Trên khu đất có diện tích 7,5 ha, Học viện Hàng không Vietjet sẽ được đầu tư xây dựng các hạng mục công trình phục vụ hoạt động đào tạo theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 sẽ đào tạo các chuyên môn thuộc Khối khai thác bay, Khối kỹ thuật, sau đó mở rộng ra các chuyên môn khác. Dự kiến sau 12 tháng sẽ đưa vào vận hành hạng mục đầu tiên là Trung tâm Thiết bị buồng lái giả định đào tạo phi công (Full flight simulator).
Giai đoạn 1 bao gồm giảng đường đào tạo trung tâm, nhà thực hành đào tạo phi công, tiếp viên, khu thực hành kỹ thuật tàu bay, khu thể thao… với hệ thống trang thiết bị hiện để đạt phê chuẩn cơ sở đào tạo của Cơ quan An toàn hàng không châu Âu (EASA) trong năm 2019 (1 năm sau khi Giai đoạn 1 của Dự án chính thức hoạt động).
Ông Lương Thế Phúc, Phó tổng giám đốc Vietjet chia sẻ: “Tôi tin tưởng rằng, Học viện Hàng không Vietjet sẽ là một trong những mắt xích quan trọng giải quyết chiến lược nhân lực không những cho riêng Vietjet, mà còn cho cả các hãng hàng không khác của Việt Nam và nước ngoài, góp phần vào sự phát triển của ngành hàng không Việt Nam và thị trường hàng không trong khu vực”.
Trung tâm Công nghệ Hàng không Vietjet thuộc Khu Nghiên cứu phát triển và Đào tạo, Vườn ươm (Khu Không gian khoa học) - “trái tim” của Khu Công nghệ cao TP.HCM. Với kế hoạch cụ thể, được tổ chức bài bản, Vietjet đặt mục tiêu phát triển Trung tâm Công nghệ Hàng không trở thành cơ sở đào tạo và nghiên cứu chuyên ngành hàng không tiêu chuẩn quốc tế.