VietinBank và BIDV lên tiếng vụ không chia cổ tức

VietinBank và BIDV lên tiếng vụ không chia cổ tức

(ĐTCK) Trước một số thông tin liên quan đến việc chi trả cổ tức phân phối lợi nhuận của VietinBank và BIDV tại ĐHCĐ năm 2016, hai ngân hàng này đã lên tiếng.

VietinBank: Nâng cao năng lực tài chính 

Về phía VietinBank cho biết, quyết định không chia cổ tức đã nhận được sự đồng thuận tại ĐHCĐ 2016. Đây là quyết định cần thiết và có ý nghĩa chiến lược để VietinBank nâng cao năng lực tài chính, đảm bảo hệ số an toàn vốn, tiếp tục phát triển hoạt động, đáp ứng nhu cầu vốn và dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế; đồng thời gia tăng sức mạnh để VietinBank hội nhập khu vực và quốc tế.

Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, khi VietinBank đang tiến tới thực hiện tính toán vốn theo Basel II; VietinBank đã và đang triển khai nhiều giải pháp để nâng cao năng lực quản trị rủi ro, chuyển dịch cơ cấu tài sản theo hướng an toàn bền vững, song để đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo quy định của Basel II thì nhu cầu tăng vốn của VietinBank là rất cấp thiết.

“Tuy nhiên, hiện tại dư địa tăng vốn của VietinBank là tương đối hạn chế do hiện tại tỷ lệ sở hữu nhà nước tại VietinBank đã chạm ngưỡng tối thiểu (64,46%) theo quy định của Chính phủ. Do đó, để đáp ứng nhu cầu tăng vốn, việc VietinBank đã đề xuất phương án giữ lại lợi nhuận để tăng vốn là hoàn toàn phù hợp trong bối cảnh hiện tại. Phương án này cũng đã được các cổ đông thống nhất rất cao, đặc biệt trong đó có các cổ đông chiến lược, cổ đông lớn của nước ngoài”, một lãnh đạo VietinBank nhấn mạnh.

Ngân hàng này cũng cho biết thêm, đề xuất giữ lại lợi nhuận chỉ là một trong số những giải pháp trước mắt đối với VietinBank; bên cạnh giữ lại lợi nhuận, VietinBank đang triển khai đồng bộ các biện pháp cần thiết khác để tăng vốn và đa dạng hóa cơ cấu vốn tự có, tạo cơ cấu vốn tự có tối ưu, đáp ứng nhu cầu tăng vốn và các giới hạn phải tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật.

Về dài hạn, VietinBank đề xuất Chính phủ xem xét hạ tỷ lệ sở hữu Nhà nước xuống mức không thấp hơn 50% và bảo đảm quyền sở hữu chi phối của Nhà nước tại VietinBank, có thể xem xét nới  “room” cho nhà đầu tư nước ngoài để tạo điều kiện cho VietinBank có thể thu hút thêm các nguồn lực, tạo nền tảng vững chắc cho việc phát triển hoạt động kinh doanh, qua đó phát triển hệ thống NHTM, hệ thống tài chính và phát triển hệ thống kinh tế Việt Nam.

BIDV: Tuân thủ đúng qui định của pháp luật phương chi trả cổ tức

Sau khi dẫn một loạt văn bản Luật đối với việc tổ chức ĐHCĐ thường niên năm 2016 cũng như các trình tự thủ tục trình phê duyệt phương án phân phối lợi nhuận, chi trả cổ tức năm 2015 tại ĐHCĐ năm 2016, BIDV cho biết đã thực hiện trình ĐHCĐ thông qua các vấn đề bao gồm phương án phân phối lợi nhuận, chi trả cổ tức 2015 theo đúng quy định như sau:

Trước nhu cầu cấp bách về vốn để đảm bảo các mục tiêu: (i) duy trì tăng trưởng tín dụng cung ứng vốn cho nền kinh tế, (ii) tuân thủ theo các chỉ tiêu an toàn trong hoạt động kinh doanh theo quy định của NHNN và cam kết với các đối tác, (iii) thực thi các mục tiêu quản trị theo thông lệ quốc tế như Basel II-III, (iv) cải thiện định hạng tín nhiệm và đảm bảo các cam kết với cộng đồng quốc tế; BIDV đã xây dựng và đề xuất một số biện pháp để cải thiện và nâng cao nền vốn tự có của ngân hàng. Trong đó có đề xuất tăng vốn từ lợi nhuận để lại, cụ thể là thông qua hình thức chi trả cổ tức năm 2015 bằng cổ phiếu với tỷ lệ 8,5% cho các cổ đông có tên trong danh sách chốt tại thời điểm chi trả.

Trên cơ sở yêu cầu tăng vốn, sau khi đã thực hiện đầy đủ trình tự, thủ tục theo qui định, tại ĐHĐCĐ 2016, BIDV đã đưa ra thảo luận các nội dung như đã báo cáo, đề xuất tại Công văn số 1100/BIDV-TKHĐQT, trong đó có nội dung chia cổ tức năm 2015. Các nội dung đã được ĐHĐCĐ 2016 đã được thảo luận công khai và thông qua theo đúng qui định. Riêng nội dung Dự thảo Tờ trình ĐHĐCĐ thông qua Báo cáo tài chính năm 2015, việc trích lập các quỹ và phân phối lợi nhuận năm 2016 và phương án tăng vốn điều lệ năm 2016, ĐHĐCĐ đã ủy quyền cho HĐQT BIDV thực hiện điều chỉnh phương án theo phê duyệt chính thức cuối cùng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

“Như vậy, ĐHCĐ thông qua nội dung phương án chi trả cổ tức là quyết định “có điều kiện” và ủy quyền cho Hội đồng quản trị BIDV thực hiện điều chỉnh phương án chi trả cổ tức theo quyết định cuối cùng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền”, thông tin từ Ngân hàng này nhấn mạnh.

Các chuyên gia nói gì?

Thông tin ĐTCK được biết, một cổ đông chiến lược nước ngoài đang nắm giữ vốn tại VietinBank đã nhất trí với lãnh đạo Ngân hàng này trong việc kiến nghị lên NHNN và Chính phủ cho phép vẫn giữ lại cổ tức.

Từ phía Ngân hàng cũng kỳ vọng, ý kiến chính thức của cổ đông chiến lược nước sẽ có trọng lượng nhất định bởi theo như phân tích của Luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc Công ty Luật BASICO, những năm gần đây, cổ đông nước ngoài tại các ngân hàng Việt Nam thường có xu hướng lựa chọn việc không chia cổ tức. Điều này xuất phát từ việc họ nhận diện rõ về thực trạng tài chính, rủi ro tín dụng và nhu cầu tồn tại phát triển của ngân hàng. Nếu như ngân hàng được tận dụng thêm nguồn lực từ phần tiền cổ tức không chia, xét về chiến lược dài hạn sẽ tốt cho khả năng phát triển của ngân hàng. Qua đó, giá trị đầu tư của các cổ đông nước ngoài được gia tăng.

“Sự ngược chiều trong cách nhìn của cơ quan đại diện phần vốn Nhà nước và cổ đông nước ngoài có thể ảnh hưởng tới niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài”, Luật sư Hải khuyến nghị.

Trao đổi với ĐTCK, ông Gary Hwa, Tổng Giám đốc điều hành Dịch vụ Tài chính Ngân hàng EY châu Á-Thái Bình Dương cho rằng, câu chuyện xảy ra là điều có thể hiểu được đặt trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam mức độ phát triển chưa được như các quốc gia khác. “Ngân hàng có lý do của mình trước quyết định giữ lại lợi nhuận và ở phía Bộ Tài chính cũng có câu chuyện của mình. Tuy nhiên, cần có sự cân bằng nhất định giữa lợi ích của các bên có liên quan”, ông Gary Hwa nhấn mạnh.

Luật sư Hải phân tích thêm, sau chu kỳ khủng hoảng vừa qua, sức khỏe tài chính của mỗi ngân hàng mới chỉ đang trong giai đoạn phục hồi. Kết quả kinh doanh một năm chưa thể hiện chính xác, cụ thể mức độ thu hoạch lợi nhuận của ngân hàng, bởi các ngân hàng vẫn đang phải thực hiện các phương án xử lý nợ xấu. Để tồn tại ổn định và phát triển, các ngân hàng đã lựa chọn cách xử lý hậu quả trong quá khứ, chấp nhận những “hy sinh” lợi ích trong hiện tại.

“Thêm vào đó, việc dự phòng tiềm lực tài chính cho những yếu tố bất thường, khó khăn từ thị trường trong kinh doanh là điều các ngân hàng cũng tính đến. Tất cả những vấn đề này là nguyên nhân dẫn đến việc đại hội đồng cổ đông các ngân hàng đã ra quyết sách về vấn đề cổ tức. Một khi doanh nghiệp đã nhìn nhận bản thân mình và quy luật thị trường để ra quyết định, có lẽ quyết định đó cần được tôn trọng”, Luật sư Hải nhấn mạnh.

Tin bài liên quan