Theo đánh giá của Bộ Thông tin và Truyền thông, năm 2015, hạ tầng mạng lưới viễn thông, internet tiếp tục hoạt động ổn định, thị trường dịch vụ viễn thông và internet cạnh tranh mạnh. Số lượng thuê bao internet băng rộng ước đạt khoảng 7,6 triệu thuê bao.
Số lượng thuê bao di động đạt khoảng 122 triệu thuê bao, giảm so với năm 2014 do tăng cường công tác quản lý nên số sim rác giảm. Trong số thuê bao di động, thuê bao 3G có chiều hướng tăng nhanh và số thuê bao 2G giảm mạnh. Số lượng thuê bao cố định tiếp tục giảm chậm, ước còn khoảng 5,9 triệu thuê bao.
Doanh thu trong lĩnh vực viễn thông năm 2015 khá ấn tượng. Trong đó, chỉ riêng 4 Viettel đạt doanh thu 222.700 tỷ đồng, VNPT đạt gần 90.000 tỷ đồng, MobiFone đạt gần 37.000 tỷ đồng và Vietnammobile đạt doanh thu gần 10.000 tỷ đồng.
Cùng với việc tăng cường, củng cố thị trường trong nước, các doanh nghiệp viễn thông tiếp tục thực hiện tốt các dự án đầu tư ra nước ngoài, tập trung vào một số thị trường như: Lào, Campuchia, Mozambique, Peru.
Công nghiệp CNTT trở thành ngành kinh tế có tốc độ phát triển nhanh, bền vững, doanh thu cao, có giá trị xuất khẩu lớn. Việt Nam đủ khả năng phát triển, sản xuất các sản phẩm, dịch vụ CNTT đáp ứng tốt nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế, tạo nền tảng để phát triển kinh tế tri thức, góp phần làm chủ các hệ thống thông tin, bảo đảm an toàn thông tin và chủ quyền số quốc gia.
Trong điều kiện nền kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn và phục hồi chậm nhưng nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn tiếp tục đầu tư, mở rộng sản xuất tại Việt Nam như: Samsung, LG, Panasonic, Canon, Intel... Các doanh nghiệp phần mềm tiếp tục giữ vững thị trường xuất khẩu, dịch vụ CNTT phát triển khá, đa dạng các loại hình dịch vụ. Tổng doanh thu công nghiệp CNTT tiếp tục đạt mức cao, tạo ra nhiều việc làm cho xã hội, đóng góp ngày càng tăng vào tăng trưởng GDP cũng như xuất khẩu của cả nước.
Về ứng dụng CNTT, 100% cơ quan nhà nước có Trang/Cổng thông tin điện tử, cung cấp hơn 100.000 dịch vụ công trực tuyến các loại phục vụ người dân và doanh nghiệp. Hệ thống đào tạo nhân lực CNTT tiếp tục được duy trì ổn định với khoảng 290 cơ sở đào tạo đại học, cao đẳng và gần 150 cơ sở đào tạo nghề về CNTT-TT.
Một số chỉ tiêu cụ thể đạt được trong năm 2015: (Nguồn: Tổng hợp Báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông) |