VietinBankSc đồng hành cùng quá trình cổ phần hóa DNNN

(ĐTCK) Quá trình cổ phần hóa DNNN đang được triển khai quyết liệt, nhưng mục tiêu cổ phần hóa 432 DN giai đoạn 2014 - 2015 xem ra khó có thể đạt được. Là đơn vị tư vấn cổ phần hóa cho nhiều DN, luật sư Chu Mạnh Hiền, Giám đốc Tư vấn tài chính DN, CTCK Ngân hàng Công thương (VietinBankSc) cho biết, vẫn còn nhiều vướng mắc cần phải tháo gỡ.

Năm nay, cả nước phải cổ phần hóa 289 doanh nghiệp, nhưng đến hết tháng 9 mới thực hiện được 102 doanh nghiệp. Theo ông, nguyên nhân chậm trễ là do đâu?

 Luật sư Chu Mạnh Hiền

Trước tiên, thời gian cổ phần hóa của rất nhiều doanh nghiệp bị chậm ở khâu xác định giá trị doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp quy mô lớn, tài sản phức tạp, địa bàn rộng khắp, dẫn đến việc xử lý tài chính của doanh nghiệp bị kéo dài. Có không ít doanh nghiệp, diện tích đất đang sử dụng trước khi cổ phần hóa rất lớn nên việc xây dựng và xem xét phương án sử dụng đất sau cổ phần hóa cũng là một vấn đề “đau đầu” và mất nhiều thời gian để xử lý.

Thứ hai, trong quá trình xây dựng phương án cổ phần hóa trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt, nhiều doanh nghiệp đặc thù khi xác định cơ cấu vốn điều lệ và các nội dung liên quan trong phương án cổ phần hóa bị vượt thẩm quyền quyết định của cơ quan quyết định cổ phần hóa theo quy định tại Nghị định 59/2011/NĐ-CP, dẫn đến phải trình lên Chính phủ xem xét phê duyệt, khiến thời gian hoàn tất phê duyệt phương án bị kéo dài.

Thứ ba, về vấn đề lao động dôi dư khi cổ phần hóa, trước ngày 22/7/2015, khi Chính phủ chưa ban hành Nghị định số 63/2015/NĐ-CP về chính sách với người lao động dôi dư khi xắp xếp lại công ty TNHH MTV do Nhà nước làm chủ sở hữu thì theo Nghị định 91/2010/NĐ-CP, nhiều người lao động không được hưởng các chế độ áp dụng với lao động dôi dư nếu doanh nghiệp đã từng thực hiện giải quyết chính sách lao động dôi dư theo các quy định trước đó.

Điều này dẫn tới nhiều doanh nghiệp khi tổ chức Hội nghị Người lao động để xin ý kiến về phương án cổ phần hóa, phương án sử dụng, sắp xếp lại lao động không nhận được sự đồng thuận của người lao động. Đây cũng là một vấn đề khiến Ban chỉ đạo cổ phần hóa nhiều doanh nghiệp phải lưu tâm giải quyết trong quá trình hoàn thiện phương án trình các cấp có thẩm quyền.

Bên cạnh đó, tuy Nghị định 63 đã có hiệu lực thi hành từ ngày 15/9, nhưng cho tới nay vẫn chưa có Thông tư hướng dẫn để triển khai nghị định này, do đó không ít doanh nghiệp gặp vướng mắc, lúng túng trong quá trình áp dụng Nghị định 63.

Thứ tư, cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới đã qua đi, nền kinh tế và TTCK dần có dấu hiệu khởi sắc, nhưng tiềm lực tài chính của các nhà đầu tư bị ảnh hưởng và niềm tin vào thị trường chưa thực sự được khôi phục, dẫn đến nhu cầu tham gia IPO sụt giảm. Trong khi đó, các nhà đầu tư nước ngoài nhìn chung vẫn còn e ngại về mức độ minh bạch và triển vọng phát triển của các doanh nghiệp, đặc biệt là các DNNN cổ phần hóa. 

Những vướng mắc nổi cộm nhất mà các doanh nghiệp gặp phải trong quá trình thực hiện cổ phần hóa là gì? VietinBankSc hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết các vướng mắc này như thế nào?

Là một đơn vị tư vấn với bề dày kinh nghiệm 15 năm phát triển, VietinBankSc luôn đồng hành cùng quá trình cổ phần hóa các DNNN. Chúng tôi đã cung cấp dịch vụ tư vấn cổ phần hóa cho hàng trăm doanh nghiệp như Cao su Đà Nẵng, Cảng Đà Nẵng, Cảng Nha Trang, Điện lực Khánh Hòa, Nhiệt điện Phả Lại...

Những vấn đề nổi cộm nhất mà các doanh nghiệp đang vướng mắc trong quá trình thực hiện cổ phần hóa cũng như các nguyên nhân dẫn đến tiến độ cổ phần hóa bị kéo dài như tôi đã nêu ở trên. Trong đó, vướng mắc lớn nhất là về chính sách.

Trong quá trình cổ phần hóa, ở nhiều khâu, Chính phủ mới chỉ giao quyền cho cơ quan quyết định cổ phần hóa ở một mức độ nhất định, trong khi mỗi doanh nghiệp có đặc thù khác nhau, cứ khi nào vượt thẩm quyền thì doanh nghiệp phải xin ý kiến Chính phủ, dẫn đến thiếu sự chủ động và thời gian thực hiện bị kéo dài.

Theo tôi, việc giao thêm quyền cho cơ quan quyết định cổ phần hóa là một trong những tiền đề để giải quyết các vướng mắc hiện nay cho doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa.

Trước những khó khăn, vướng mắc nêu trên, với vai trò là tổ chức tư vấn chuyên nghiệp, VietinBankSc luôn sát cánh để hỗ trợ doanh nghiệp một cách hiệu quả nhất, nhiều doanh nghiệp chúng tôi tư vấn đã hoàn thành cổ phần hóa theo đúng tiến độ đề ra. 

Được biết, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 59/2011/NĐ-CP. Ông kỳ vọng gì vào văn bản mới này?

Vướng mắc về chính sách thì cần thiết phải có chính sách giải quyết. Trong thời gian qua, hàng loạt văn bản chỉ đạo đã được ban hành nhằm tạo hành lang thuận lợi cho các doanh nghiệp trong quá trình cổ phần hóa. Đặc biệt, vừa qua, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 59.

Tôi tin tưởng rằng, việc cải thiện các chính sách về cổ phần hóa sẽ là bước khởi đầu để thúc đẩy tiến trình cổ phần hóa đúng tiến độ và đạt hiệu quả cao.

Tin bài liên quan