Máy bay mới của VietJetAir về sân bay Tân Sơn Nhất sáng 27/9.

Máy bay mới của VietJetAir về sân bay Tân Sơn Nhất sáng 27/9.

VietJetAir có đủ lực thực hiện hợp đồng 9,1 tỷ USD?

Nhìn nhận về khả năng thực hiện hợp đồng trị giá 9,1 tỷ USD, phần lớn chuyên gia trong giới tài chính đều cho rằng rất khó khả thi, bởi đây là một số tiền quá lớn so với tiềm lực của một tổ chức tư nhân như VietJetAir.

>> VietJetAir mua thêm 92 máy bay Airbus

Hãng hàng không VietJetAir hôm 25/9 ký thoả thuận nguyên tắc với hãng sản xuất máy bay Airbus đặt hàng tổng cộng 100 máy bay các loại dành cho VietJetAir, trong đó có 62 chiếc đặt mua, 30 chiếc là quyền mua thêm và 8 chiếc thuê với thời gian nhận hàng đến 2022. Tổng giá trị giao dịch theo biểu giá của nhà sản xuất khoảng 9,1 tỷ USD.

 

Giám đốc điều hành VietJet Air, ông Lưu Đức Khánh cho rằng thực hiện thương vụ khổng lồ này đòi hỏi nguồn tiền lớn, nhưng hãng đã nghiên cứu rất kỹ trước khi ký kết thỏa thuận nguyên tắc với hãng Airbus.

 

Ông Khánh cho biết, nguồn vốn trên sẽ được huy động từ nhiều kênh như tài trợ xuất khẩu tín dụng (tài trợ của các chính phủ cho chương trình mua máy bay), vay các định chế tài chính và ngân hàng nước ngoài, tài trợ dự án và IPO để huy động vốn....

 

Trên thế giới, kênh các định chế và ngân hàng nước ngoài thường chỉ đáp ứng khoảng 20% tổng vốn trong các hợp đồng mua máy bay. Ông Khánh cho biết, trên thực tế, VietJetAir đã tiếp xúc và làm việc với nhiều tổ chức và có những xác nhận nhất định từ họ trước khi hãng tiến hành ký kết hợp đồng nguyên tắc này.

 

Không tiết lộ chi tiết lãi suất vay vốn, nhưng ông Khánh cho biết là khá cạnh tranh. Vì bản thân tài sản đảm bảo sẽ là những chiếc máy bay được mua trong hợp đồng này. Và đây đều là máy bay mới, hoạt động trong khoảng 20-30 năm, còn VietJet Air nếu vay chỉ tối đa 12 năm.

 

Các kênh tài trợ chính phủ cũng đã đến tiếp xúc và làm việc với Vietjet Air. Kết quả theo vị giám đốc điều hành VietJetAir là rất khả quan do họ khá ấn tượng với kết quả hoạt động của hãng vì đây là hãng hàng không tư nhân đầu tiên của Việt Nam đã đạt lợi nhuận trước thuế 120 tỷ đồng trong 7 tháng đầu năm nay. Ông Khánh cho biết, khoản lợi nhuận này vượt kỳ vọng của hãng. Khi bắt đầu lập kế hoạch kinh doanh, VietJetAir đã dự kiến bắt đầu có lãi sau 3 năm, tức là chỉ đặt mục tiêu hòa vốn trong năm 2013 (VietJetAir có chuyến bay thương mại đầu tiên vào tháng 12/2011).

 

Và cuối cùng, ông Khánh cho biết, bản thân nhà sản xuất máy bay Airbus, họ muốn bán được sản phẩm thì cũng phải hỗ trợ Vietjet Air tìm kiếm những đối tác tài trợ vốn, chưa kể, thời gian tới VietJet Air sẽ tiến hành IPO trên sàn nước ngoài để huy động vốn phục vụ kế hoạch. "Chúng tôi tự tin có thể huy động đủ nguồn vốn trên thể thực hiện thành công hợp đồng", ông Khánh nhấn mạnh.

 

Tuy nhiên, khi nhìn nhận về khả năng thực hiện hợp đồng này, phần lớn chuyên gia trong giới tài chính đều cho rằng rất khó khả thi. Bởi theo các vị này, đây là một số tiền quá lớn so với tiềm lực của một tổ chức tư nhân như VietJet Air. Chủ tịch hội đồng quản trị của một ngân hàng cổ phần lớn tại TP HCM phân tích VietJet Air nhận hàng theo từng quý, từng năm nhưng với thời hạn hợp đồng thuê mua kéo dài 8 năm và số tiền cần thanh toán 9,1 tỷ USD, thì bình quân mỗi năm hãng này phải chi trả hơn 1 tỷ USD (tương đương 21.000 tỷ đồng), là số tiền quá lớn so với năng lực tài chính của họ (vốn chủ sở hữu 800 tỷ đồng).

 

Vị chủ tịch ngân hàng này cho rằng, để vay vốn các định chế nước ngoài thông thường doanh nghiệp phải chứng minh được một nguồn tiền đối ứng tương đối với số tiền cần vay. Chẳng hạn muốn vay 1 tỷ USD thì doanh nghiệp phải có tối thiểu nguồn tài chính 100 triệu USD, chưa kể lãi suất vay cũng là vấn đề lớn. Trong khi đó, mức sinh lợi của các hãng hàng không Việt Nam hiện nay không phải thuộc diện cao, lãi suất vay trên thị trường quốc tế không hề thấp.

 

Một chuyên gia tài chính tại TP HCM phân tích thêm, muốn vay vốn của các tổ chức nước ngoài, việc khó nhất của VietJet Air là phải chứng minh cho đối tác thấy được hiệu quả kinh doanh từ dự án mua máy bay này. Chẳng hạn như khả năng mở đường bay mới, lượng khách, doanh thu dự tính và so sánh với các hãng hàng không khác đang hoạt động tại Việt Nam ...

 

Riêng việc chứng minh khả năng trả nợ, dù VietJet Air dùng chính những máy bay mới mua làm tài sản thế chấp thì với một số ngân hàng nước ngoài, họ muốn bảo đảm an toàn nguồn vốn có thể còn yêu cầu phải có bên thứ ba hoặc một ngân hàng cổ phần nào đó đứng ra bảo lãnh khoản vay này nhằm loại trừ các rủi ro như khách hàng vay dùng cùng một tài sản thế chấp vay vốn nhiều nơi. "Mà tìm ngân hàng hoặc bên thứ ba đứng ra bảo lãnh cho khoản vay trị giá lớn như vậy là rất khó", chuyên gia này nhận định.

 

Với khả năng IPO trên thị trường ngoại để tìm vốn, ông cho rằng, việc niêm yết này muốn mang lại hiệu quả thông thường phải là những công ty có quy mô vốn hóa từ 1 tỷ USD trở lên, bởi chi phí dùng cho việc niêm yết có khi lên đến cả triệu USD.

 

Mặc khác, theo ông, thị trường tài chính thế giới hiện không ổn định, cùng với việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ đang lăm le giảm dần và tiến tới chấm dứt các gói cứu trợ kinh tế nên dòng vốn đang có xu hướng quay trở về nước và ảnh hưởng lớn đến việc di chuyển vốn trên toàn cầu.