỗ 442 tỷ đồng; nâng mức lỗ của Vinachem trong 6 tháng đầu năm lên tới 1.025 tỷ đồng.
Đặc biệt, mức lỗ của 4 đơn vị thành viên Vinachem - thuộc nhóm doanh nghiệp yếu kém ngành công thương, tăng 1.326 tỷ đồng so với cùng kỳ 2019.
Bên cạnh khoản lỗ kỷ lục của 4 doanh nghiệp này, điểm sáng le lói của ông lớn hóa chất là các đơn vị còn lại lãi 882 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ năm 2019.
Đáng chú ý, trong 4 doanh nghiệp yếu kém thua lỗ, Công ty cổ phần DAP - Vinachem (DDV) vẫn tiếp tục ghi nhận khoản lỗ hơn 27 tỷ đồng trong quý II, tăng mạnh so với mức lỗ hơn 6 tỷ đồng trong quý I/2020, dù vẫn được coi là mức lỗ thấp nhất so với 3 doanh nghiệp còn lại.
Với khoản lỗ gia tăng này, lũy kế 6 tháng đầu năm 2020, DDV đạt 669,4 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 8,7% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế tiếp tục trở lại tình trạng âm 33,6 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi ròng 21 tỷ đồng.
Lý giải tình hình kinh doanh bết bát trong 6 tháng đầu năm, ông Bùi Thế Chuyên, Phó tổng giám đốc Tập đoàn cho biết, hai quý đầu năm 2020, tình hình sản xuất - kinh doanh của Vinachem gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.
Bên cạnh đó, các yếu tố như thời tiết diễn biến bất lợi như mưa đá ở miền Bắc; hạn hán tại Tây Nguyên, xâm nhập mặn tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc canh tác, giảm nhu cầu phân bón. Nguyên liệu đầu vào, vốn và điều kiện sản xuất, cũng như thị trường tiêu thụ sản phẩm cũng là khó khăn lớn đối với Vinachem.
“Do vậy, kết quả hoạt động sản xuất - kinh doanh trong quý II/2020 của toàn Tập đoàn đạt thấp so với cùng kỳ. Giá trị sản xuất công nghiệp tính theo giá thực tế quý II ước đạt 9.559 tỷ đồng, bằng 86% kế hoạch; lũy kế 6 tháng ước đạt 18.443 tỷ đồng, bằng 41,5% so với kế hoạch năm”, ông Chuyên thông tin.
Việc thiếu nguyên liệu và máy móc thiết bị do bị chậm nhập khẩu tác động bởi dịch Covid-19 kéo dài hiện tiếp tục là mối lo ngại hiện hữu đối với Vinachem.
Đánh giá những ảnh hưởng từ yếu tố này tới tình hình hoạt động 6 tháng cuối năm, Tổng giám đốc Vinachem Phùng Quang Hiệp trước đó đã nhấn mạnh việc thiếu nguyên liệu, thiếu máy móc thiết bị do chậm nhập khẩu hay phải mua với giá cao sẽ tiếp tục là những vấn đề lớn mà các doanh nghiệp trong Tập đoàn phải đối mặt.
Tại báo cáo đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh 2 quý cuối năm gửi Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước gần đây, Vinachem ước tính các nhóm ngành chính của tập đoàn này chỉ còn đủ nguyên liệu đến tháng 5/2020.
Tính đến nay, dù tình hình dịch bệnh trong nước đã được kiểm soát, song trên thế giới, trong đó có nhiều quốc gia là đầu nguồn cung ứng nguyên liệu, máy móc thiết bị cho ngành hóa chất nói chung cũng như Vinachem nói riêng, làn sóng thứ 2 của dịch Covid-19 vẫn tiếp tục bùng phát.
Diễn biến này ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động giao dịch thương mại và xuất nhập khẩu, kéo dài tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên vật liệu.
Trong điều kiện này, Vinachem dự báo với khả năng dịch Covid-19 vẫn kéo dài thì tình trạng thiếu nguyên liệu cho sản xuất trong 2 quý cuối năm vẫn tiếp tục là vấn đề lớn.
Trước những khó khăn trong bối cảnh kinh tế suy giảm, chuỗi cung ứng đứt gãy chưa phục hồi, Vinachem đặt mục tiêu kinh doanh quý III khá thận trọng, với mục tiêu giảm lỗ tối đa có thể.
Cụ thể, quý III, Vinachem đặt mục tiêu kế hoạch đạt doanh thu 10.210 tỷ đồng, lũy kế 9 tháng đạt 30.181 tỷ đồng; lợi nhuận cộng hợp toàn Tập đoàn dự kiến quý III lỗ 546 tỷ đồng, trong đó các đơn vị thuộc Đề án 1468 lỗ 930 tỷ đồng, các đơn vị còn lại lãi 384 tỷ đồng.
Một trong những đề xuất mới nhất được ông lớn này đưa ra trong loạt các giải pháp nhằm thực hiện mục tiêu quý III và 2 quý cuối năm đáng chú ý vẫn là kéo dài các khoản vay cho 4 doanh nghiệp yếu kém dù mức lỗ dự báo tiếp tục phình to, tăng thêm gánh nặng nợ nần cho Tập đoàn.
Cụ thể, Vinachem kiến nghị đối với khoản vay BIDV và các ngân hàng thương mại cho các Dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình, Nhà máy Đạm Hà Bắc và DAP số 2 Lào Cai, tiếp tục cho phép cơ cấu kéo dài thời hạn vay; không tính lãi phạt trên lãi và gốc chậm trả; điều chỉnh lãi suất tiền vay; được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và không chuyển nhóm nợ; có giải pháp đặc thù về xếp nhóm nợ; tiếp tục cho các công ty vay vốn lưu động và duy trì hạn mức vay vốn lưu động…