Ông Nguyễn Hòa Bình.

Ông Nguyễn Hòa Bình.

Vietcombank: "Cú hích" lợi nhuận trước khi lên sàn

(ĐTCK) Diễn biến thị trường tiền tệ 6 tháng đầu năm tuy bớt biến động, nhưng vẫn chưa hết khó khăn. Song kết quả thu về của Vietcombank - VCB rất ấn tượng, với lợi nhuận trước thuế 2.450 tỷ đồng. Chủ tịch HĐQT VCB, ông Nguyễn Hòa Bình cho biết, đây sẽ là cơ sở để Ngân hàng hoàn thành và có khả năng vượt kế hoạch đề ra.

Nửa năm qua, VCB đã hoạt động thế nào khi thị trường tài chính - ngân hàng vẫn còn khó khăn, thưa ông?

Đến hết tháng 6, tổng tài sản của VCB được duy trì ở mức 222.000 tỷ đồng; vốn huy động đạt 187.000 tỷ đồng; dư nợ cho vay đạt 129.000 tỷ đồng, tăng 16.000 tỷ đồng (tương đương 14%) so với cuối năm trước. Tỷ trọng dư nợ ngắn hạn trong tổng dư nợ có xu hướng tăng nhẹ so với cuối năm 2008 (tương đương 67% so với 60%). Tổng dư nợ cho vay hỗ trợ lãi suất đạt 44.000 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ ngắn hạn hỗ trợ lãi suất là 42.000 tỷ đồng. Phần còn lại là dư nợ cho vay hỗ trợ lãi suất trung, dài hạn và cho nông nghiệp - nông thôn. Lợi nhuận trước thuế của VCB 6 tháng đầu năm 2009 ước là 2.450 tỷ đồng (đã trích lập dự phòng rủi ro theo quy định), đạt 75% so với kế hoạch cả năm (3.320 tỷ đồng). Trong cơ cấu nguồn thu đóng góp vào tổng lợi nhuận 6 tháng đầu năm của VCB, nguồn thu từ hoạt động tín dụng chiếm đến 70%. Phần còn lại là từ kinh doanh ngoại tệ, dịch vụ…

 

Lợi nhuận thu về 6 tháng đầu năm rất khả quan và khả năng vượt chỉ tiêu đề ra là khả thi. VCB có điều chỉnh kế hoạch lợi nhuận?

Tôi cho rằng, thị trường còn những khó khăn nhất định. Nếu nói điều chỉnh chỉ tiêu lợi nhuận cao hơn so với kế hoạch đặt ra thì hiện vẫn còn quá sớm. Tuy nhiên, với kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm, chúng tôi tin rằng,  có cơ sở để hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận  cũng như khả năng vượt chỉ tiêu này.

 

Nguồn thu đóng góp vào lợi nhuận 6 tháng đầu năm của VCB chủ yếu từ tín dụng, trong khi tỷ lệ nợ xấu của VCB đã chiếm con số đáng kể trên tổng dư nợ tính đến cuối năm trước và điều này được nhiều NĐT quan tâm, thưa ông?

Tỷ lệ nợ xấu của VCB hiện đã giảm xuống 4,1%, thấp hơn mức 4,6% (thời điểm cuối năm trước). Theo tôi, tỷ lệ nợ xấu của VCB không có gì đáng lo ngại, vì hiện các ngân hàng đã trích lập dự phòng đối với rủi ro tín dụng và có tài sản đảm bảo. VCB được xem là ngân hàng có thế mạnh về quản lý rủi ro, chúng tôi luôn có các giải pháp quản lý rủi ro tập trung và đồng bộ. Thực tế, hệ số an toàn vốn (CAR) của VCB đạt 9%, cao hơn mức tối thiểu 8% của Ngân hàng Nhà nước và chuẩn quốc tế của Basel 1. Do đó, với chúng tôi trong khó khăn thì cơ hội luôn đan xen và cần có chiến lược để nắm bắt cơ hội đó. 

 

Ông có thể cho biết lý do vì sao đến thời điểm này VCB vẫn chưa chọn được đối tác chiến lược nước ngoài, trong khi kế hoạch niêm yết đã được thực hiện?

VCB đang tích cực tìm kiếm đối tác chiến lược nước ngoài. Nhưng thời gian qua khủng hoảng toàn cầu ảnh hưởng đến hoạt động của các tập đoàn tài chính lớn trên thế giới, cổ phiếu của không ít tập đoàn tài chính đã sụt giảm sâu từ mức 100 USD/CP có thể xuống còn vài cent/CP… Do đó, chúng tôi cần có thời gian để cân nhắc, lựa chọn được đối tác thích hợp. Trong khi đó, tiến trình cổ phần hóa và niêm yết của VCB đã được xây dựng từ trước và chúng tôi không muốn thất hứa nhiều lần với cổ đông cũng như NĐT nên không thể trì hoãn việc niêm yết lâu hơn.