Theo đó, Vinacap Kim Long đặt mục tiêu doanh thu năm 2023 đạt 445,9 tỷ đồng, tăng nhẹ 6% so với thực hiện của năm ngoái; lợi nhuận sau thuế 1,63 tỷ đồng, tăng trưởng 10%, cổ tức bình quân chi trả 1% vốn điều lệ sau khi đã trích nộp đủ các quỹ theo quy định.
Năm 2022, Vinacap Kim Long đạt hơn 420 tỷ đồng doanh thu và 1,48 tỷ đồng lợi nhuận, hoàn thành 81% kế hoạch về doanh thu và 46% kế hoạch về lợi nhuận. Việc không hoàn thành kế hoạch đề ra trong năm 2022 khiến Ban lãnh đạo Công ty đặt kế hoạch thận trọng hơn trong năm 2023 với mục tiêu tăng trưởng nhẹ so với kết quả năm vừa qua.
Về kết quả kinh doanh quý I/2023, Công ty ghi nhận doanh thu đạt hơn 58,7 tỷ đồng, giảm 31,2% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận sau thuế âm 802 triệu đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi 236 triệu đồng.
Lãnh đạo Công ty cho biết, kết quả sản xuất kinh doanh trong năm 2022 và quý I/2023 chưa tốt do nền kinh tế toàn cầu suy thoái dẫn đến sự giảm sút trong tiêu dùng.
Bên cạnh đó, dù Công ty đã nỗ lực tìm kiếm các đơn hàng và phát triển sản phẩm mới nhưng giá xăng dầu tiếp tục biến động, chi phí logistics tăng cao, lãi suất ngân hàng, tỷ giá USD cũng ở mức cao khiến chi phí sản xuất của doanh nghiệp tăng kéo theo sự sụt giảm về hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty.
Trước những khó khăn hiện nay, Công ty chủ động đưa ra nhiều giải pháp, thực hiện tốt tái cấu cơ cấu công ty, tinh giảm nhân sự, cắt giảm và quản lý tốt chi phí. Đồng thời đã xây dựng và áp dụng các chính sách, cơ chế khoán kinh doanh và khoán bộ phận sản xuất.
Ban lãnh đạo Vinacap Kim Long cho rằng, đây là các giải pháp mang lại hiệu quả cho Công ty và phù hợp với điều kiện năng lực hiện nay.
Để sản xuất kinh doanh hiệu quả, ban lãnh đạo Công ty được cổ đông đề nghị cần tăng cường công tác quản trị công nợ phải thu, phải trả, quản lý cân đối và sử dụng dòng tiền tối ưu, xem xét và cân đối hợp lý vật tư hàng hóa tồn kho, có kế hoạch nhập vật tư cho từng tháng.
Trả lời câu hỏi của cổ đông về tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu của Công ty nhỏ, số dư công nợ cao, hàng tồn kho cuối năm 2022 cao, ông Ngô Hữu Tâm, Tổng giám đốc Vinacap Kim Long cho biết, tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu thấp là do doanh thu trong năm vừa qua đem lại chủ yếu từ các hợp đồng thương mại. Năm 2022, sản lượng hàng hóa công ty sản xuất giảm, các gói thầu cáp quang giá chào thầu thấp, hiệu quả không cao.
Bên cạnh đó, tính chất sản xuất kinh doanh của Công ty cũng như các công ty khác cùng ngành là bán hàng thông qua đấu thầu các gói thầu thường có giá trị lớn, do đó, thời điểm chuyển năm vẫn còn có một số gói thầu, hợp đồng lớn còn phải thực hiện, một số hợp đồng đã thực hiện nhưng chưa nghiệm thu và chưa thu nợ, vì vậy tại thời điểm cuối năm công nợ còn cao.
"Thời gian tới, các đơn hàng cáp quang giảm nên Công ty không có kế hoạch nhập và dự trữ nhiều vật tư như trước nên hàng tồn kho sẽ giảm", đại diện Vinacap Kim Long chia sẻ.
Nhấn mạnh thêm về năm 2023 cực kỳ khó khăn, lãnh đạo Công ty cho biết, VTE đã tiến hành cắt giảm một nửa số lao động, cắt giảm diện tích thuê nhà và một số khoản chi phí khác.
"Nếu không cắt thì con số lỗ của công ty sẽ khác. Sản phẩm cáp đang ở giai đoạn bão hòa và là cuối của chu kỳ kinh doanh. Giá chào thầu thấp, trong khi chi phí giá thành thì cao. Giá có thể trúng thầu nằm ngoài phạm vi mong muốn của Vinacap. Giá chào thầu của các hợp đồng VNPT vừa qua nếu Vinacap làm thì sẽ lỗ từ 10-20%", đại diện Công ty nói và cho biết thêm, sắp tới Công ty cần phải tìm kiếm các hướng sản xuất kinh doanh mới, cần kiểm soát doanh thu, công nợ, hàng tồn kho ở mức hợp lý, an toàn.