Vietcombank tăng cường trích lập dự phòng rủi ro khiến lợi nhuận giảm mạnh
Lợi nhuận giảm 11% do trích lập dự phòng tăng mạnh
Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (VCB: HoSE) vừa công bố BCTC hợp nhất quý I/2020.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất, tín dụng 3 tháng đầu năm của ngân hàng tăng trưởng khá tốt (2,7%), gấp đôi mức tăng trưởng chung của toàn ngành. Tuy nhiên, mức tăng trưởng này thấp hơn rất nhiều so với quý I/2019 (tăng 6,5%).
Trong quý I/2020, thu nhập lãi thuần của Vietcombank chỉ tăng 6,29% so với cùng kỳ, đạt 9.034 tỷ đồng. Lãi từ hoạt động dịch vụ cũng chỉ tăng nhẹ 5,43%, đạt 1.127 tỷ. Hoạt động kinh doanh ngoại hối tăng trưởng khả quan nhất (tăng 19%), đạt 1.107 tỷ đồng.
Tuy vậy, các hoạt động khác của Vietcombank lại có sự suy giảm. Cụ thể, hoạt động mua bán chứng khoán lỗ 54 tỷ đồng, góp phần cổ phần giảm 19% (chỉ còn 31 tỷ đồng), cho thấy khoản thu từ việc thoái vốn khỏi công ty bảo hiểm VCLI chưa được ghi nhận kỳ này. Trong quý I/2020, hoạt động kinh doanh khác của Vietcombank cũng giảm 11%, mang về 1.039 tỷ đồng lãi thuần.
Tính đến hết quý I/2020, thu nhập lãi thuần của ngân hàng vẫn tăng 4% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, ngân hàng mạnh tay trích lập dự phòng khiến lợi nhuận giảm.
Cụ thể, trong quý, ngân hàng trích lập dự phòng 2.152 tỷ đồng, tăng gần 43% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là nguyên nhân chính khiến lợi nhuận sụt giảm. Ngoài ra, trong quý, chi phí hoạt động của ngân hàng cũng tăng 12%.
Sau khi trừ chi phí và trích lập dự phòng, lợi nhuận quý I/2020 của Vietcombank đạt 5.333 tỷ đồng, giảm 11,14% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tiền gửi sụt giảm, nợ xấu vẫn thấp
Tính đến 31/3/2020, tổng tài sản của ngân hàng giảm 6,4% so với đầu năm, xuống còn 1,14 triệu tỷ đồng. Nguyên nhân là do Vietcombank giảm mạnh gửi tiền tại các tổ chức tín dụng khác, mức giảm tới 50% (từ 190 nghìn tỷ xuống còn hơn 124 nghìn tỷ đồng).
Trong khi tín dụng vẫn tăng trưởng khá so với mặt bằng chung thì huy động vốn của Vietcombank tăng chậm. Trong quý I/2020, huy động vốn của ngân hàng chỉ tăng 0,6% lên 934.048 tỷ.
Đặc biệt, nguồn tiền gửi không kỳ hạn của ngân hàng giảm tới 7% chứng tỏ nhiều người dân, doanh nghiệp đang phải rút tiền để chi tiêu. Việc hụt đáng kể nguồn tiền gửi không kỳ hạn này khiến tỷ lệ CASA của ngân hàng giảm nhẹ xuống dưới 30%.
Do tích cực tiến hành cơ cấu nợ, giãn nợ, không chuyển nhóm nợ cho các khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid – 19 nên trong quý I/2020, nợ xấu của Vietcombank vẫn chỉ chiếm tỷ lệ 0,82%, tăng nhẹ so với đầu năm nay. Việc ngân hàng đẩy mạnh trích lập dự phòng rủi ro là để đề phòng nợ xấu có thể tăng mạnh những quý cuối năm nay và cả năm tới.