Cổ đông không đưa ra một câu hỏi nào trong phần thảo luận, vốn là phần rất nóng và được chờ đợi ở các cuộc họp ĐHCĐ thông thường.
Thành công thấy trước
Tất cả những thông tin được trình bày tại ĐHCĐ đều có trong tờ trình đã được công bố trong tài liệu ĐHCĐ trước đó. Đại hội chỉ có duy nhất phần phát biểu của Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải và cũng không có gì mới. Các thông tin chi tiết hơn về tiến trình chào bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược hay lộ trình đưa cổ phiếu giao dịch tập trung đều không được VNA đề cập. Kết quả là các nội dung trình đại hội đều được thông qua với tỷ lệ gần như tuyệt đối.
Có thể nhìn thấy trước diễn tiến trên khi cổ phần Nhà nước nắm giữ tại VNA là 94,443%; cán bộ, công nhân viên sở hữu 1,121%; tổ chức công đoàn VNA sở hữu 0,063% cổ phần và nhà đầu tư bên ngoài sở hữu 4,373%, trong đó chủ yếu là 2 đối tác thân thiết của VNA là Techcombank và Vietcombank nắm giữ.
Diễn biến ĐHCĐ của VNA cũng tương tự như diễn biến ĐHCĐ các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa có vốn Nhà nước chi phối và nhà đầu tư bên ngoài chủ yếu là cán bộ, nhân viên, cũng như đối tác, bạn hàng của doanh nghiệp. Khó có thể kỳ vọng vào những ý kiến đóng góp hoặc phản biện mang tính chất xây dựng, có chất lượng để có thể đổi mới cung cách quản trị ở những doanh nghiệp như vậy. Và thực tế, doanh nghiệp cũng không có nhiều chiến lược mới mẻ nào mang tính đột phá sau cổ phần hóa.
Chờ gió mới từ nhà đầu tư chiến lược
Vấn đề được công chúng quan tâm hiện nay là định chế nào sẽ trở thành nhà đầu tư chiến lược của VNA để góp phần tạo ra những thay đổi ở tổng công ty này. Theo phương án cổ phần hoá, VNA sẽ tiến hành lựa chọn nhà đầu tư chiến lược song song với quá trình bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) với thời gian dự kiến kéo dài trên 6 tháng kể từ thời điểm gửi Bản công bố thông tin ngắn cho các nhà đầu tư tiềm năng.
Tại thời điểm diễn ra ĐHCĐ lần thứ nhất, quá trình lựa chọn nhà đầu tư chiến lược chưa kết thúc và dự kiến sẽ còn kéo dài sau thời điểm Tổng công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (31/3/2015) để chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, đó là chia sẻ của lãnh đạo VNA với báo giới. Theo quy chế bảo mật thông tin, VNA chưa công bố bất cứ tên tuổi nhà đầu tư tiềm năng nào, bởi vậy những thông tin đồn đoán trước đây về các ứng viên như Japan Airlines cũng không có cơ sở.
Tại ĐHCĐ của VNA, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường một lần nữa nhắc lại yêu cầu, sau khi chuyển đổi mô hình, hãng hàng không quốc gia phải sớm kết thúc việc chào bán khoảng 282 triệu cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược theo đúng phương án cổ phần hóa đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Với mức giá chào bán kỳ vọng tối thiểu bằng mức giá đấu giá IPO trong nước thành công thấp nhất (22.300 đồng/CP), thương vụ bán 282 triệu cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược của VNA có giá trị ít nhất là 6.289 tỷ đồng, được đánh giá có quy mô đáng kể trên thị trường. Tuy nhiên, trên thế giới, nếu không phải là đầu tư chiến lược có cùng ngành nghề để hướng đến các mục tiêu xa hơn, đầu tư tài chính đơn thuần vào ngành hàng không đang được nhận định không mấy hấp dẫn. Việc tìm kiếm nhà đầu tư với mức giá như trên không hề đơn giản.
Những ngày qua, tràn ngập trên mặt báo là thông tin về việc VNA thay đổi nhận diện thương hiệu, từ đồng phục phi công, tiếp viên đến việc thay đổi logo sau hơn 10 năm sử dụng. Tuy nhiên, điều mà giới đầu tư quan tâm không phải là vẻ bề ngoài của VNA, mà chính là sự thay đổi cốt lõi về hoạt động kinh doanh, năng suất lao động và cải thiện năng lực quản trị doanh nghiệp sau khi Tổng công ty chuyển sang hoạt động theo mô hình mới.
Trong tờ trình ĐHCĐ, VNA đặt kế hoạch khá tham vọng trong 3 năm tới, với các mục tiêu về năng lực vận chuyển, doanh thu, lợi nhuận đều tăng trưởng 2 con số. Song riêng năm 2015, năm đầu tiên hoạt động theo mô hình mới, VNA lại có kế hoạch đi lùi khi đặt các chỉ tiêu giảm so với mức thực hiện năm 2014.