Chủ tịch Vietinbank Nguyễn Văn Thắng

Chủ tịch Vietinbank Nguyễn Văn Thắng

Vietinbank dưới thời chủ tịch Thắng

(ĐTCK) Xuất thân từ nông dân, sếp trẻ Vietinbank đã và đang khẳng định được vai trò của mình tại ngân hàng tỷ đô.

Chủ tịch “nông dân”

Cuối tháng 4 vừa qua, thị trường ngân hàng dồn sự chú ý tới ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) khi “vị thuyền trưởng” nổi tiếng Phạm Huy Hùng chuẩn bị nghỉ hưu. Ông Hùng được đánh giá là lãnh đạo năng động, sáng tạo và quyết liệt trong công việc. Ông có vai trò rất lớn tới sự phát triển của Vietinbank.

Chính vì vậy, người thay thế ông Hùng rất được dư luận quan tâm. Và tất nhiên, do tiếp quản Vietinbank từ “cái bóng quá lớn”, người thay thế ông Hùng đã phải đối diện với áp lực không hề nhỏ.

Tuy nhiên, cổ đông của Vietinbank không phải lo lắng vì người giữ “ghế nóng” thay ông Hùng là ông Nguyễn Văn Thắng, “đương kim” Tổng giám đốc Vietinbank. Ông Thắng được bổ nhiệm là Tổng giám đốc ngân hàng này từ năm 2011.

Không chỉ có 3 năm kinh nghiệm điều hành Vietinbank ở cương vị Tổng giám đốc, ông Thắng còn có nhiều ưu thế khi hiểu tường tận ngân hàng vì ông đã trải qua 18 năm cống hiến cho Vietinbank ở nhiều vị trí khác nhau.

Năm 1996, một năm sau khi ra trường, ông Thắng bắt đầu sự nghiệp của mình ơ vị trí Cán bộ Kinh doanh đối ngoại Chi nhánh Ba Đình. Sau đó, ông trải qua nhiều vị trí khác như Phó trưởng phòng khách hàng doanh nghiệp lớn; giám đốc chi nhánh Hà Nội,… trước khi đảm nhận những vai trò “tối quan trọng” như Tổng giám đốc hay Chủ tịch Hội đồng quản trị.

Ông Thắng trở thành tân Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietinbank trong một ngày cuối tháng 4 năm nay ở tuổi 41, cái tuổi rất trẻ với một sếp lớn ngân hàng. Điều đáng nói con đường với chiếc “ghế nóng” của ông Thắng không được trải thảm đỏ như những “con dòng cháu giống” Phạm Hùng Huy hay Trầm Trọng Ngân. Ông Thắng trở thành người quản lý khối tài sản tỷ đô từ gốc gác nhà nông.

Những ai đã từng đọc lý lịch của ông Thắng chắc hẳn sẽ rất ngạc nhiên khi biết ông có gốc gác nông dân đặc sệt. Theo lý lịch, cha ông đã qua đời, mẹ ông làm nông nghiệp. Ông có nhiều anh chị em và hầu hết công việc của họ đều gắn liền với mảnh ruộng, con trâu.

Vượt qua những khó khăn của một gia đình nông dân ngoại thành Hà Nội, ông Thắng sớm lấy được tấm bằng cử nhân Đại học Ngoại ngữ Hà Nội và Đại học Tài chính - Kế toán Hà Nội. Sau đó, ông chinh phục tấm bằng tiến sỹ tại Học viện Tài chính.

Bằng những nỗ lực cá nhân, ông Thắng đã được Ngân hàng Nhà nước và cổ đông tin tưởng trao cho chiếc ghế Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietinbank. Ngay khi chưa “ngồi ấm chỗ”, ông Thắng đã vạch ra cho bản thân và cho Hội đồng quản trị những nhiệm vụ quan trọng.

Tại lễ công bố quyết định công tác cán bộ quản lý cấp cao tại VietinBank với sự chứng kiến của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình, ông Thắng đã tiết lộ 7 mục tiêu đột phá của Vietinbank.

Vietinbank dưới “thời” chủ tịch Thắng

Là lãnh đạo cấp cao nhưng ông Thắng vẫn dành nhiều thời gian để chia sẻ nghiệp vụ. Trong mục Nghiên cứu – Trao đổi của Vietinbank, ông Thắng thường xuyên đóng góp nhiều đề tài nghiên cứu có tính ứng dụng cao.

Sau khi trở thành Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietinabank, ông Thắng đã có bài chia sẻ hữu ích về quản lý tài sản cố định tại ngân hàng thương mại, Kinh nghiệm từ Ngân hàng Australia về mở rộng mạng lưới và quản trị rủi ro và Nâng cao chất lượng dịch vụ kiều hối tại ngân hàng thương mại.

Tuy nhiên, điều cổ đông quan tâm tới tân Chủ tịch nhất chính là hoạt động sản xuất kinh doanh của ngân hàng. Nhậm chức từ cuối tháng 4 nên tính trong quý 2, ông Thắng chỉ có 2 tháng thể hiện năng lực bản thân.

Vietinbank dưới thời chủ tịch Thắng ảnh 1

Nhân viên Vietinbank có khả năng tạo ra lợi nhuận cao nhất hệ thống trong quý 2 

Báo cáo tài chính quý 2 và 6 tháng đầu năm của Vietinbank khiến dư luận giật mình vì nợ xấu tăng vọt trong khi lợi nhuận lại giảm nhẹ. Tuy nhiên, hai chỉ tiêu này không thể hiện toàn bộ bộ mặt hoạt động của Vietinbank. Vietinbank giảm lãi chủ yếu là do mạnh tay trích lập dự phòng rủi ro tín dụng.

Trên thực tế, bản báo cáo của Vietinbank vẫn có khá nhiều điểm sáng. Trong đó, tổng tài sản có tốc độ tăng trưởng dương. Cụ thể, tổng tài sản Vietinbank tại thời điểm cuối quý 2 đạt 597,6 nghìn tỷ, tăng 3,7% so với đầu năm. Nguồn vốn huy động tăng 3,6%, dư nợ tín dụng tăng 0,45%. Lợi nhuận trước thuế lũy kế 6 tháng đã đạt được 53,2% kế hoạch.

Giảm lãi nhưng so với những ngân hàng niêm yết, Vietinbank vẫn là ngân hàng có lợi nhuận sau thuế lớn nhất trong 6 tháng đầu năm. Khả năng thanh toán của Vietinbank khá tốt khi tỷ lệ huy động khách hàng/cho vay khách hàng cao hơn 100%.

Hiện vốn hóa thị trường của Vietinbank đạt 54.734 tỷ đồng, tương đương hơn 2,5 tỷ USD, chỉ đứng sau Vietcombank.

Công ty chứng khoán CTS cho biết theo phương pháp định giá so sánh nhiều chỉ số, giá trị hợp lý của cổ phiếu CTG là 17.300/CP. Với thị giá hiện tại hơn 14.500 đồng/CP, CTS tiếp tục khuyến nghị nhà đầu tư “Nắm giữ” cổ phiếu này.

Một thành công nữa của ông Thắng không thể không nhắc đến chính là ổn định lương thưởng và nhân sự. Mức thu nhập bình quân tại Vietinbank luôn nằm trong Top cao. Và đội ngũ nhân sự Vietinbank đã chứng minh họ là những người làm việc hiệu quả nhất.

Tại thời điểm 30/6, ngân hàng Vietinbank có 18.803 nhân viên. Trung bình mỗi nhân viên của ngân hàng nhận mức thù lao 16,08 triệu đồng/người/tháng. Với lợi nhuận sau thuế đạt 1.954 tỷ đồng, mỗi người lao động kiếm 103,92 triệu đồng. Mỗi đồng lương của từng người lao động tạo ra 150.187 đồng.

Ông Nguyễn Văn Thắng sinh năm 1973, là Tiến sỹ Kinh tế. Ông bắt đầu công tác tại Vietinbank từ năm 1996 đến nay và kênh qua nhiều vị trí khác nhau, trong đó có chức vụ Ủy viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc ngân hàng.

Học hàm, học vị:

- Cử nhân Trung tâm Đào tạo và nghiên cứu khoa học ngân hàng, chuyên ngành Tín dụng, hệ Cao đẳng (1991 - 1995);

- Cử nhân, Đại học Ngoại ngữ Hà Nội, chuyên ngành Tiếng Anh, Tại chức (1993 - 1996);

- Cử nhân Đại học Tài chính Kế toán Hà Nội, chuyên ngành Tài chính - Tín dụng, Tại chức (1999-2000);

- Thạc sỹ, Học viện Ngân hàng Hà Nội, chuyên ngành Tài chính - Ngân hàng (2002 - 2005);

- Tiến sỹ Kinh tế Học viện Tài chính Hà Nội, chuyên ngành Tài chính - Lưu thông tiền tệ (2007 - 2013);

- Cao cấp lý luận Chính trị - Hành chính, Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh (2011 -2013). 
Tin bài liên quan