Bước đi đầu tiên
“Ban lãnh đạo sẽ nhóm họp vào giữa tuần này để bàn chi tiết về kế hoạch triển khai tiếp theo sau khi chủ trương đầu tư Dự án Vận tải hàng không Lữ hành Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt”, ông Vũ Đức Biên, Phó tổng giám đốc Công ty Du lịch và Tiếp thị giao thông vận tải (Vietravel) - công ty mẹ của Công ty TNHH Hàng không Lữ hành Việt Nam (Vietravel Airlines) cho biết.
Ông Biên cho biết, kế hoạch đưa Vietravel Airlines cất cánh sẽ được Hãng thông tin ngay sau cuộc họp này. Cũng theo ông Biên, dịch Covid-19 đang giáng những đòn chí tử vào ngành hàng không và du lịch, nên Vietravel chắc chắn sẽ phải xây dựng các kịch bản ứng phó một cách thận trọng.
Trước đó, ngày 3/4, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 457/QĐ-TTg phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Vận tải hàng không Lữ hành Việt Nam của Vietravel Airlines, với tổng mức đầu tư 700 tỷ đồng, trong đó, vốn chủ sở hữu chiếm 100% vốn đầu tư, thời hạn hoạt động 50 năm, địa điểm thực hiện tại Cảng hàng không quốc tế Phú Bài (tỉnh Thừa Thiên Huế).
Dự án này có mục tiêu xây dựng hãng hàng không gắn với du lịch, cung cấp các dịch vụ vận chuyển hàng không trong nước và quốc tế. Số lượng tàu bay khai thác năm đầu tiên của Vietravel Airlines là 3 tàu bay Airbus/Boeing hoặc tương đương, tăng dần đến năm thứ 5 có 8 tàu bay loại Airbus/ Boeing hoặc tương đương.
Liên quan tiến độ thực hiện Dự án, Thủ tướng yêu cầu nhà đầu tư phải triển khai đầu tư từ tháng thứ nhất đến tháng thứ 9, kể từ khi phê duyệt chủ trương đầu tư; khai thác và kinh doanh từ tháng thứ 10. Như vậy, Vietravel sẽ phải thực hiện chuyến bay thương mại đầu tiên dưới hình thức charter (thuê chuyến không định kỳ) hoặc thường lệ trước quý I/2021.
Cần phải nói thêm, việc được phê duyệt chủ trương đầu tư chỉ là thủ tục pháp lý quan trọng đầu tiên mà một hãng hàng không cần phải hoàn thành trước khi cất cánh. Đối với trường hợp của Vietravel Airlines, từ nay đến hết năm 2020, hãng cần phải được Bộ Giao thông - Vận tải cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không và Cục Hàng không Việt Nam (Bộ Giao thông - Vận tải) phê chuẩn chứng chỉ nhà khai thác cũng như một loạt công việc trên thực địa như thuê/mua tàu tay; tuyển dụng, đào tạo phi công, tiếp viên; xây dựng hệ thống dịch vụ mặt đất, thiết lập hệ thống đại lý, phân phối…
Một điểm thuận lợi đối với dự án của Vietravel Airlines là công ty mẹ - Vietravel đã chuyển đủ 700 tỷ đồng (100% vốn điều lệ) vào tài khoản của Vietravel Airlines tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng từ ngày 6/9/2019.
“Đây là một trong những điều kiện cần thiết để thể hiện nhà đầu tư có đủ năng lực thực hiện các dự án vận tải hàng không”, ông Võ Huy Cường, Phó cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết.
Bầu trời u ám
Lãnh đạo Vietravel có lý do để phải nghe ngóng kỹ lưỡng những tín hiệu của thị trường hàng không vốn đang trong giai đoạn khó khăn nhất kể từ năm 1945 đến nay để định lại lộ trình kinh doanh của mình.
Không chỉ dừng toàn bộ các đường bay quốc tế, từ ngày 1/4 đến 15/4, cả nước chỉ còn duy trì 3 đường bay gồm Hà Nội - TP.HCM - Hà Nội; TP.HCM - Đà Nẵng - TP.HCM; Hà Nội - Đà Nẵng - Hà Nội, với khoảng 4 chuyến bay/ngày.
Hiện hơn 95% đội tàu bay với hơn 200 chiếc Airbus320/321/350, ATR72 và Boeing 787 của 5 hãng hàng không trong nước là Vietnam Airlines, VietJet, Bamboo Airways, Jetstar Pacific, Vasco đều đang phải nằm đất. Nếu tình hình dịch bệnh không có diễn biến tích cực trước tháng 6/2020, thì các hãng hàng không trong nước có thể thua lỗ tới hơn 50.000 tỷ đồng, vượt quá sức chịu đựng của một số hãng bay.
Theo lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam, các “kịch bản” ứng phó với Covid-19 được các đơn vị xây dựng giờ đều bị “phá sản”.
“Đến nay, không thể đưa ra đánh giá đầy đủ về tình hình, bởi chưa ai dám khẳng định khi nào thì dịch Covid-19 kết thúc”, ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam đánh giá.
Cũng theo Cục trưởng Đinh Việt Thắng, vấn đề lớn nhất của các hãng hàng không hiện nay là dòng tiền đã mất hết, không có dòng tiền về, nên hãng không thể trang trải.
Ông Thắng cho rằng, lịch sử ngành hàng không Việt Nam chưa bao giờ rơi vào tình trạng khó khăn, bi đát như bây giờ.
Cần phải nói thêm rằng, chỉ trước Tết Nguyên đán 2020 ít ngày, Tập đoàn Vingroup đã gửi văn bản lên Bộ Giao thông - Vận tải, chính thức xin rút khỏi lĩnh vực kinh doanh vận tải hàng không dù Đề án thành lập Hãng hàng không Vinpearl Air đã qua bước thẩm định để trình lên Thủ tướng Chính phủ. Cho đến thời điểm này, đây được cho là quyết định sáng suốt, thậm chí có phần may mắn của Vingroup.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, một lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam cho biết, các cơ quan quản lý nhà nước chia sẻ với khó khăn của các hãng hàng không. Đối với các nhà đầu tư đang trong giai đoạn thành lập như Vietravel Airlines, Cánh Diều (Kite Air), việc lùi thời gian cất cánh so với kế hoạch đăng ký cũng là điều dễ hiểu và có thể chia sẻ, nhất là trong bối cảnh thị trường hàng không hiện nay.
Theo Cục Hàng không Việt Nam, thị trường hàng không Việt Nam đang có sự tham gia của 68 hãng hàng không nước ngoài (đến từ 25 nước và vùng lãnh thổ) và 5 hãng nội địa (Vietnam Airlines, VietJet Air, Jetstar Pacifiic, Vasco, Bamboo Airways).
Cùng Vietravel Airlines vừa được phê duyệt chủ trưởng đầu tư, thì hiện còn một số hãng khác đang chờ được xem xét cho bay thương mại là Kite Air của Công ty cổ phần Hàng không Thiên Minh và Vietstar Air của Công ty TNHH một thành viên Hàng không.