Bộ GTVT vừa có công văn gửi Sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh Thừa Thiên Huế góp ý về Dự án vận tải hàng không lữ hành Việt Nam (Dự án Vietravel) của Công ty TNHH Hàng không lữ hành Việt Nam (Công ty Vietravel).
Theo đó, Bộ GTVT nhận thấy dự án này đủ điều kiện để kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư sau khi chỉnh sửa, bổ sung một số nội dung, trong đó có việc Vietravel Airlines đến năm khai thác thứ 5 mới được nâng số lượng tàu bay lên 8 chiếc thay vì năm thứ 4 như đề xuất ban đầu.
Trong trường hợp Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư, Bộ GTVT sẽ chỉ đạo Cục Hàng không Việt Nam (HKVN) chịu trách nhiệm thẩm định các điều kiện về kinh doanh vận tải hàng không được quy định tại Luật Hàng không dân dụng, Nghị định 92/2016/NĐ – C quy định về các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không dân dụng và báo cáo Bộ GTVT kết quả thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không.
Theo Bộ GTVT, Dự án Vietravel Airlines của Công ty Vietravel với quy mô Dự án đội tàu bay 3 tàu bay vào năm 2020 và 8 tàu bay vào năm 2024, tổng mức đầu tư Dự án 700 tỷ đồng thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ. Vì vậy, Bộ GTVT đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thừa Thiên Huế chỉ đạo Công ty Vietravel hoàn thiện hồ sơ để thực hiện thủ tục theo đúng quy định của pháp luật.
Bộ GTVT đánh giá Dự án Vietravel đã nêu được các nội dung cần có để thực hiện kinh doanh vận chuyển hàng không với các báo cáo, tài liệu chứng minh cho tính khả thi của Dự án. Mặc dù vậy, để tăng thêm tính khả thi của dự án, Công ty Vietravel cần bổ sung nội dung về đánh giá cụ thể năng lực hạ tầng Cảng HKQT Phú Bài và đề xuất phương án đảm bảo tính đồng bộ của sân bay căn cứ, bao gồm: hạ tầng cơ sở lưu trú của tổ bay, dịch vụ xăng dầu, suất ăn, dịch vụ mặt đất, dịch vụ bảo dưỡng tàu bay;
Vietravel cũng sẽ phải gửi Báo cáo và hồ sơ liên quan đến việc đảm bảo nguồn vốn thực hiện dự án, đảm bảo phương án đảm bảo tài chính luôn đáp ứng về điều kiện mức vốn tối thiểu, tỷ lệ vốn góp nước ngoài đầu tư vào Dự án đối với doanh nghiệp kinh doanh vận chuyển hàng không quốc tế và nội địa với đội bay đến 10 chiếc theo quy định Nghị định số 92/2016/NĐ-CP;
Bộ GTVT lưu ý Vietravel cần nây dựng kế hoạch khai thác linh hoạt phù hợp với thực tiễn tại các Cảng HKQT Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Cam Ranh, Đà Nẵng…(do mô hình khai thác thuê chuyến, Công ty Vietravel sẽ khó có được Slot tại vì mới tham gia thị trường, không thể có Slot lịch sử); đồng thời nghiên cứu, bổ sung một số mạng bay quốc nội đi, đến các sân bay hiện đang khác thác còn hạn chế như Điện Biên, Rạch Giá, Cà Mau… để góp phần phát triển du lịch, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế của địa phương và du lịch; đề nghị bổ sung một mục riêng về chi phí giá dịch vụ điều hành bay đi, đến theo quy định tại Quyết định số 4213/QĐ-BGTVT ngày 28 tháng 12 năm 2016 của Bộ GTVT ban hành mức giá dịch vụ điều hành bay đi, đến và dịch vụ hỗ trợ bảo đảm hoạt động bay.
Đặc biệt, Vietravel được Bộ GTVT yêu cầu giải trình chi tiết về nguồn lao động, tuyển dụng lao động nước ngoài để tăng tính khả thi của dự án, đảm bảo không xảy ra việc lôi kéo, sử dụng phi công, tiếp viên, thợ kỹ thuật, nhân viên mặt đất của các hãng hàng không đang khai thác và các đơn vị cung cấp dịch vụ hàng không.
Được biết, mô hình khai thác dự kiến của Dự án Vietravel Airlines là cung cấp chuyến bay thuê chuyến, phục vụ du lịch. Mô hình này cần được khuyến khích vì hiện tại Việt Nam chưa có hãng hàng không cung cấp dịch vụ này. Mô hình hoạt động này được khoảng 30 hãng hàng không và công ty du lịch trên thế giới áp dụng. Hiện có các Công ty như Pegas (Thổ Nhỹ Kỳ), Nord Wind (Nga) khai thác theo mô hình này đến Việt Nam.
Tuy nhiên, thực tế khai thác cho thấy khách du lịch thường xuất phát từ các trung tâm vận tải hàng không như thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Cam Ranh, trong trường hợp khai thác các chuyến bay thuê chuyến không hiệu quả, Công ty sẽ khai thác thường lệ và sẽ phải sử dụng các Cảng HKQT Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh để đậu tàu bay qua đêm và điều này góp phần gây khó khăn chung cho hệ thống hạ tầng hàng không.
Bên cạnh đó, với mô hình khai thác thuê chuyến, Công ty Vietravel sẽ khó có được Slot tại các Cảng HKQT Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Cam Ranh, Đà Nẵng… vì mới tham gia thị trường, không thể có Slot lịch sử. Việc đỗ toàn bộ đội tàu bay qua đêm tại Cảng HKQT Phú Bài, một cảng hàng không có thị trường đi/đến không cao nên việc tổ chức khai thác hàng ngày sẽ gây khó khăn cho hoạt động khai thác của hãng trong trường hợp nhận được giấy phép bay từ nhà chức trách.