Vietlott lãi lớn, đang gửi ngân hàng 1.000 tỷ đồng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sau ba năm Covid-19, thương hiệu xổ số điện toán duy nhất của Việt Nam vừa ghi nhận doanh thu và lợi nhuận sau thuế tăng lần lượt 66% và 36,8% so với năm 2019. Cuối năm 2022, Vietlott có số dư tiền gửi tại ngân hàng là 1.000 tỷ đồng.
Dù đã qua thời hoàng kim, Vietlott vẫn đang ăn nên làm ra (Ảnh minh họa)

Dù đã qua thời hoàng kim, Vietlott vẫn đang ăn nên làm ra (Ảnh minh họa)

Công ty xổ số điện toán Việt Nam (Vietlott) vừa công bố báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2022 với kết quả kinh doanh khá tích cực. Cụ thể, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 4.958 tỷ đồng, tăng 22% so với năm 2021.

Trong kỳ, giá vốn hàng bán của Vietlott tăng 21% so với năm 2021, ở mức 4.675 tỷ đồng, trong đó chiếm tỷ trọng lớn là chi phí trả thưởng và dự phòng trả thưởng với 3.430 tỷ đồng, tăng 22% so với năm 2021.

Ngoài ra, doanh nghiệp còn chi hơn 500 tỷ đồng làm hoa hồng đại lý xổ số tự chọn điện toán và chi gần 520 tỷ đồng chi phí kinh doanh xổ số tự chọn số điện toán, chi phí quản lý doanh nghiệp 79 tỷ đồng...

Sau khi trừ chi phí, doanh nghiệp có lãi gộp 284 tỷ đồng, lãi ròng 208 tỷ đồng, trong khi năm 2021 các chỉ tiêu này là 210 tỷ đồng và 159 tỷ đồng.

Chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận nói trên là mức đạt được cao nhất của Vietlott kể từ năm 2019, với tỷ lệ tăng 66% và 36,8%.

Tính đến ngày 31/12/2022, tổng tài sản của Vietlott có 1.166 tỷ đồng, giảm gần 15% so với đầu năm. Trong đó, tiền và các khoản tương đương tiền giảm hơn một nửa, xuống mức 323 tỷ đồng; khoản đầu tư tài chính ngắn hạn tăng mạnh từ 450 tỷ đồng lên 700 tỷ đồng (là tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn trên 3 tháng).

Ở bên kia bảng cân đối kế toán, tổng nguồn vốn của doanh nghiệp tính đến cuối năm 2022 là 1.166 tỷ đồng, trong đó nợ phải trả (hoàn toàn là nợ ngắn hạn) là 645 tỷ đồng, chiếm 55%. Vốn chủ sở hữu là 521 tỷ đồng, giảm nhẹ so với đầu năm.

Tuy có kết quả kinh doanh khả quan nhưng cuối năm 2022, dòng tiền kinh doanh của Vietlott bị âm gần 5,7 tỷ đồng, trong khi hồi đầu năm vẫn dương 360 tỷ, chủ yếu do khoản mục "Thay đổi các khoản phải trả" đang từ dương 199 tỷ đồng thành âm 195 tỷ đồng.

Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động đầu tư cũng âm 221 tỷ trong khi đầu năm dương 35 tỷ đồng, chủ yếu do khoản mục "tiền chi cho vay, mua công cụ nợ của bên khác" tăng từ 450 tỷ lên 760 tỷ đồng.

Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động tài chính cũng âm 219 tỷ đồng, tăng so với mức gần 153 tỷ đồng hồi đầu năm. Nguyên nhân là trả cổ tức, lợi nhuận cho chủ sở hữu.

Tổng cộng dòng tiền đang bị âm gần 446 tỷ đồng, trong khi đầu năm dương 242 tỷ đồng.

Thuyết minh báo cáo tài chính của Vietlott cũng cho thấy, cuối năm 2022 doanh nghiệp có số dư tiền gửi có kỳ hạn tại ngân hàng thương mại kỳ hạn dưới 3 tháng là 300 tỷ đồng; kỳ hạn trên 3 tháng là 700 tỷ đồng. Tổng cộng hai khoản này là 1.000 tỷ đồng.

Nhờ khoản tiền gửi này, năm 2022 Vietlott thu về 46,8 tỷ đồng lãi cho vay, tăng 5,7 tỷ đồng so với năm ngoái.

Vietlott vừa có Chủ tịch mới

Trong một diễn biến liên quan, Bộ Tài chính vừa trao quyết định bổ nhiệm chức vụ Chủ tịch Vietlott cho ông Nguyễn Thanh Đạm, áp dụng từ ngày 19/5.

Trước đó, ông Nguyễn Thanh Đạm (sinh năm 1974, người có hơn 16 năm công tác tại Vụ Tài chính ngân hàng, Bộ Tài chính, giai đoạn 1996-2012) là Tổng giám đốc Vietlott từ tháng 6/2018.

Ông Đạm được bổ nhiệm làm Chủ tịch Vietlott sau khi Chủ tịch cũ là ông Lê Văn Hoan được bổ nhiệm giữ chức Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) nhiệm kỳ 2021-2026 hồi đầu năm nay.

Tin bài liên quan