Tại lễ ký kết hợp đồng tín dụng tài trợ vốn thanh toán tiền trả trước năm 2015, theo Hợp đồng mua 8 máy bay Boeing B787-9 và Hợp đồng mua 10 máy bay Airbus A350-XWB, Vietcombank cho biết sẽ tài trợ khoản tín dụng trị giá 160 triệu USD (hơn 3.300 tỉ đồng) để thanh toán các hợp đồng mua máy bay của Vietnam Airlines.
Với khoản tín dụng này, Vietnam Airlines sẽ đầu tư vào 2 dòng máy bay thân rộng là Boeing B787-9 Dreamliner và Airbus A350-900 XWB được thiết kế giảm tiêu hao nhiên liệu, chi phí khai thác và bảo dưỡng… Hai dòng máy bay này sẽ giữ vai trò chiến lược trong kế hoạch khai thác các đường bay quốc tế tầm xa của hãng.
Mới đây, chiếc máy bay Airbus A321 cũng là một trong 26 máy bay của hãng Airbus sản xuất giai đoạn 2011-2015 do hãng đặt mua, đã về tới sân bay quốc tế Nội Bài (Hà Nội). Và cũng là chiếc máy bay thứ 3 Vietcombank tài trợ vốn.
Ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank, cho biết đang là NH trong nước thanh toán lớn nhất của Vietnam Airlines và cũng là NH trong nước tài trợ vốn lớn nhất cho hãng hàng không này, nhất là các dự án đầu tư phát triển đội bay.
Bên cạnh đó, Techcombank cũng vừa ký hợp đồng tín dụng ngắn hạn 1.000 tỉ đồng và hợp đồng tài trợ trung hạn đặt cọc mua máy bay trị giá 42 triệu USD (hơn 882 tỉ đồng) cho Vietnam Airlines. Đây là hoạt động tiếp theo ngay sau khi Techcombank trở thành đối tác chiến lược của Vietnam Airlines.
Trong khi đó, chiếc máy bay đầu tiên của hãng hàng không Vietjet trong hợp đồng tín dụng mua và thuê mua 100 chiếc với tập đoàn Airbus đã về nước hồi cuối tháng 11 với biểu tượng Vietcombank trên thân. Vietjet là một trong những khách hàng của Vietcombank vay vốn để mua, thuê mua tàu bay. Ngoài ra, Vietjet cũng đang có hợp đồng tín dụng với NH TMCP Tiên Phong với hạn mức ban đầu 21 triệu USD, dự kiến tăng thêm trong thời gian tới để đầu tư đội tàu bay.
Trong bối cảnh tín dụng tăng trưởng thấp và các NH thương mại gặp nhiều khó khăn đẩy vốn ra nền kinh tế, việc hợp tác với các hãng hàng không để cấp tín dụng trị giá lớn sẽ giúp NH đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng. Chẳng hạn, kế hoạch thuê, thuê mua 100 tàu bay của Vietjet cần lượng vốn tín dụng lên tới trên 9 tỉ USD… Không chỉ tín dụng, khi hợp tác với các hãng hàng không trong nước, NH thương mại sẽ thu được nhiều lợi ích hơn từ việc khai thác hệ thống DN, quản lý tài chính, cung cấp dịch vụ… để có nguồn thu lâu dài, ổn định cho mình.
Theo các chuyên gia hàng không, cho vay thuê và mua máy bay là một hoạt động tài chính hấp dẫn bởi tính quốc tế hóa cao, tài sản đảm bảo là máy bay có giá trị minh bạch và thanh khoản toàn cầu.
Một số NH nước ngoài, tổ chức tài chính như GECAS (Mỹ), BNP Paribas (Pháp) và Jackson Square (tập đoàn Misubishi UFJ – Nhật)… cũng đã ký thảo thuận nguyên tắc về cung cấp tài chính cho một số hãng hàng không Việt Nam.
Dự báo của Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA) giai đoạn 2013-2017 cho thấy Việt Nam xếp thứ 7 trong số những thị trường phát triển nhanh nhất thế giới. Nhu cầu đi lại sẽ tiếp tục tăng trưởng từ năm 2015, khi khu vực ASEAN được tự do hóa vận tải hàng không…
Trong giai đoạn 2008-2013, lượng khách đi lại bằng đường hàng không của Việt Nam đã tăng gấp 2 lần và sự phát triển mạnh mẽ của hàng không đang mang lại lợi nhuận rất lớn cho nền kinh tế. Do đó, không khó để lý giải sức hấp dẫn của thị trường này với các NH thương mại, nhất là nếu so với tình hình chung của cộng đồng doanh nghiệp và nền kinh tế.
Dù vậy, để tham gia vào cung cấp tín dụng cho hãng hàng không, các tổ chức tín dụng và định chế tài chính phải có đội ngũ chuyên môn sâu trong lĩnh vực tài chính hàng không, có năng lực giao dịch quốc tế và được các tập đoàn sản xuất máy bay trên thế giới chấp nhận.