VIF2014: Mở rộng tầm nhìn, mở rộng kết nối

VIF2014: Mở rộng tầm nhìn, mở rộng kết nối

(ĐTCK) Hơn 300 quan khách, đến từ các cơ quan của Chính phủ, các doanh nghiệp lớn, các thành viên TTCK Việt Nam và nhiều nhà đầu tư quốc tế sẽ hội tụ tại Trung tâm Hội nghị quốc tế White Palace, TP. HCM trong ngày 19/6/2014 để tham dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VIF).
Tại đây, các vấn đề kinh tế toàn cầu, cơ hội cho DN, cho TTCK và nền kinh tế Việt Nam là những chủ điểm chính sẽ được đưa ra để thảo luận. TS. Marc Faber,  TS. Nguyễn Chí Dũng -Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư và TS. Vũ Bằng - Chủ tịch UBCK chia sẻ trước thềm Diễn đàn.

UBCK nỗ lực nâng hạng và quảng bá TTCK đến nhà đầu tư nước ngoài

TS. Vũ Bằng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước

Sau 14 năm hoạt động, TTCK Việt Nam đã không ngừng phát triển và hoàn thiện, từng bước trở thành kênh dẫn vốn trung và dài hạn phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.  Để tiếp tục phát triển TTCK Việt Nam, một trong những việc quan trọng là thu hút nhiều hơn, mạnh hơn nữa dòng vốn từ nhà đầu tư nước ngoài. Làm được việc này, cần có nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó, cần xây dựng cơ chế thu hút nhà đầu tư nước ngoài, khuyến khích đầu tư dài hạn vào TTCK Việt Nam. Cần rà soát, phân loại để nâng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt đối với các lĩnh vực ngành nghề mà Nhà nước không cần nắm cổ phần chi phối. Trước mắt, cần thực hiện việc nâng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại các tổ chức kinh doanh chứng khoán theo lộ trình cam kết Tổ chức thương mại thế giới (WTO), trong đó đặc biệt khuyến khích các tổ chức tài chính lớn có uy tín, chuyên nghiệp tham gia sở hữu các tổ chức kinh doanh chứng khoán trong nước. Bên cạnh đó, sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng các chứng khoán niêm yết qua việc thúc đẩy cổ phần hóa các DNNN, đặc biệt chú trọng đưa ngay DN cổ phần hóa vào niêm yết, hoặc đăng ký giao dịch. Một giải pháp quan trọng khác là nâng cao uy tín, vị thế TTCK Việt Nam trên trường quốc tế. Hiện chúng tôi đang nỗ lực nâng hạng TTCK Việt Nam trên bảng phân loại MSCI (từ hạng Frontier Market đến Emerging Market), đồng thời tăng cường tổ chức hội nghị tiếp xúc và quảng bá hình ảnh TTCK Việt Nam với nhà đầu tư nước ngoài.

Việt Nam sẵn sàng chào đón các nhà đầu tư quốc tế

Ông Nguyễn Chí Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Để thúc đẩy nền kinh tế theo hướng phát triển bền vững và hiệu quả hơn, Chính phủ Việt Nam đã và đang thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế với 3 trụ cột chính là tái cơ cấu đầu tư, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và hệ thống tài chính – ngân hàng. Liên quan tới tái cơ cấu DNNN, Chính phủ đã thông qua chương trình cổ phần hóa DNNN, với mục tiêu cổ phần hóa 432 DNNN giai đoạn 2014 - 2015. Chương trình này đang mở ra cơ hội rất lớn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước, thông qua việc góp vốn, mua cổ phần, tham gia cổ đông chiến lược tại các DNNN. Cơ hội đó đang được hậu thuẫn bởi chương trình cải cách thể chế, trong đó có việc trong năm nay Quốc hội Việt Nam sẽ xem xét sửa đổi nhiều đạo luật quan trọng nhằm cải thiện môi trường pháp lý về đầu tư – kinh doanh như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Kinh doanh Bất động sản, Luật Nhà ở và một số đạo luật khác.

Chính phủ Việt Nam đã và đang hành động mạnh mẽ nhằm tạo lập môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi và bình đẳng cho các nhà đầu tư nước ngoài. Việt Nam sẵn sàng chào đón các nhà đầu tư quốc tế và cam kết sẽ làm hết mình để các nhà đầu tư tiếp cận với những cơ hội đầu tư có hiệu quả tại Việt Nam, vì lợi ích chính đáng của cả hai bên.

Việt Nam có nhiều cơ hội trong bối cảnh các nền kinh tế đều “có vấn đề”

TS. Marc Faber

Vấn đề của phương Tây: Nợ quá mức, lãi suất thấp một cách giả tạo, thiếu tiết kiệm, nghĩa vụ nợ chưa có nguồn thanh toán, yếu tố nhân khẩu học kém, tiền lương thực tế giảm và mức sống giảm, thực phẩm biến đổi gen, nền dân chủ trục trặc và “quá nhiều can thiệp của chính phủ”.

Vấn đề của các nền kinh tế mới nổi: Nợ tăng quá mức trong mấy năm gần đây, kinh tế phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc, tốc độ tăng trưởng chậm lại, đói nghèo và vấn đề giáo dục, thiếu nước sinh hoạt, sự can thiệp của quyền lực bên ngoài, chủ nghĩa dân tộc gia tăng.

Vấn đề toàn cầu: căng thẳng địa chính trị và đấu tranh xã hội gia tăng, bất công bằng về của cải và thu nhập tăng, các vấn đề tiềm ẩn về chăm sóc sức khoẻ (đại dịch, “siêu vi”) và thiếu lương thực, các thị trường tài sản bị thổi phồng và kinh tế bong bóng.

Việt Nam: các yếu tố cơ bản của nền kinh tế và giá trị cổ phiếu Việt Nam đang rất tốt. Chứng khoán Việt Nam cần có thời gian để phục hồi trở lại do sự kiện Biển Đông đã tạo ra bóng mây bao phủ lên thị trường tài sản Việt Nam. Vì giá cổ phiếu đang ở mức thấp và triển vọng kinh tế Việt Nam về tổng thể rất tốt, nên rủi ro giảm điểm ở mức giá hiện tại là không có.

Tin bài liên quan