Bị kéo mất 30% đội bay
Cụ thể, ông Dương Trí Thành cho biết đến thời điểm hiện nay, VNA đang khai thác, vận hành trên 100 máy bay với tổng số cán bộ, nhân viên là trên 20.000 người. Trong đó, lực lượng cơ bản là 1.200 phi công, khoảng 2.500 kỹ sư máy bay và 3.000 tiếp viên hàng không.
Đây là lực lượng rất lớn và đặc thù, làm việc trong điều kiện đặc biệt. Cách đây 25 năm, lực lượng phi công, kỹ sư máy bay chủ yếu đào tạo hoàn toàn tại nước ngoài với chi phí khoảng 200.000 USD/người, phần lớn dựa vào vốn ODA và nguồn lực từ không quân chuyển sang, có chuyển loại.
Tuy nhiên từ đầu năm 2000 đến nay, VNA trên cơ sở phải tự chủ bằng giải pháp xã hội hóa đã hoàn toàn chủ động trong công tác đào tạo, quản lý, sử dụng nguồn lực phi công, kỹ thuật máy bay.
Với việc tập trung xây dựng cơ sở đào tạo trong nước, đến thời điểm này, VNA đã đào tạo gần 800 trong tổng số 1.200 phi công là người Việt Nam, chỉ còn thiếu khoảng 400 phải tuyển phi công nước ngoài.
Đội ngũ kỹ sư cũng tương tự, trong hơn 2.500 người được đào tạo tại VNA, có khoảng 1.200 người đạt trình độ quốc tế được chứng chỉ an toàn hàng không của các tổ chức Hàng không uy tín trên thế giới như FAA (Mỹ), EASA (châu Âu).
Các cơ sở bảo dưỡng kỹ thuật máy bay của VNA có thể bảo dưỡng kỹ thuật máy bay của chính mình và cho máy bay của các hãng hàng không khác tại Việt Nam hoặc nhận đơn hàng từ các hãng hàng không trong khu vực cũng như quốc tế.
CEO VietnamAirlines tiết lộ, để có được 160 phi công Boeing 787 bay đội bay 11 chiếc như ngày hôm nay, công ty đã phải bắt đầu công cuộc tuyển chọn, chuẩn bị lực lượng, chuyển loại và chuyển giao công nghệ từ năm 2008.
Để đào tạo 1 phi công lái chính Airbus A320, A321 cần ít nhất 3 - 4 năm đào tạo cơ bản, với phi công lái Airbus A350, Boeing 787, công tác này kéo dài tới 7 - 8 năm. Thế nhưng từ khi thị trường hàng không có sự cạnh tranh mạnh hơn với sự tham gia của nhiều hãng hàng không, VNA đang phải đối diện với nguy cơ chảy máu chất xám do các DN mới sẵn sàng đưa ra mức thu nhập cao để thu hút, "kéo" phi công của VNA.
"Trong giai đoạn đầu phát triển, VNA tạm coi đây là trách nhiệm của hãng hàng không quốc gia, đào tạo nhân lực chung. Thế nhưng bị "kéo" tới 30% của 1 đội bay thì trở thành bất hợp lý. Đầu tư cơ sở để đào tạo phi công, kỹ sư bài bản mất rất nhiều thời gian và tiền của. Chúng tôi không thể yên tâm đầu tư lâu dài khi phải đối diện với những sự bất ổn, đảo lộn về thị trường như vậy" - ông Thành nêu ý kiến.
Đề xuất tự chủ "hầu bao" để giữ nhân lực
Hàng không đang ngày càng phát triển, nhu cầu tăng cao kéo theo tình trạng thiếu hụt nhân lực phi công và kỹ sư ngày càng nghiêm trọng. Không chỉ ở Việt Nam mà trong cả khu vực và toàn cầu, cạnh tranh giữa các quốc gia, giữa các DN về nguồn lực hữu hạn là rất rõ.
Ông Dương Trí Thành nhận định để giữ chân được người lao động trình độ cao như phi công và kỹ sư máy bay, con đường duy nhất là nâng cao thu nhập, đảm bảo điều kiện làm việc tốt nhất cho anh em.
Tại VNA hiện nay, chế độ bảo hiểm sức khỏe cho phi công áp dụng 100 triệu đồng/người/năm; Bảo hiểm hưu trí tự nguyện là 300 triệu đồng/người/năm và mức lương của phi công Việt Nam đang được đẩy dần lên bằng khoảng 75% phi công nước ngoài, cao nhất là 300 triệu/tháng. Trung bình, phi công Việt nhận 150 triệu đồng/người/tháng.
So với mặt bằng chung, đây là mức thu nhập "đáng mơ ước" nhưng trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt như hiện nay, các phi công có nhu cầu lớn hơn và VNA hiểu rõ điều đó. Tuy nhiên theo ông Thành, VNA mặc dù đã là công ty cổ phần nhưng bản chất vẫn hoạt động theo các quy định của doanh nghiệp nhà nước.
Cho đến nay, tổng quỹ lương mà trong đó từ lao động đặc thù cho đến lao động thông thường đều phải áp theo chính sách. Kể cả trong trường hợp công ty có năng lực tài chính nhưng cũng không thể linh hoạt tăng lương cho anh em để đảm bảo nguồn lực.
"Chúng tôi đề xuất xây dựng một Nghị định có quy chế riêng để DN chủ động hoàn toàn về chính sách, đảm bảo thu hút các nguồn lực xã hội cho đào tạo cũng như giữ chân nguồn lực chất lượng cao. Chính phủ cần phải có quy định cụ thể trong bộ luật Lao động cũng như các bộ luật chuyên ngành căn cứ vào từng ngành nghề cụ thể để có những quy định hợp lý, đảm bảo các DN cạnh tranh bình đẳng trong nền kinh tế thị trường nhưng vẫn đảm bảo sự ổn định, cân bằng lâu dài đối với các nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực chất lượng cao. Đơn cử như quy định về thời hạn báo trước khi chấm dứt hợp đồng lao động, nghĩa vụ đầu tư cho đào tạo của người sử dụng lao động, nghĩa vụ bồi hoàn chi phí đào tạo trước khi chuyển sang làm việc cho DN khác...
Bên cạnh đó, cần ban hành các quy định về kế hoạch sản xuất kinh doanh, mở rộng đội tàu bay của các hãng hàng không phù hợp, đồng bộ với quy hoạch, tốc độ phát triển hạ tầng, kỹ thuật của đất nước" - Tổng giám đốc VNA đề xuất.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đồng ý với kiến nghị của Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam, bởi Tổng công ty này không chỉ làm nhiệm vụ kinh doanh mà còn phục vụ nhiệm vụ chính trị, an ninh quốc gia. Do đó, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cũng thống nhất ý kiến rằng đối với lao động kỹ thuật cao, đặc thù như phi công, cần có những quy định đặc thù trong Bộ luật Lao động, các nghị định của Chính phủ để đảm bảo nguồn nhân lực.
Bộ trưởng Bộ GTVT cho rằng việc đào tạo phi công không chỉ cho Việt Nam mà còn có thể cho các quốc gia khác, do đó đồng ý thành lập trường bay thực tế tại Việt Nam để đào tạo phi công nhằm tiết kiệm chi phí đào tạo, không phải ra học ở nước ngoài, ngoài ra còn có thể đào tạo phi công cho các quốc gia khác trong khu vực và quốc tế.
Trước kiến nghị của Vietnam Airlines và các doanh nghiệp khác, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận xét, đang có tình trạng chảy máu chất xám ở một số doanh nghiệp lớn sau khi đào tạo được nguồn nhân lực kỹ thuật cao (có tình trạng liên quan đến phi công) và đề nghị các bộ ngành nghiên cứu tìm giải pháp tháo gỡ, trong đó cần bài toán đào tạo lâu dài.