Tại buổi lễ, ông Phạm Quang Dũng cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2023, kinh tế Việt Nam tiếp tục chịu tác động tiêu cực của suy giảm kinh tế toàn cầu cũng như hệ quả từ những điểm yếu nội tại cố hữu. Trong bối cảnh nhiều khó khăn và thách thức, Chính phủ, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo triển khai quyết liệt nhiều chính sách, giải pháp tổng thể, toàn diện để tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp, khơi thông nguồn vốn, tạo thanh khoản cho thị trường, đặc biệt là thị trường TPDN và thị trường bất động sản.
“Trong đó, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ trong việc phát triển thị trường TPDN minh bạch, an toàn, hiệu quả, bền vững; phấn đấu đưa quy mô thị trường TPDN đạt tối thiểu 20% GDP vào năm 2025, Bộ Tài chính, UBCKNN đã chỉ đạo Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), Tổng Công ty Lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC) ưu tiên nguồn lực xây dựng hệ thống giao dịch TPDN riêng lẻ tập trung”, ông Dũng nói.
Phát biểu tại sự kiện, ông Phạm Quang Dũng, Chủ tịch HĐQT Vietcombank cho biết: "Nhân dịp Lễ khai trương ngày hôm nay, Vietcombank đã thực hiện đăng ký và sẵn sàng giao dịch 15 mã trái phiếu đã phát hành riêng lẻ của Vietcombank". |
Với vai trò là Ngân hàng chủ lực, chủ đạo của quốc gia có nhiều kinh nghiệm và thế mạnh công nghệ trong việc xây dựng, phát triển và vận hành các hệ thống thanh toán, Vietcombank đã chủ động xây dựng hệ thống ngân hàng thanh toán chuyên biệt (Có tên thương mại là: VCB C-Bond) dành cho thị trường TPDN riêng lẻ trên cơ sở các chuẩn mực thanh toán tiên tiến nhất, đáp ứng toàn bộ các yêu cầu của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 và Nghị định 65/2022/NĐ-CP ngày 16/09/2022 quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.
VCB C-Bond có đầy đủ các chức năng theo yêu cầu của cơ quan quản lý Nhà nước; đã thực hiện kết nối và kiểm thử thành công toàn phần với VSD và một số thành viên lưu ký lớn trên thị trường, đảm bảo khả năng vận hành thông suốt, an toàn, bảo mật.
Đặc biệt, VCB C-Bond đáp ứng yêu cầu thanh toán tức thời theo từng giao dịch; thông tin mua, bán trái phiếu được cập nhật theo thời gian thực tới từng nhà đầu tư. Đây là yếu tố mới, vượt trội, tạo điều kiện cho dòng vốn của nhà đầu tư được luân chuyển nhanh, các thông tin giao dịch được quản lý, cập nhật kịp thời, minh bạch, hiệu quả.
Chủ tịch Vietcombank thông tin, từ giữa tháng 1 đến tháng 6/2023, với sự tập trung và nỗ lực, Vietcombank đã triển khai thành công, đúng thời hạn và đảm bảo đáp ứng các yêu cầu hệ thống VCB C-Bond, Vietcombank đã được Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận chọn làm ngân hàng thanh toán cho các giao dịch TPDN chào bán riêng lẻ theo Quyết định số 538/QĐ-UBCK ngày 30/06/2023. Đây là một dấu mốc quan trọng mở ra một giai đoạn tham gia mạnh mẽ, sâu rộng hơn của Vietcombank vào việc xây dựng và phát triển thị trường TPDN riêng lẻ nói riêng và thị trường TPDN nói chung.
“Vietcombank cam kết sẽ ưu tiên dành mọi nguồn lực tốt nhất để vận hành, nâng cấp và tiếp tục phát triển hệ thống VCB C-Bond, nhằm đáp ứng tốt nhất yêu cầu của thị trường và yêu cầu của các cơ quan quản lý, đảm bảo hệ thống luôn hoạt động thông suốt, an toàn, minh bạch và hiệu quả. Đồng thời, Vietcombank cũng cam kết sẽ tích cực tham gia thị trường với các vai trò là tổ chức phát hành, thành viên lưu ký và thành viên giao dịch”, ông Dũng nói.
Hơn 5 triệu trái phiếu được giao dịch trong ngày đầu khai trương "chợ" trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ
Trong phiên khai trương thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, thị trường đã thực hiện 39 giao dịch cho 5.052.249 trái phiếu, tổng giá trị giao dịch 1.781,3 tỷ đồng. Các giao dịch đều được hoàn tất thanh toán tức thời, đảm bảo thời gian xử lý giao dịch theo quy định.
Thị trường TPDN của Việt Nam mặc dù đã hình thành khá lâu, nhưng mới thực sự được quan tâm và phát triển mạnh trong vòng 05 năm trở lại đây, đặc biệt trong năm 2021 và đầu năm 2022. Tính đến cuối năm 2022, dư nợ TPDN khoảng 1,2 triệu tỷ đồng, tương đương 12,6% GDP, bằng khoảng 10% tổng dư nợ tín dụng.
Cùng với sự phát triển của thị trường, Việt Nam cơ bản đã xây dựng được một khung pháp lý khuyến khích thị trường TPDN phát triển. Tuy nhiên, so với tiềm năng và tương quan với thị trường trong khu vực, thì quy mô của thị trường TPDN của Việt Nam vẫn còn ở mức khá khiêm tốn.
Hiện nay, dư nợ toàn thị trường TPDN ở Việt Nam chỉ khoảng 13% GDP, trong khi đó các nước trong khu vực Malaysia (56% GDP), Singapore (38% GDP), Thái Lan (25% GDP).