Theo báo cáo của Tổng công ty Cà phê Việt Nam, năm 2021 có nhiều khó khăn thách thức, đặc biệt là đại dịch Covid-19 tác động xấu đến nhiều lĩnh vực, công tác, hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng công ty. Được sự quan tâm, chỉ đạo của Ủy ban và Đảng ủy Khối, Tổng công ty đã đoàn kết, nỗ lực phấn đấu. Tuy nhiên, dù đã có nhiều cố gắng, nhưng kết quả sản xuất kinh doanh không như mong đợi, hầu hết các chỉ tiêu đều không đạt kế hoạch.
Về tài chính, kết quả hợp nhất toàn Tổng công ty năm 2021: Doanh thu 1.625 tỷ đồng, đạt 71,4% kế hoạch năm; lợi nhuận 5,2 tỷ đồng, đạt 34,7% kế hoạch năm; nộp ngân sách 35,6 tỷ đồng, đạt 105,3% kế hoạch năm. Trong đó, Công ty mẹ doanh thu 1.150 tỷ đồng, đạt 71,9% kế hoạch năm; lợi nhuận 3,2 tỷ đồng, đạt 53,3% kế hoạch năm; nộp ngân sách 11,3 tỷ đồng, đạt 77,9 % kế hoạch năm.
Trong lĩnh vực kinh doanh xuất nhập khẩu và dịch vụ chế biến các chỉ tiêu kế hoạch đều ở mức thấp, trên dưới 50% như: Sản lượng chế biến qua kho chỉ đạt 21.400 tấn, đạt 61% kế hoạch năm; cà phê rang xay và hòa tan 9 tấn, đạt 36% kế hoạch; cà phê xuất khẩu 7.350 tấn, đạt 36,8% kế hoạch; kim ngạch xuất khẩu 12,5 triệu USD, đạt 46,3% kế hoạch.
Các chỉ tiêu về nông nghiệp có kết quả khả quan hơn, diện tích trồng cà phê là 16.243 ha đạt 100,2% kế hoạch; năng suất bình quân cà phê 2,19 tấn/ha, đạt 90,1% kế hoạch; diện tích gieo trồng lúa 4.180,2 ha, đạt 100,1%.
Trước những khó khăn chưa có “lối thoát” từ nhiều năm nay, các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2022 mà Vinacafe dự tính vẫn chỉ ở mức khá “khiêm tốn”. Hợp nhất toàn Tổng công ty: Doanh thu 1.849 tỷ đồng, tăng 13,8% so với thực hiện năm 2021; lợi nhuận trước thuế 12 tỷ đồng, tăng 130,8% so với thực hiện 2021; nộp ngân sách 41 tỷ đồng, tăng 15,2% so thực hiện 2021 (trong đó, các chỉ số của Công ty mẹ là: doanh thu 1.442 tỷ đồng, 25,4%; lợi nhuận trước thuế 8 tỷ đồng, tăng 150%; nộp ngân sách 14,2 tỷ đồng, tăng 25,7%).
Chỉ ra hướng đi để khắc phục khó khăn của Tổng công ty, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh cho biết, một doanh nghiệp đang thua lỗ thì về nguyên tắc không thể cổ phần hóa được. Việc Vinacafe xin cơ chế đặc thù có thể tốt nhưng cũng có thể dẫn đến tiềm ẩn rủi ro, bất ổn sau này. Do đó, Vinacafe không nên đi sâu vào phương án cổ phần hóa, mà cần tính toán kỹ đến việc tự đổi mới, sắp xếp lại doanh nghiệp.
“Chúng ta có nguồn lực lớn là quỹ đất, nguồn nhân lực công nhân lao động dồi dào. Đây là một lợi thế. Ngành cà phê vẫn đang có tiềm năng lớn. Vinacafe cần tìm cách từng bước tháo gỡ khó khăn để phục hồi. Phải xử lý được khó khăn mới tính toán đến cổ phần hóa”, ông Hoàng Anh gợi mở.
Bên cạnh đó, khi nền kinh tế đã chuyển sang cơ chế thị trường, bản thân Vinacafe cũng từng bỏ lỡ những cơ hội để bứt phá, phát triển. Trong hoàn cảnh hiện nay, khi không thể chi phối thị trường, Vinacafe cần không ngừng tìm tòi, nghiên cứu ra những sản phẩm mới, hướng đi mới, mạnh dạn chuyển đổi để từ đó mới có thể tồn tại, phát triển và định vị lại được vị thế trên thị trường cà phê.
Tổng công ty Cà phê Việt Nam hiện có 45 đơn vị thành viên, đang “đứng chân” tại 13 tỉnh, thành phố; trong đó có 32 đơn vị sản xuất nông nghiệp. Tổng công ty đang quản lý hơn 30.000 ha đất tự nhiên, trong đó 26.863 ha đất nông nghiệp, với 25.340 người lao động, trong đó có gần 2.500 người lao động là đồng bào dân tộc tại chỗ; cây trồng chính là Cà phê 15.441 ha, lúa nước 2.146 ha...