Ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietcombank cho biết, sau 3 năm chuẩn bị, năm 2017, trên cơ sở phê duyệt của Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng chính thức khởi động quá trình triển khai các thủ tục thành lập văn phòng đại diện tại Mỹ.
Với sự hỗ trợ của các tư vấn luật trong nước và quốc tế, cùng nỗ lực vào cuộc của đội ngũ cán bộ Vietcombank, sau thời gian thẩm định khắt khe, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã phê duyệt hồ sơ xin cấp phép thành lập vào ngày 26/10/2018.
Tiếp đó, ngày 17/6/2019, Vietcombank được Cơ quan Quản lý tài chính Tiểu bang New York ban hành giấy phép hoạt động cho văn phòng đại diện của Vietcombank tại Mỹ.
“Việc một ngân hàng thương mại của Việt Nam vượt qua những điều kiện khắt khe để được các cơ quan quản lý Mỹ cấp phép hoạt động cho thấy, hệ thống ngân hàng Việt Nam đã thực sự hội nhập và đáp ứng nhiều chuẩn mực quốc tế”, ông Thành nói.
Sự kiện này là kết quả của những nỗ lực vượt bậc của Vietcombank trong đổi mới mạnh mẽ, toàn diện để phát triển theo chiến lược đã đề ra đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 là trở thành ngân hàng số 1 Việt Nam, một trong 100 ngân hàng lớn nhất khu vực châu Á, một trong 300 tập đoàn tài chính - ngân hàng lớn nhất thế giới, một trong 1.000 doanh nghiệp niêm yết lớn nhất toàn cầu, có đóng góp lớn vào sự phát triển của Việt Nam.
Mỹ là một trong những đối tác thương mại lớn nhất và quan trọng nhất của Việt Nam, với doanh số thương mại hai chiều liên tục tăng trưởng, đạt 50,8 tỷ USD vào cuối năm 2017; 58,8 tỷ USD vào cuối năm 2018 và trong 6 tháng đầu năm 2019 là 35,4 tỷ USD. Việt Nam hiện xếp thứ 9 về xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ, là thị trường xuất khẩu lớn thứ 27 và là đối tác thương mại lớn thứ 16 của Mỹ.
“Cùng với việc thị trường Việt Nam ngày càng trở nên hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư Mỹ, văn phòng đại diện của Vietcombank sẽ là cơ quan đại diện của Ngân hàng tại Mỹ và Bắc Mỹ để hỗ trợ phát triển kinh doanh tại thị trường rộng lớn này”, ông Thành cho biết.
Văn phòng đại diện của Vietcombank sẽ thực hiện các chức năng, bao gồm: kết nối với khách hàng hiện hữu và tiềm năng tại thị trường Mỹ; thực hiện báo cáo phân tích thị trường và ngành tài chính - ngân hàng; hỗ trợ duy trì quan hệ với các định chế tài chính tại Mỹ; tham dự hội nghị, hội thảo kinh doanh để thiết lập các mối quan hệ nhằm hỗ trợ hiệu quả cho hoạt động kinh doanh của Vietcombank, cũng như tạo cầu nối quan trọng hỗ trợ các doanh nghiệp là đối tác của Ngân hàng trong các quan hệ đầu tư, kinh doanh tại thị trường Mỹ.
Ban lãnh đạo Vietcombank giao nhiệm vụ cho văn phòng đại diện tại Mỹ tuân thủ chặt chẽ pháp luật nước sở tại và luật pháp quốc tế, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần khẳng định vị thế và nâng cao hình ảnh, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
“Dự kiến, ngay trong năm 2019, quy mô lợi nhuận trước thuế của Vietcombank sẽ đạt gần 1 tỷ USD”, ông Thành chia sẻ.
Văn phòng đại diện của Vietcombank tại Mỹ đã bổ sung vào mạng lưới hoạt động ở nước ngoài của Ngân hàng, bao gồm: công ty tài chính tại Hồng Kông, công ty chuyển tiền tại Mỹ, văn phòng đại diện tại Singapore, ngân hàng con tại Lào. Ngoài ra, trong tháng 10/2019, Vietcombank đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận thành lập chi nhánh tại Úc.
Trải qua hơn 56 năm thành lập và phát triển, Vietcombank hiện là ngân hàng thương mại nhà nước hàng đầu tại Việt Nam, với tổng tài sản trên 45 tỷ USD và là ngân hàng đầu tiên có lợi nhuận hợp nhất trước thuế vượt mốc khoảng 800 triệu USD năm 2018, là mức bứt phá kỷ lục tại thị trường Việt Nam (tăng trưởng 61% so với năm 2017, bằng cả 2 ngân hàng xếp sau cộng lại).
Chất lượng tài sản được Vietcombank quản trị thực chất với tỷ lệ nợ xấu dưới 1%. Cơ cấu thu nhập và hiệu suất sinh lời tiệm cận với ngưỡng quốc tế và ngang tầm với các ngân hàng tiên tiến trên thế giới. Vietcombank là ngân hàng có vốn nhà nước đầu tiên đáp ứng chuẩn mực Basel II tại Việt Nam được Ngân hàng Nhà nước công nhận vào tháng 11/2018.
Vietcombank có giá trị vốn hóa cao nhất trên thị trường chứng khoán, môi trường làm việc được đánh giá thuộc nhóm tốt nhất Việt Nam, là ngân hàng đóng góp lớn nhất cho ngân sách nhà nước và đi đầu trong thực hiện công tác an sinh xã hội. Đồng thời, cơ cấu hoạt động của Ngân hàng có sự chuyển dịch mạnh mẽ, hệ thống mạng lưới trong và ngoài nước phát triển mở rộng với trên 550 chi nhánh/phòng giao dịch/văn phòng đại diện/đơn vị thành viên.