Vietcombank: Trả bao nhiêu mà thấp?

Vietcombank: Trả bao nhiêu mà thấp?

(ĐTCK-online) Việc đột ngột thay đổi kế hoạch IPO của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) gây xôn xao thị trường vài ngày qua đã có lời giải, theo một lãnh đạo Vietcombank, nguyên nhân chính đó là các ứng viên đối tác chiến lược chưa đưa ra được mức giá và điều kiện chưa đáp ứng được kỳ vọng của Vietcombank và Chính phủ.

Đó là một cách giải thích, nhưng trên thị trường thì các nhà đầu tư đang hiểu rằng, việc lựa chọn cổ đông chiến lược của Vietcombank đã không thành công, “thuận mua vừa bán” nhưng bên mua chưa trả tới mức mà bên bán chấp nhận. Kết quả là, nhà đầu tư nước ngoài giờ đây muốn trở thành cổ đông chiến lược của Vietcombank sẽ phải chấp nhận mua với giá mà nhà đầu tư trong nước trả khi IPO ngân hàng này, thay vì tự quyết định thông qua đàm phán.

Câu chuyện cổ đông chiến lược sẽ chỉ được tiếp tục bàn sau khi IPO, thế nhưng mức giá họ đã trả bao nhiêu mà không được chấp thuận, giá khởi điểm IPO của Vietcombank sẽ được xác định thế nào,… là nhiều vấn đề mà các nhà đầu tư đang quan tâm.

 

Chưa có giá

Trao đổi với ĐTCK, vị lãnh đạo trên cho biết, Vietcombank đang chuẩn bị những bước cần thiết để IPO trong tháng 12 tới. Cụ thể, trong tháng 11 này, Vietcombank phải thực hiện các việc cần thiết như: công bố giá trị doanh nghiệp, xác định giá khởi điểm, trình kế hoạch IPO lên các cấp có thẩm quyền… Sau đó, chuẩn bị bản công bố thông tin, điều lệ mới của ngân hàng cổ phần, tổ chức các buổi giới thiệu cơ hội đầu tư vào Ngân hàng.

Hiện tại, việc xác định giá khởi điểm vẫn chưa được thực hiện, theo quy định hiện hành sẽ do cơ quan chủ quản (ở đây là Ngân hàng Nhà nước) công bố. Tuy nhiên, theo vị lãnh đạo này, việc xác định giá khởi điểm đối với trường hợp Vietcombank chắc chắn sẽ có sự tham gia của nhiều cơ quan quản lý khác.

Có một vấn đề là các nhà đầu tư nước ngoài đã tham gia đàm phán trong thời gian qua có rút lui sau “cú vấp” này không. Theo nguồn tin mà ĐTCK có được, vào thời điểm này các nhà đầu tư nước ngoài đã tham gia đàm phán tới vòng cuối vẫn chưa có phản ứng chính thức.

Còn theo vị lãnh đạo trên, Vietcombank sẽ tiếp tục đàm phán với các đối tác sau IPO để đạt được những thỏa thuận trên cơ sở hài hòa lợi ích của Nhà nước, Vietcombank, đối tác chiến lược và lợi ích của cổ đông nhỏ lẻ. Cái mà Vietcombank cần là sự hỗ trợ kỹ thuật của các nhà đầu tư chiến lược.

“Vietcombank hướng tới trở thành một ngân hàng đại chúng, nên việc quan tâm tới lợi ích của cổ đông nhỏ sẽ mang lại sự phát triển bền vững lâu dài cho Ngân hàng”, vị lãnh đạo này nói.

 

Giá không thấp so với…

Theo nguồn tin đáng tin cậy mà ĐTCK có được thì các đối tác nước ngoài chào mua cổ phần của Vietcombank  ở mức giá tốt nhất so với mức giá của các ngân hàng khác đã bán cho đối tác chiến lược nước ngoài như ACB, Techcombank, VPBank,…

Giá trị của Vietcombank đã được đơn vị tư vấn xác định lên tới mức khoảng gần 9 lần giá trị sổ sách của Vietcombank tính tới thời điểm 31/12/2006. Với tổng mức vốn chủ sở hữu gần 11.000 tỷ đồng thì giá trị của Vietcombank được các nhà đầu tư nước ngoài xác định lên tới khoảng 90.000 tỷ đồng (gần 6 tỷ USD). Hay nói khác đi là gấp khoảng 20 lần vốn điều lệ (hơn 4.000 tỷ đồng) vào thời điểm trên, quy đổi đơn thuần thì mức giá là 20 lần giá cổ phiếu theo mệnh giá 10.000 đồng/CP.

Theo lãnh đạo một quỹ đầu tư khá lớn tại Việt Nam (đề nghị không nêu tên), việc định giá của một doanh nghiệp theo phương pháp quốc tế thường được phân tích trên 3 cơ sở, đó là: phân tích chiết khấu cổ tức để đưa ra giá trị nội tại của ngân hàng, dựa trên khả năng sinh lời dòng tiền hoặc tiềm năng cổ tức dài hạn của ngân hàng (DDA); phân tích các trường hợp mua bán tương đồng, so sánh với các ngân hàng cổ phần trong nước đã bán cho nước ngoài; phân tích các công ty tương đồng, định giá ngân hàng tương đồng so sánh với ngân hàng có vị thế tương tự ở các nước xung quanh như Trung Quốc, Ấn Độ, Indonexia…

Với những thông số mà Vietcombank đã có cũng như so sánh từ thị trường, thì việc xác định giá trị gấp khoảng 9 lần giá trị sổ sách của Vietcombank là hoàn toàn có thể.

Vấn đề là các nhà đầu tư lớn nước ngoài đã không trả tới mức này giống như tin của một hãng thông tấn nước ngoài đã đưa (127.700 - 178.780 đồng/CP), và không hợp kỳ vọng của Vietcombank và Chính phủ về khả năng tăng trưởng của Ngân hàng trong tương lai, và kết quả là việc IPO của Vietcombank sẽ cơ bản giống với trường hợp của Bảo Việt trước đây, đó là IPO trước, chọn cổ đông chiến lược sau.