Chính sách tiền tệ và tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp, trong đó ngành ngân hàng được các nhà đầu tư đặc biệt quan tâm .
Hội nghị đầu tư quốc tế Vietnam Access Day (VAD) là sự kiện thường niên và uy tín do Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) tổ chức nhằm kết nối các nhà đầu tư nước ngoài và các doanh nghiệp hàng đầu của Việt Nam. VAD cũng là một trong những sự kiện giới thiệu cơ hội đầu tư trong ngành nổi bật nhất ở Việt Nam.
Năm 2022 là lần thứ 9 VAD được tổ chức, sự kiện diễn ra trong 3 ngày 15/3, 16/3 và 17/3/2022, thu hút 460 nhà đầu tư (đa phần là đại diện các quỹ đầu tư), 38 doanh nghiệp hàng đầu tham gia. Sự kiện có 6 buổi chuyên đề, và các phiên thảo luận, chia sẻ từ 17 chuyên gia/diễn giả.
Định giá hấp dẫn, thị trường Việt Nam sẽ sớm hút dòng vốn ngoại quay lại
Nhiều quỹ đầu tư, chuyên gia đưa ra góc nhìn về dòng vốn ngoại sẽ sớm quay lại thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian tới nhờ định giá hấp dẫn, dự báo tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp tốt và vĩ mô ổn định.
Ông Tuấn Nhan, Trưởng khối môi giới và giao dịch chứng khoán khách hàng tổ chức VCSC cho biết, có 3 chủ đề được quan tâm nhất, gồm:
(1) Dòng tiền nước ngoài chảy ra khỏi Việt Nam, dự kiến sẽ dừng lại vào năm 2022;
(2) Việt Nam đang bị định giá thấp hơn các thị trường khác trong khu vực vì tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp nhanh hơn giá cổ phiếu;
(3) Ngành Ngân hàng trong năm 2021 đã thận trọng trích lập dự phòng rất nhiều, và năm 2022 kết quả kinh doanh được kì vọng tốt hơn do phần dự phòng giảm mạnh.
Chính sách tiền tệ và tăng trưởng lợi nhuận cũng là vấn đề mà Dragon Capital quan tâm. Ông Lê Anh Tuấn , Phó tổng giám đốc tư vấn đầu tư Dragon Capital chia sẻ, về chính sách tiền tệ, Dragon Capital cho rằng Chính phủ sẽ không định hướng thắt chặt và cũng không nới lỏng, cho nên điều này không ảnh hưởng đến thị trường Việt Nam. Về lợi nhuận tăng trưởng của doanh nghiệp, Dragon Capital kỳ vọng tăng 22% trong năm nay, điều này sẽ dẫn dắt đến sự tăng trưởng của thị trường.
Dẫu vậy, thực tế cho thấy, dòng vốn ngoại vẫn đang rút ròng tại thị trường Việt Nam, dù tốc độ và giá trị rút ròng thấp hơn hẳn so với cùng kỳ. Nói về vấn đề này, ông Tuấn nhìn nhận, đối với các nhà quản lý quỹ, khi biến động xảy ra, họ sẽ rút vốn khỏi những thị trường nhỏ, theo đó, dù Việt Nam là thị trường rất tốt nhưng so với thị trường thế giới thì đây vẫn là thị trường nhỏ và sẽ chịu ảnh hưởng tương tự.
Ông Lê Anh Tuấn (áo trắng) cho rằng, hiện tượng nước ngoài rút ròng nếu tiếp tục diễn ra thì 2022 là năm cuối cùng trong chu kỳ |
Nếu hiện tượng rút ròng vốn nước ngoài vẫn tiếp tục diễn ra, thì 2022 là năm cuối cùng trong chu kỳ, bởi theo ông Tuấn, dòng vốn nước ngoài đã ồ ạt chảy vào thị trường Việt Nam rất mạnh từ 2015 đến 2018, từ 2019 thì giảm dần. Thông thường một khoản đầu tư sẽ được nắm từ 3-5 năm, do đó 2019-2022 sẽ kết thúc chu kỳ này.
Chia sẻ bên lề sự kiện, ông Ismael Pili - Giám đốc phân tích VinaCapital nhận định, tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp Việt Nam tốt so với khu vực Đông Nam Á, định giá hấp dẫn (thế hiện qua một số chỉ số như P/E bị định giá thấp). Nền kinh tế Việt Nam vững vàng và tăng trưởng ổn định, không những có thể đứng vững trước khủng hoảng bên ngoài như xung đột Nga - Ukraine, mà còn có tiềm năng được nâng định giá ở các ngành hấp dẫn. Chẳng hạn như ngành ngân hàng, khi nền kinh tế hồi phục và tốt hơn, có thể giúp lợi nhuận có thể cao hơn nhờ các khoản dự phòng thấp hơn.
Ông Ismael Pili cho rằng, Việt Nam sẽ nổi bật trong khu vực và thu hút dòng vốn nước ngoài quay trở lại trong thời gian tới |
“Đây là suy nghĩ của tôi. Tôi cho rằng, Việt Nam sẽ nổi bật trong khu vực và thu hút dòng vốn nước ngoài quay trở lại trong thời gian tới”, ông Ismael Pili nói.
Cũng như trước đó, xu hướng các nhà đầu tư tham gia thị trường nhiều hơn dẫn đến sự tăng trưởng mạnh trong năm 2021 tại thị trường Mỹ - thị trường lớn nhất thế giới. Nhưng ông Ismael Pili cho rằng, đây chính là sự luân chuyển của dòng tiền, hiện xu hướng này đang chuyển dần ra khỏi Mỹ và đến các thị trường như EU, châu Á, bởi vì định giá hấp dẫn trong môi trường hiện tại. Trong đó, khu vực Đông Nam Á - dẫn đầu là Singapore, Indonesia, Malaysia, và Việt Nam - dự báo có tiềm năng tăng trưởng tốt hơn và ít chịu ảnh hưởng bởi chiến tranh Nga – Ukraine.
Dự báo hút mạnh dòng vốn Thái Lan
Từ đầu năm đến nay thị trường đón nhận 2 thông tin tích cực về dòng vốn ngoại dự kiến giải ngân. Bao gồm SCB Vietnam Equity Fund (SCBRMViet), một quỹ đầu tư do SCB Asset Management (Thái Lan) quản lý, dự kiến quy mô vốn huy động lên tới 3 tỷ Bath, tương đương 2.100 tỷ đồng giải ngân vào TTCK Việt Nam.
Hay thông tin quỹ Jih Sun Vietnam Opportunity Fund (JSV Fund), trực thuộc Jih Sun Securities Investment Trust - đơn vị thành viên của tập đoàn dịch vụ tài chính hàng đầu của Đài Loan cũng tiến hành IPO và huy động được 143 triệu USD. Quỹ sẽ phải giải ngân ít nhất 50% tài sản trong vòng 6 tháng kể từ ngày thành lập; đồng thời đầu tư không thấp hơn 70% giá trị tài sản ròng (NAV) vào các cổ phiếu niêm yết tại Việt Nam hoặc các chứng chỉ nước ngoài đang đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam. Công ty Cổ phần Quản lý Quỹ VinaCapital (VCFM), thành viên VinaCapital là đơn vị tư vấn cho Jih Sun Securities Investment Trust.
Ghi nhận ý kiến các chuyên gia cho rằng, với dòng vốn Thái Lan, đồng Bath mất giá tương đối mạnh trong 2 năm 2020 – 2021 (riêng năm 2021 THB mất giá 11,5%) khiến xu hướng dòng vốn sẽ chảy ra bên ngoài, trong khi đó VND duy trì ổn định là một trong các yếu tố giúp các nhà đầu tư Thái Lan chuyển hướng rót vốn vào Việt Nam. Đối với dòng vốn Đài Loan (Trung Quốc), bên cạnh sự ổn định của VND, nhà đầu tư Đài Loan còn nhìn thấy nhiều sự tương đồng giữa thị trường chứng khoán Việt Nam và thị trường chứng khoán Đài Loan trong quá khứ.
Trao đổi về xu hướng dòng vốn ngoại vào thị trường Việt Nam tại VAD, ông Tuấn Nhan cho rằng, dòng vốn từ Thái Lan sẽ tiếp tục chảy mạnh vào thị trường chứng khoán Việt Nam vì họ mới có 1 sản phẩm mới là Chứng chỉ lưu ký (DR - Deposit Receipt) - đầu tư trực tiếp vào Diamond ETF ở Việt Nam.
Ông Tuấn Nhan (ở giữa, đeo kính) kỳ vọng tổng sản phẩm DR đạt 200 - 300 triệu USD vào cuối năm 2022 |
“Tôi kỳ vọng đến cuối năm tổng tài sản của sản phẩm DR này sẽ có thể đạt 200 - 300 triệu USD, là một trong những điều hấp dẫn cho thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2022 này”, ông Tuấn Nhan chia sẻ.
Tương tự với dòng vốn Đài Loan, ông Ismael Pili cho rằng, dòng vốn đầu tư nước ngoài sẽ tiếp tục đến từ Đài Loan, quỹ mới là Jih Sun với tài sản hiện tại là 200 triệu USD và có thể sắp tới tăng thêm 150 triệu USD.
Trong khi đó, ông Petri Deryng, Nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Pyn Elite Fund cho biết, không quá chủ động thu hút thêm vốn cho quỹ của mình từ thị trường EU, nhưng đối với cá nhân ông - hiện tại đang sống ở Bangkok, Thái Lan thấy rằng, các nhà đầu tư Thái rất tích cực với thị trường Việt Nam, bởi các doanh nghiệp Thái Lan cũng đầu tư trực tiếp và xây dựng nhà máy tại các khu công nghiệp ở Việt Nam.
Ông Petri Deryng |
"Chính những dòng vốn trực tiếp này đã đang và sẽ dẫn dắt những dòng vốn gián tiếp đầu tư trong thị trường chứng khoán Việt Nam sắp tới. Trong giai đoạn vừa rồi, một số nhà đầu tư Thái Lan đầu tư vào cổ phiếu công nghệ Mỹ, tuy nhiên thị trường biến động mạnh và khắc nghiệt. Do đó họ quay lại đầu tư vào thị trường Việt Nam để an toàn và ổn định hơn", ông Petri Deryng nhận định.