Hãng hàng không cổ phần sẽ có sự tham gia của đại diện Techcombank với chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị và giám đốc điều hành được cử từ Vietnam Airlines

Hãng hàng không cổ phần sẽ có sự tham gia của đại diện Techcombank với chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị và giám đốc điều hành được cử từ Vietnam Airlines

Vietnam Airlines nói gì về việc hợp tác với Techcombank lập hãng hàng không mới?

(ĐTCK) Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) vừa ra thông báo về việc thành lập Hãng hàng không cổ phần trên cơ sở sắp xếp lại VASCO sau khi có nhiều dư luận khác nhau về kế hoạch này. 

Được thành lập từ năm 1987, VASCO chỉ là một hãng hàng không nhỏ khai thác các loại tàu bay AN2, AN30, KingAir B200 để cung cấp dịch vụ hàng không chung như chụp ảnh địa hình, khảo sát địa chất, cấp cứu ý tế, tìm kiếm cứu nạn… và dịch vụ vận chuyển thương mại trên một số đường bay phục vụ kinh tế, dân sinh. VASCO là chi nhánh thuộc Vietnam Airlines với doanh thu, chi phí được hạch toán chung trong hệ thống của Vietnam Airlines.

Nhằm tạo động lực phát triển cho VASCO trên cơ sở tái cơ cấu để vừa kết hợp kinh doanh vận tải hàng không thường lệ và dịch vụ hàng không chung với mục tiêu phục vụ kinh tế quốc dân, ngày 18/10/2007, tại công văn số 1567/TTg-CN, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chủ trương cho phép Vietnam Airlines thành lập hãng hàng không cổ phần trên cơ sở tổ chức lại VASCO với sự tham gia của các cổ đông khác.

Định hướng phát triển VASCO như trên cũng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 21/QĐ-TTg ngày 8/1/2009 của Thủ tướng Chính phủ v/v phê duyệt quy hoạch phát triển giao thông hàng không giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.

Triển khai phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, Vietnam Airlines đã thực hiện các thủ tục trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt đề án thành lập Hãng hàng không cổ phần theo đúng quy định. Công ty cổ phần mới được thành lập với quy mô vốn điều lệ tối thiểu 300 tỷ đồng, đội tàu bay dự kiến dưới 10 tàu. Vietnam Airlines đã lựa chọn cổ đông tham gia sáng lập là Ngân hàng CP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), là ngân hàng có tiềm lực về tài chính.

Cùng với Vietcombank, Techcombank đã được Ngân hàng Nhà nước cho phép đầu tư vào lĩnh vực hàng không và hiện đang là cổ đông lớn của công ty mẹ là Vietnam Airlines. Techcombank đã ký thỏa thuận hợp tác toàn diện với Vietnam Airlines, cam kết cùng Vietnam Airlines hoàn tất quá trình tái cơ cấu, trong đó có viêc xây dựng phát triển VASCO đang hoạt động chưa hiệu quả.

Việc lựa chọn Techcombank tham gia góp vốn thành lập Hãng hàng không cổ phần là phù hợp với phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải, tạo nhân tố thuận lợi hỗ trợ nguồn lực tài chính, đảm bảo cho quá trình tái cơ cấu và hoạt động kinh doanh của VASCO thành công, hiệu quả.

Theo đề án, Vietnam Airlines sẽ nắm giữ 51% vốn điều lệ, phía Techcombank nắm giữ 49% vốn điều lệ của Hãng hàng không cổ phần. Vietnam Airlines góp vốn bằng tài sản hiện hữu do VASCO đang quản lý và khai thác, kho phụ tùng vật tư ATR72…, Techcombank góp vốn bằng tiền mặt. Việc góp vốn của các bên được thực hiện theo đúng các quy định hiện hành. Giá trị tài sản góp vốn được định giá bởi Công ty cổ phần định giá và Dịch vụ tài chính Việt Nam (VVFC), là công ty thẩm định giá chuyên nghiệp theo phê chuẩn của Bộ Tài chính.

Vietnam Airlines sẽ nắm giữ 51% vốn điều lệ, phía Techcombank nắm giữ 49% vốn điều lệ của Hãng hàng không cổ phần. Vietnam Airlines góp vốn bằng tài sản hiện hữu do VASCO đang quản lý và khai thác, kho phụ tùng vật tư ATR72…, Techcombank góp vốn bằng tiền mặt.

Sau khi được thành lập, Hãng hàng không cổ phần sẽ kế thừa bộ máy, nguồn lực, kinh nghiệm sẵn có của VASCO và tiếp tục phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh. Bộ máy tổ chức của Hãng hàng không cổ phần sẽ có sự tham gia của đại diện Techcombank với chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị và giám đốc điều hành được cử từ Vietnam Airlines nhằm tận dụng kinh nghiệm và đảm bảo khả năng điều hành khai thác hãng hàng không.

Trong giai đoạn đầu hoạt động, Hãng hàng không cổ phần sẽ tiếp tục khai thác đội tàu bay ATR72, phù hợp cho các chặng bay đi từ/đến các sân bay địa phương, huyện đảo chưa tiếp nhận được tàu bay phản lực (B777, A320/A321) như Côn Đảo, Cà Mau, Rạch Giá, Điện Biên...

Các đường bay này có ý nghĩa phát triển chính trị - kinh tế - xã hội của địa phương và hiệu quả kinh tế của đề án đã được tính toán phù hợp với mô hình hoạt động của một hãng hàng không độc lập cũng như đặc thù của đường bay sẽ khai thác.

Thực hiện Quyết định số 21/QĐ-TTg ngày 8/1/2009 của Thủ tướng CP v/v phê duyệt quy hoạch phát triển giao thông hàng không giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, Vietnam Airlines đang triển khai chương trình nâng cấp chất lượng dịch vụ 4 sao, đơn giản hóa chủng loại và sử dụng đội tàu bay thế hệ mới, hiện đại, tiện nghi với đầy đủ các hạng ghế (phổ thông và thương gia) để đảm bảo đồng nhất về chất lượng và hình ảnh; Jetstar Pacific phát triển theo mô hình hàng không giá rẻ; Hãng hàng không cổ phần được thành lập trên cơ sở sắp xếp lại VASCO sẽ cung cấp dịch vụ hàng không chung và khai thác thương mại bằng đội tàu bay ATR72 để kết nối các thành phố lớn Hà Nội, TP. HCM với các địa phương và huyện đảo, vùng sâu vùng xa… đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân, góp phần thúc đẩy giao lưu và phát triển kinh tế các vùng miền.

Tin bài liên quan