Hầu hết công ty thị trường (bao gồm công ty con và công ty liên kết) của Viettel Global ghi nhận kết quả hoạt động tích cực trong quý I/2024

Hầu hết công ty thị trường (bao gồm công ty con và công ty liên kết) của Viettel Global ghi nhận kết quả hoạt động tích cực trong quý I/2024

Viettel Global (VGI) kỳ vọng xóa hết lỗ lũy kế

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong 3 tháng qua, cổ phiếu VGI của Tổng công ty cổ phần Đầu tư Quốc tế Viettel (Viettel Global) tăng gấp 3, dù đang có lỗ lũy kế hơn 3.000 tỷ đồng, với kỳ vọng doanh nghiệp sẽ xóa hết lỗ lũy kế trong năm nay.

Lỗ lũy kế 3.377 tỷ đồng và ba ý kiến ngoại trừ

Năm 2023, lợi nhuận sau thuế công ty mẹ Viettel Global ghi nhận âm 886,6 tỷ đồng, sau khi lỗ 4.412 tỷ đồng trong năm 2022. Tuy nhiên, kết quả kinh doanh hợp nhất năm 2023 của Tổng công ty cho thấy, doanh nghiệp lãi 1.647 tỷ đồng, tăng gần 7% so với năm 2022.

Mặc dù vậy, tính tới 31/12/2023, Viettel Global có khoản lỗ luỹ kế hơn 3.377 tỷ đồng, chủ yếu do những khoản thua lỗ giai đoạn trước năm 2020.

Đáng lưu ý, báo cáo tài chính hợp nhất năm 2023 của Tổng công ty có 3 ý kiến ngoại trừ được kiểm toán đưa ra.

Thứ nhất, ý kiến ngoại trừ đối với việc Viettel Global không hợp nhất số liệu tài chính của Công ty Viettel Cameroon (VCR) trên báo cáo tài chính hợp nhất và trình bày khoản đầu tư vào VCR trên khoản mục đầu tư góp vốn vào đơn vị khác.

Thứ hai, ý kiến ngoại trừ đối với việc Viettel Global ghi nhận chi phí dự phòng nợ phải thu khó đòi cho các khoản phải thu VCR vào báo cáo kết quả kinh doanh riêng lẻ và hợp nhất năm 2023 với số tiền 1.918 tỷ đồng (năm 2022 là 1.758 tỷ đồng).

Thứ ba, ý kiến ngoại trừ đối với việc Viettel Global ghi nhận chi phí dự phòng tổn thất khoản đầu tư vào Công ty Telecom International Myanmar (Mytel, hoạt động tại Myanmar) vào báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh riêng lẻ năm 2023 số tiền 509 tỷ đồng (năm 2022 là 3.369 tỷ đồng).

Nhìn vào bức tranh tài chính, Viettel Global bắt đầu thua lỗ từ năm 2016 khi ghi nhận khoản lỗ sau thuế 3.475 tỷ đồng, năm 2017 lỗ sau thuế 481 tỷ đồng, năm 2018 lỗ sau thuế 1.070 tỷ đồng và năm 2019 tiếp tục thua lỗ 521 tỷ đồng.

Giải trình của Viettel Global

Trước các ý kiến ngoại trừ mà kiểm toán đưa ra, Viettel Global cho biết, đối với ý kiến ngoại trừ liên quan đến VCR, do có bất đồng giữa cổ đông 2 bên về việc tổ chức thực hiện và điều hành hoạt động sản xuất - kinh doanh VCR, nên VCR chưa cung cấp được số liệu tài chính từ ngày 1/11/2018 đến 31/12/2023. Viettel Global đã thận trọng áp dụng theo hướng dẫn của Bộ Tài chính về phương pháp lập và trình báo cáo tài chính hợp nhất, chuyển khoản đầu tư vào VCR từ khoản đầu tư vào công ty con sang khoản đầu tư dài hạn khác, do đến ngày phát hành báo cáo kiểm toán, VCR chưa cung cấp được số liệu tài chính trên 12 tháng để hợp nhất như quy định.

Năm 2022, kiểm toán viên đưa ra ý kiến ngoại trừ do không thể thu nhập được đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp liên quan đến thời điểm và ảnh hưởng của việc không hợp nhất số liệu VCR, cũng như liên quan đến việc đánh giá giá trị có thể thu hồi các khoản nợ phải thu đối với VCR. Do ảnh hưởng của ý kiến ngoại trừ năm 2022 dẫn đến kiểm toán viên có ý kiến ngoại trừ đối với số liệu trích lập phát sinh của Viettel Global trong năm 2023.

Đối với ý kiến ngoại trừ liên quan đến chi phí lập dự phòng tổn thất khoản đầu tư vào Mytel, năm 2022, Viettel Global đã trích lập dự phòng 3.369 tỷ đồng. Sang năm 2023, Tổng công ty đánh giá tình hình chính trị của Myanmar tiếp tục có những diễn biến phức tạp, ảnh hưởng khó lường đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của Mytel. Do đó, Viettel Global thực hiện trích lập dự phòng toàn bộ phần còn lại của vốn góp vào Mytel với số tiền là 509 tỷ đồng, lũy kế số tiền trích lập dự phòng tổn thất khoản đầu tư tính đến 31/12/2023 là 3.878 tỷ đồng, tương ứng với toàn bộ số vốn đã góp.

Trong báo cáo tình hình sử dụng vốn điều lệ năm 2023, Viettel Global cho hay, Tổng công ty đã sử dụng 3.889,6 tỷ đồng đầu tư vào thị trường Myanmar (trong đó góp vốn điều lệ hơn 603 tỷ đồng và thanh toán nợ vay ngân hàng phục vụ mục đích đầu tư hơn 3.286 tỷ đồng); đầu tư vào thị trường khác hơn 920 tỷ đồng; thực hiện các nhiệm vụ chiến lược hơn 1.125 tỷ đồng. Tổng số vốn Viettel Global đã sử dụng tính đến hết năm 2023 là 5.936,5 tỷ đồng, còn lại 2.063,5 tỷ đồng vốn điều lệ chưa sử dụng tại ngày 31/12/2023, Tổng công ty đề xuất Đại hội đồng cổ đông thông qua việc tiếp tục sử dụng trong các năm tiếp theo, căn cứ vào các mục đích đã được Đại hội phê duyệt tại thời điểm tăng vốn.

Viettel Global đã cho Mytel vay thông qua hai hợp đồng với tổng giá trị dư nợ gốc đến hết năm 2023 là 352,6 triệu USD. Về lịch trả nợ, theo các hợp đồng đã ký, Tổng công ty đăng ký kế hoạch thu hồi nợ vay theo quy định tại Thông tư 37/2013/TT-NHNN ngày 31/12/2013 của Ngân hàng Nhà nước.

Tuy nhiên, biến cố chính trị tại Myanmar hồi tháng 2/2021 đã tác động tới kinh tế nước này, mặc dù hiện tại có nhiều cải thiện nhưng chưa thể phục hồi như trước. Điều đó ảnh hưởng đến việc thu xếp ngoại tệ của Mytel để trả nợ cho Viettel Global.

Viettel Global dự kiến trình Đại hội đồng cổ đông trong cuộc họp thường niên ngày 5/6/2024 thông qua việc điều chỉnh lịch thu nợ vay tại Mytel. Lịch thu nợ hiện tại là thời gian thanh toán gốc và lãi trong vòng 5 năm từ 2021 - 2025, tổng giá trị thanh toán là 498,62 triệu USD. Lịch thu nợ đề xuất điều chỉnh là thời gian thanh toán toàn bộ gốc và lãi chậm nhất đến năm 2031, trong đó giai đoạn 2024 - 2027, Mytel có nghĩa vụ thanh toán ít nhất 80 triệu USD/năm.

Kế hoạch kinh doanh năm 2024

Năm 2024, Viettel Global lên kế hoạch đạt lợi nhuận trước thuế hợp nhất 5.477 tỷ đồng, tăng trưởng 41%.

Năm nay, Viettel Global lên kế hoạch đạt doanh thu hợp nhất 31.746 tỷ đồng (tương đương năm ngoái), lợi nhuận trước thuế hợp nhất 5.477 tỷ đồng, tăng 41% so với năm ngoái.

Viettel Global ước tính, lợi nhuận trước thuế kế hoạch năm 2024 của các thị trường mà Tổng công ty đầu tư sẽ tăng mạnh, đồng thời giảm trích lập dự phòng tại công ty mẹ. Cụ thể, ước tính lợi nhuận của Natcom tăng 231 tỷ đồng (tăng 18%), Halotel giảm lỗ 392 tỷ đồng, Metfone tăng 138,7 tỷ đồng (tăng 7%), Movitel-E tăng 105 tỷ đồng (tăng 40%), công ty mẹ tăng 1.260 tỷ đồng (chủ yếu do giảm trích lập dự phòng và giảm lãi chênh lệch tỷ giá so với năm 2023).

Tổng công ty xác định, dịch vụ viễn thông truyền thống vẫn đóng vai trò chủ đạo để tối đa hóa lợi nhuận. Dự kiến, thuê bao viễn thông sẽ tăng thêm 2 triệu thuê bao và thuê bao số tăng thêm 6 triệu thuê bao.

Trong quý I/2024, Viettel Global ghi nhận doanh thu hợp nhất 7.906 tỷ đồng, tăng 21,9%; lợi nhuận trước thuế hợp nhất 2.479 tỷ đồng, tăng 151%; lợi nhuận sau thuế hợp nhất 1.633 tỷ đồng, tăng 175% so với cùng kỳ năm 2023.

Lợi nhuận hợp nhất tăng trưởng cao do hầu hết các công ty thị trường (bao gồm công ty con và công ty liên kết) ghi nhận kết quả hoạt động tích cực. Trong quý đầu năm 2024, doanh thu của Movitel tại Mozambique tăng 22%, của Natcom tại Haiti tăng 18%, của Telemor tại Đông Timor tăng 7%, của Metfone tại Campuchia tăng 13%, của Lumitel tại Burundi tăng 29%, của Unitel tại Lào tăng 24% so với cùng kỳ năm ngoái. Các công ty ví điện tử cũng tăng trưởng mạnh. Bên cạnh đó, dòng tiền thu hồi từ thị trường tốt giúp Viettel Global cơ cấu lại tiền gửi và tiền vay, tạo ra khoản lợi nhuận tài chính, góp phần làm tăng lợi nhuận.

Như vậy, kết thúc quý I/2024, Viettel Global đã hoàn thành gần 25% mục tiêu doanh thu và 45% mục tiêu lợi nhuận trước thuế cả năm mà Tổng công ty dự kiến trình Đại hội đồng cổ đông thông qua trong cuộc họp sắp tới. Tín hiệu khả quan này mang lại kỳ vọng Viettel Global có thể đạt được mục tiêu lợi nhuận và xóa lỗ lũy kế trong năm nay.

Về phương án phân phối lợi nhuận năm 2023, Viettel Global dự kiến trình Đại hội đồng cổ đông việc không chia cổ tức năm 2023, do công ty mẹ đang thực hiện trích lập dự phòng tổn thất đầu tư và nợ phải trả lớn dẫn tới bị lỗ nên không có nguồn lợi nhuận để trích lập các quỹ.

Cơ cấu cổ đông của Viettel Global vẫn đang “cô đặc” khi Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) sở hữu 99,03% vốn điều lệ, với hơn 3 tỷ cổ phiếu.

Nhận diện các yếu tố rủi ro

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho biết, thời gian qua nhiều nhà đầu tư Fomo (đầu tư theo đám đông) cổ phiếu VGI một phần do nhà đầu tư kỳ vọng vào kế hoạch doanh thu, lợi nhuận cao, mục tiêu có thể xóa lỗ lũy kế và kết quả quý I/2024, VGI ghi nhận tốt đem lại hy vọng cho nhà đầu tư.

"Có hai vấn đề cần nhìn lại với cổ phiếu VGI. Thứ nhất, giá cổ phiếu đã có chuỗi tăng mạnh trong thời gian vừa qua, nếu so sánh tương đối mốc này đã khá quá cao, quan điểm của tôi trong ngắn hạn là có rủi ro. Thứ hai xét về định giá, hiện không còn quá hấp dẫn, P/E quá cao. Mọi người đang nhìn vào câu chuyện xóa lỗ lũy kế năm nay và đặt cược vào cổ phiếu này", ông Minh đánh giá.

Cũng theo chuyên gia này, đà tăng của VGI đang vượt trội so với thị trường, trong khi thị trường đang có nhiều rủi ro trong ngắn hạn cần phải lưu ý, bởi áp lực tỷ giá đang có khả năng quay trở lại, điều này sẽ ảnh hưởng đến thị trường và VGI.

"Tâm lý nhà đầu tư VGI hiện nay sẵn sàng bán ra sẽ tạo rủi ro cho nhà đầu tư mới", ông Minh nêu quan điểm và cho biết, đặc thù VGI cơ bản chưa cải thiện nhiều, cổ phiếu cô đặc (trong khi 99% cổ phần do Viettel nắm giữ), giá cổ phiếu không phản ánh tình hình cơ bản. Giá cổ phiếu tăng nhanh, trong khi tính đại chúng không có đẩy rủi ro lên nhà đầu tư cá nhân.

Về kế hoạch kinh doanh năm 2024 của VGI, ông Minh cho biết, tính khả thi của mục tiêu kinh doanh VGI còn phụ thuộc nhiều vào đà phục hồi của nền kinh tế, trong khi kinh tế toàn cầu và trong nước đang phục hồi chậm. Việc đặt kế hoạch tham vọng khá thách thức, xu hướng hồi phục có, nhưng để đạt được mục tiêu còn phụ thuộc vào các yếu tố khác, trong đó là lãi suất toàn cầu hạ nhiệt, nhưng hiện tại đang neo mặt bằng lãi suất khá cao, tất cả các yếu tố đó ảnh hưởng đến đà hồi phục kinh tế. Kinh tế chưa thể hồi phục theo hình chữ V mà theo hình zíc zắc đi lên, lợi nhuận doanh nghiệp cũng vậy.

Tin bài liên quan