“Tam đại gia” đã sẵn sàng
Theo kế hoạch của Bộ Thông tin và Truyền thông, các nhà mạng sẽ phải triển khai dịch vụ chuyển mạng giữ số di động trước ngày 31/12/2017. Thời điểm này, các nhà mạng đã bắt đầu thử nghiệm để chính thức thực hiện kế hoạch này vào cuối năm 2017.
Cả 3 nhà mạng Viettel, VinaPhone, MobiFone đã bắt đầu thử nghiệm việc chuyển mạng giữ số và khẳng định, việc này không gây xáo trộn cho thuê bao của mình.
Ông Trần Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông (VNPT) cho biết: “Đối với hệ thống MNP Gateway, VNPT tự xây dựng và đang kết nối với MNPgateway của Bộ Thông tin và Truyền thông để test thử. Còn với hệ thống MNP báo hiệu, VNPT đã ký hợp đồng triển khai và dự kiến tháng 10/2017 sẽ lắp đặt xong. Nói chung, VNPT sẽ thực hiện đúng tiến độ của đề án chuyển mạng giữ nguyên số thuê bao”.
VNPT cũng bắt tay vào xây dựng các quy trình, quy định để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho khách hàng muốn sử dụng dịch vụ này, như tiếp nhận và thực hiện thủ tục chuyển mạng nhanh chóng, mức phí chuyển mạng hợp lý… Quy trình, hệ thống tính cước cũng đã được điều chỉnh, bổ sung để hỗ trợ quá trình chuyển mạng.
Việc triển khai dịch vụ này sẽ khiến thị trường viễn thông Việt Nam tiếp tục phát triển theo chiều sâu, thúc đẩy các nhà mạng nâng cao chất lượng dịch vụ...
Về phía Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel), ông Hoàng Sơn, Phó tổng giám đốc Tập đoàn khẳng định, Viettel đã cơ bản hoàn thành tiến độ mà Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu. Viettel đã thực hiện thử nghiệm toàn bộ các tính năng hệ thống mạng lõi. Viettel đã có kinh nghiệm triển khai ở một số nước, nên cơ bản hệ thống nội bộ không vấn đề gì. Bắt đầu từ ngày 21/9, Viettel thực hiện thử nghiệm liên mạng với MobiFone và VinaPhone.
Đối với MobiFone, ông Nguyễn Mạnh Thắng, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty MobiFone xác nhận, MobiFone đã hoàn thành bài test với Cục Viễn thông và đang bám theo tiến độ triển khai chung của đề án chuyển mạng giữ số.
Thị trường tiếp tục phát triển theo chiều sâu
Với việc đổi mạng giữ nguyên số, các đầu số sẽ không còn gắn với thương hiệu của nhà mạng nữa. Chỉ với một số điện thoại, người dùng sẽ tự quyết định sẽ dùng mạng nào mà họ thấy chất lượng tốt, có chính sách hỗ trợ khiến họ thấy hài lòng. Điều đó buộc các nhà mạng phải luôn vận động, tự “làm mới” mình, sao cho khách hàng tin tưởng và sử dụng mạng của mình.
Việc chuyển mạng giữ số sẽ là thách thức lớn với các nhà mạng, đặc biệt là trong việc giữ chân khách hàng. Nếu để khách hàng chuyển sang mạng khác, nhà mạng sẽ khó có cơ hội kéo khách hàng trở lại, bởi phải sau một khoảng thời gian nhất định sử dụng dịch vụ của mạng mới (thường các nước áp dụng 90 ngày), thì thuê bao mới được chuyển mạng lần nữa. Và với khoảng thời gian này, thường thì thuê bao lại bắt đầu quen với những điều làm họ “khó chịu” và ngại chuyển đổi.
Có thể sẽ không nhiều thuê bao đổi mạng, nhưng việc triển khai dịch vụ này sẽ khiến thị trường viễn thông Việt Nam tiếp tục phát triển theo chiều sâu, thúc đẩy các nhà mạng không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ, đưa ra những dịch vụ, tiện ích ngày càng có lợi hơn với khách hàng.
Có thể thấy, chuyển mạng giữ số sẽ là công cụ hữu hiệu để thúc đẩy cạnh tranh, nâng cao chất lượng dịch vụ, nên được nhiều nước triển khai.
Ngoài ra, việc triển khai dịch vụ này còn đem lại nhiều lợi ích như tăng hiệu quả kinh tế, thúc đẩy cạnh tranh giữa các doanh nghiệp viễn thông, hỗ trợ đảm bảo an ninh thông tin, tạo nền tảng phát triển thương mại điện tử.
Tuy nhiên, theo Cục Viễn thông, những thuê bao di động không có thông tin cá nhân chính xác sẽ không được chuyển mạng giữ nguyên số.
Do đó, đây cũng là công cụ khuyến khích người sử dụng dịch vụ đăng ký chính xác thông tin thuê bao, góp phần giảm thiểu SIM rác. Hơn nữa, khi đăng ký chuyển mạng, khách hàng phải khai báo chính xác các thông tin cá nhân liên quan, sẽ giúp công tác quản lý thuê bao được chặt chẽ hơn.