Ông có thể chia sẻ chiến lược đầu tư trong năm tới của các quỹ do VinaCapital quản lý?
Những năm qua, thị trường Việt Nam gặp không ít khó khăn, nhưng chúng tôi nhận thấy nền kinh tế vĩ mô của Việt Nam hiện nay khá ổn định so với các nước khác. Chúng tôi sẽ tập trung đầu tư thêm vốn vào thị trường Việt Nam.
Ngoài ra, những nhà đầu tư nước ngoài mà tôi biết cũng đang xem xét việc đổ thêm vốn vào Việt Nam. Danh mục của các quỹ đầu tư do VinaCapital quản lý từ trước đến giờ hầu hết là những DN sản xuất - kinh doanh các mặt hàng tiêu dùng, dịch vụ, giáo dục và chúng tôi đang đầu tư trở lại lĩnh vực địa ốc.
Việc tập trung thêm vốn vào thị trường Việt Nam sẽ được triển khai ngay từ đầu năm 2015, thưa ông?
Năm 2015, Ban giám đốc của các quỹ sẽ họp để thảo luận việc đầu tư thêm vào thị trường Việt Nam thông qua việc huy động thêm vốn đầu tư vào các quỹ hiện hữu hoặc lập quỹ mới. Hiện tổng số vốn đầu tư mà VinaCapital đang quản lý khoảng 1,5 tỷ USD.
Trong năm 2014, theo các tính toán cụ thể, tỷ suất sinh lợi khi đầu tư vào Việt Nam có thể đạt trên 20%. Đây là mức sinh lợi khá hấp dẫn so với các thị trường khác và các nhà đầu tư nước ngoài cũng đòi hỏi mức sinh lợi khi đầu tư vào Việt Nam tối thiểu phải là mức này. Vì lãi suất vay ở Việt Nam đã là 10 - 12%/năm, cộng thêm với các chi phí quản trị rủi ro nên mức sinh lời buộc phải đến mức đó thì mới hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài.
So với các nước lân cận như Thái Lan, Malaysia, Indonesia… thì mức sinh lợi của thị trường Việt Nam trong năm 2014 rất tốt. Đối với thị trường Singapore, nhà đầu tư chỉ yêu cầu ở mức 10 - 12%, do lãi suất vay ở thị trường này chỉ 3 - 4%/năm.
Trong 8 tháng đầu năm 2014, các quỹ đầu tư đã đổ vào thị trường chứng khoán Việt Nam gần 277 triệu USD, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm 2013.
Hiện tổng số vốn đầu tư mà VinaCapital đang quản lý khoảng 1,5 tỷ USD
Những rủi ro nào mà nhà đầu tư nước ngoài có thể gặp phải khi đầu tư tại Việt Nam, thưa ông?
Những năm trước, kinh tế vĩ mô của Việt Nam chưa được ổn định, mức lạm phát tăng cao, tỷ giá biến động, một số chính sách chưa đồng bộ khiến các nhà đầu tư lo ngại.
Hiện nhiều công ty của Việt Nam đã hết “room” cho nhà đầu tư nước ngoài là 49%, nên khi họ muốn đầu tư thêm cũng không được. Họ đang mong muốn tỷ lệ đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài vào một công ty Việt Nam được nâng lên mức 60%. Nếu được nới room, chắc chắn nguồn vốn gián tiếp đổ vào Việt Nam sẽ tăng mạnh trong năm tới.
Ông có nói, VinaCapital đang đầu tư trở lại vào bất động sản. Vậy các nhà đầu tư nước ngoài khác có quan tâm đến bất động sản ở thời điểm này hay không?
Khi lãi vay giảm xuống, thị trường bất động sản sẽ ấm dần, vì những người có nhu cầu mua nhà sẽ mạnh dạn vay tiền hơn. Trước đây, người dân có tiền nhàn rỗi, họ thường gửi tiết kiệm vì lãi suất tiền gửi lên đến 14 - 15%/năm, nhưng nay lãi suất tiền gửi xuống thấp chỉ còn 6 - 7%/năm thì những người có nhu cầu sẽ lấy tiền đó ra mua nhà.
Giai đoạn 2011 - 2012, niềm tin của người dân vào thị trường bất động sản xuống thấp, họ sợ mua vào thì giá sẽ tiếp tục giảm. Nhưng hiện nay, niềm tin đó đã trở lại vì giá bất động sản đã xuống ở mức hợp lý hơn nhiều.
Hiện các dự án đầu tư bất động sản do VinaCapital tham gia đầu tư cũng khá hiệu quả. Chúng tôi mới mua thêm 1 dự án nhà ở phân khúc trung bình tại TP. HCM để tham gia vào phân khúc đang sôi động này.
Tôi cho rằng, đầu năm 2015 sẽ có thêm nhiều nhà đầu tư nước ngoài muốn đổ tiền vào bất động sản Việt Nam ở nhiều phân khúc, từ trung bình đến cao cấp, vì thị trường vẫn rất tiềm năng.