Vietcombank - một phần còn bỏ ngỏ
Nhà đầu tư đã từng rất quan tâm đến phương án IPO của Vietcombank do có sự đột phá bằng việc dự kiến bán cho nhà đầu tư chiến lược trước rồi mới thực hiện IPO, đồng thời mức thặng dư vốn sau phát hành sẽ được Nhà nước để lại một phần cho Vietcombank. Tuy nhiên, cùng với việc thay đổi phương án IPO theo Nghị định 109/2007/NĐ-CP, một câu hỏi đặt ra là phần thặng dư vốn thu được từ quá trình IPO sẽ được xử lý như thế nào? Đây là một thông tin rất quan trọng với các nhà đầu tư, nhằm xác định giá trị mỗi cổ phần mà mình đầu tư có tương quan gì với các ngân hàng khác.
Hiện nay, khi nhiều ngân hàng TMCP bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược thì điều thị trường quan tâm không chỉ mức giá bán mà chính là phần thặng dư vốn mang về cho các cổ đông hiện hữu. Chẳng hạn, Eximbank bán 15% cổ phần cho đối tác chiến lược Sumimoto trị giá 225 triệu USD đã làm gia tăng giá trị sổ sách của Eximbank nhờ phần thặng dư vốn lớn này. Có thể tạm tính, đến tháng 10 năm 2007 thì giá trị sổ sách của Eximbank ước đạt 20.000 đồng/cổ phiếu. Nếu hoàn tất đợt phát hành cho các đối tác chiến lược thì giá trị sổ sách có thể là 30.000 đồng/cổ phiếu. Điều này cho thấy, một mức giá thị trường gắn liền với giá trị sổ sách (PBV) sẽ hấp dẫn thị trường hơn. Do đó việc công bố chính thức phần thặng dư vốn để lại Vietcombank sau IPO là cần thiết cho các nhà đầu tư quyết định mức giá.
Kịch bản có thể lặp lại
Cuộc IPO Đạm Phú Mỹ được xem như “vàng thử lửa”, trong một xu hướng thị trường ảm đạm, khối lượng chào bán lớn đã đưa đến hoài nghi kế hoạch IPO khó thành công. Thế nhưng đợt IPO vẫn được thị trường đánh giá, tuy nhiên do mức giá kỳ vọng trước khi IPO được dự kiến khá cao làm cho các nhà đầu tư đăng ký đấu giá với số lượng hạn chế. Mức giá thị trường cho đợt IPO đó chỉ gần sát với mức giá tham chiếu. Ngày nay, việc IPO của Vietcombank có lặp lại kịch bản trên không?
Qua quan sát thị trường những ngày gần đây có thể thấy, cùng với khối lượng giao dịch toàn thị trường giảm thì khối lượng giao dịch của các nhà đầu tư nước ngoài cũng giảm hẳn. Việc giảm khối lượng giao dịch nhằm tránh làm thị trường chính thức nóng lên, đẩy giá của Vietcombank tăng cao. Bằng việc này, họ có thể tác động gián tiếp đến tâm lý các nhà đầu tư khi tham gia đấu giá Vietcombank.
Một lượng cổ phiếu được chào bán thuộc loại lớn nhất từ trước đến nay, nhưng vì tầm mức tác động của nó đến các nhà đầu tư trên thị trường là rộng lớn, nên ắt hẳn trong tâm lý các nhà đầu tư ai cũng muốn tham gia. Khả năng số lượng nhà đầu tư tham gia đấu giá Vietcombank sẽ rất cao, ngay cả khi so với khối lượng cổ phiếu mà Ngân hàng này chào bán ra công chúng. Tuy nhiên, đợt IPO của Vietcombank diễn ra trong bối cảnh các nhà đầu tư hầu như không thể thực hiện vay vốn cho việc đầu tư này (do ngân hàng đã hết hạn mức cho vay đầu tư chứng khoán), lại là yếu tố làm hạn chế khối lượng đăng ký của nhà đầu tư. Tâm lý lo ngại một mức giá cao, một khối lượng lớn khó tự tài trợ và đầu tư ngắn hạn sẽ đè nặng các nhà đầu tư lúc này. Chính những lý do trên cho thấy, việc đầu tư vào Vietcombank là một chiến lược đầu tư mang tính dài hạn cho những ai tham gia cũng như cho các tổ chức đầu tư chuyên nghiệp. Một mức giá cao không thích hợp cho chiến lược trên.
Vì lẽ đó, một chiến lược tác động đến tâm lý của các nhà đầu tư trên thị trường ngày nay nhằm hạn chế khối lượng đăng ký đấu giá Vietcombank đang được các nhà đầu tư lớn toan tính.