Cuối năm 2018, Ngân hàng Nhà nước đã phê duyệt một số nội dung về mục tiêu, định hướng, giải pháp và lộ trình thực hiện phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020 của VietinBank.
Trọng tâm của phương án này là nâng cao năng lực tài chính, nâng cao chất lượng tài sản, khắc phục triệt để các vấn đề còn hạn chế; phát triển hoạt động kinh doanh hiệu quả, an toàn, bền vững; nâng cao tính minh bạch trong quản trị điều hành, quản trị rủi ro; tuân thủ các chuẩn mực hiện đại, tiên tiến trên thế giới.
Năm 2018, hoạt động kinh doanh của VietinBank tiếp tục có nhiều chuyển biến. Theo báo cáo tài chính hợp nhất của Ngân hàng mới công bố, quy mô cho vay nền kinh tế đến cuối năm đạt 865.000 tỷ đồng, tăng 9,4%; tiền gửi khách hàng đạt 826.000 tỷ đồng, tăng 9,7% so với thời điểm cuối năm 2017. Cơ cấu thu nhập hoạt động tiếp tục chuyển dịch tích cực, thu thuần dịch vụ năm 2018 đạt 2.770 tỷ đồng, tăng 49,3% so với năm 2017. Đây là tiền đề quan trọng để VietinBank có nguồn lực tài chính cần thiết triển khai phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu ngay khi có quyết định phê duyệt của Ngân hàng Nhà nước.
Đáng chú ý, VietinBank áp dụng các chuẩn mực Basel II, với các tiêu chuẩn về chất lượng tín dụng được nâng cao, khiến một bộ phận nợ chuyển sang nhóm cao hơn, tác động tăng nợ xấu, tăng chi phí trích lập dự phòng rủi ro, giảm lãi dự thu.
Cụ thể, tổng thu nhập lãi quý IV/2018 của VietinBank đạt 18.820 tỷ đồng, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2017, nhưng do thực hiện ngay việc chuyển nhóm nợ một số khách hàng trong tháng 12/2018 nên chi phí thoái lãi dự thu tăng, dẫn đến thu lãi thuần chỉ đạt 572 tỷ đồng và lợi nhuận quý cuối năm 2018 hạch toán âm 853 tỷ đồng. Mặc dù phải dùng nguồn lực tài chính 7.504 tỷ đồng để xử lý thoái lãi dự thu trong quý IV/2018, nhưng Ngân hàng vẫn đảm bảo lợi nhuận cả năm đạt 6.742 tỷ đồng, hoàn thành 101% kế hoạch Đại hội đồng cổ đông phê duyệt.
Việc cơ cấu lại hoạt động ngân hàng là cần thiết nhằm phát triển hiệu quả, an toàn, bền vững và nằm trong kế hoạch của VietinBank. Kết quả kinh doanh và lợi nhuận năm 2018 nêu trên nằm trong kế hoạch của Ngân hàng và được thông qua tại Đại hội đồng cổ đông ngày 8/12/2018.
Hiện VietinBank đang tích cực triển khai phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu. Hoạt động này có tác động làm ảnh hưởng đến lợi nhuận trong ngắn hạn, nhưng là công việc cần thiết để nâng cao chất lượng tài sản, chất lượng danh mục tín dụng, tạo nền tảng phát triển bền vững cho Ngân hàng, phát triển phù hợp với các thông lệ tốt của quốc tế, qua đó hội nhập quốc tế thành công.
Định hướng năm 2019, VietinBank tập trung cải thiện hiệu quả hoạt động, duy trì tốc độ tăng trưởng hợp lý gắn với quản lý chất lượng tăng trưởng; cải thiện hệ số NIM (biên lãi ròng), quản trị tốt chi phí vốn và chi phí hoạt động; nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ, phát triển đa dạng sản phẩm dịch vụ hiện đại, tăng thu ngoài lãi, chuyển dịch cơ cấu thu nhập theo hướng tăng thu ngoài lãi; đẩy mạnh thu hồi nợ xấu, nợ xử lý rủi ro, nợ bán cho VAMC, nâng cao chất lượng tài sản; tiếp tục thực hiện đồng bộ các biện pháp nhằm tăng năng lực tài chính, tăng vốn tự có, đồng thời bám sát kế hoạch tăng vốn trình các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Phương án tăng vốn tự có được thông qua sẽ tạo nguồn lực lớn để VietinBank phát triển mạnh mẽ hoạt động kinh doanh, cung ứng đầy đủ, kịp thời vốn tín dụng cho nền kinh tế, đáp ứng đầy đủ nhu cầu về vốn và dịch vụ tài chính ngân hàng cho nền kinh tế.
Theo đó, năm 2019, VietinBank dự kiến dư nợ tín dụng tăng trưởng 6 - 8%, nguồn vốn huy động tăng trưởng phù hợp với nhu cầu sử dụng vốn, tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát dưới 2%, lợi nhuận dự kiến đạt 9.500 tỷ đồng (tăng 41% so với năm 2018), tỷ lệ sinh lời trên vốn cổ phần (ROE) ở mức 10 -13%, đảm bảo lợi ích cho cổ đông.