Thương vụ M&A Hợp Trí - Summit Agro International trải qua 8 lần thẩm định độc lập thuộc các lĩnh vực khác nhau tham gia đánh giá
Bài toán khó không chỉ về cấu trúc giao dịch mà còn về các yếu tố quản trị sau sáp nhập – đã được hoá giải bởi những tư vấn chiến lược và giải pháp từ chứng khoán Vietcap (VCI), đơn vị IB hàng đầu thị trường Việt Nam. Ông Huỳnh Nhật Trình, Trưởng Bộ phận Tư vấn Tài chính Doanh nghiệp (Corporate Finance), CTCP Chứng khoán Vietcap (VCI) chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán về vấn đề này.
Vietcap tiếp tục được vinh danh là đơn vị Tư vấn tiêu biểu 2024, trong đó có thương vụ M&A Hợp Trí - Summit Agro International. Điểm đặc sắc và thách thức nhất của thương vụ này là gì, thưa ông?
Thương vụ M&A giữa Hợp Trí và Summit Agro International là một trong những thương vụ tiêu biểu và đáng tự hào nhất của VCI trong năm 2024. Thách thức lớn nhất là xử lý song song hai giao dịch phức tạp: Summit Agro International (SAI) đầu tư vào Hợp Trí, đồng thời Hợp Trí mua lại toàn bộ công ty con của Summit Agro tại Việt Nam (SAV), một đối thủ cạnh tranh trực tiếp trong ngành. Đây là bài toán rất khó, không chỉ về mặt cấu trúc giao dịch mà còn về các yếu tố quản trị sau sáp nhập.
Nếu giữ nguyên hai công ty, sẽ xảy ra mâu thuẫn lợi ích giữa Hợp Trí và SAV, đặc biệt liên quan đến khách hàng, nhà cung cấp, và thậm chí cả chiến lược dài hạn. Vì vậy, hợp nhất SAV vào Hợp Trí sau khi SAI đầu tư là điều không thể tránh khỏi nhưng cũng kéo theo nhiều vấn đề lớn như xung đột danh mục sản phẩm, khác biệt văn hóa doanh nghiệp, lựa chọn nhân sự, và cả những rủi ro tài chính như nợ vay, thuế, hay công nợ khách hàng.
Điều đáng nói ở đây là cách tiếp cận của Vietcap. Chúng tôi không chỉ nhìn nhận vấn đề ở bề mặt mà chia nhỏ các khía cạnh phức tạp này, xây dựng lộ trình xử lý từng phần một cách rõ ràng và khả thi. Đối với các rủi ro sau sáp nhập, chúng tôi đưa ra các giải pháp quản trị rủi ro cụ thể như phân tích từng kịch bản tài chính, đề xuất các giải pháp bảo vệ rủi ro cho cả 02 bên, và rà soát kỹ lưỡng danh mục sản phẩm để tránh xung đột.
Không chỉ dừng lại ở việc đưa ra giải pháp, chúng tôi còn tổ chức nhiều buổi làm việc trực tiếp giữa hai bên để xây dựng niềm tin và thấu hiểu lẫn nhau. Các buổi trao đổi này là chìa khóa giúp hai bên không chỉ nắm rõ các mục tiêu của mình mà còn sẵn sàng nhượng bộ để đạt được kết quả chung.
Kết quả, cả hai bên đều đồng ý với phương án và các giải pháp mà VCI đề xuất để sáp nhập. Điều này không chỉ giúp thương vụ hoàn thành suôn sẻ mà còn mang lại giá trị lâu dài. Hợp Trí giờ đây không chỉ được tiếp thêm nguồn lực tài chính và chiến lược từ Summit Agro mà còn có nền tảng vững chắc để mở rộng thị trường và nâng cao vị thế trong ngành.
Với VCI, niềm tự hào lớn nhất không chỉ là hoàn thành thương vụ mà còn là nhìn thấy cả hai bên hài lòng, tin tưởng và nhận ra giá trị từ những giải pháp mà chúng tôi mang lại.
Được biết, có tới 8 đơn vị thẩm định độc lập thuộc các lĩnh vực khác nhau đánh giá doanh nghiệp. Vì sao phải thẩm định nhiều như vậy?
Đúng vậy, thương vụ này có đến 8 đơn vị tham gia thẩm định, bao gồm các lĩnh vực thương mại, tài chính, thuế, pháp lý, công nghệ thông tin, môi trường, vận hành, và công trình xây dựng.
Đặc biệt, hầu hết các đơn vị này đều là tổ chức tư vấn đa quốc gia với trình độ chuyên môn cao. Đây thực sự là một trong những thương vụ hiếm hoi có sự tham gia của nhiều bên thẩm định như vậy.
Lý do chính nằm ở hai yếu tố quan trọng. Thứ nhất, Summit Agro International (SAI), một công ty con của tập đoàn đa quốc gia Sumitomo Corporation, đặt ra tiêu chuẩn rất cao cho các thương vụ đầu tư. Điều này xuất phát từ quy mô toàn cầu và sự chú trọng vào tính bền vững của họ.
Thứ hai, khoản đầu tư này là một bước đi chiến lược của SAI nhằm mở rộng hoạt động tại Việt Nam và Đông Nam Á. Vì vậy, thẩm định kỹ lưỡng doanh nghiệp mục tiêu không chỉ là yêu cầu cần thiết mà còn là bước đệm vững chắc để thực hiện chiến lược dài hạn của họ.
Bên cạnh đó, giá trị của thương vụ này cũng không nhỏ trong bối cảnh hiện tại, do vậy việc kiểm tra kỹ càng giúp nhà đầu tư hạn chế rủi ro khi ra quyết định.
Nhiều đơn vị tham gia thẩm định chắc chắn mang lại không ít thách thức cho doanh nghiệp. Hợp Trí phải chuẩn bị và cung cấp rất nhiều tài liệu, đồng thời giải thích các số liệu chi tiết để đáp ứng yêu cầu khắt khe từ các bên thẩm định. Điều này có thể gây áp lực lớn lên đội ngũ nhân sự, đặc biệt khi công ty vẫn phải duy trì hoạt động kinh doanh thường ngày. Nếu không có kế hoạch và quy trình quản lý bài bản, việc này có thể dẫn đến quá tải cho doanh nghiệp và ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh.
Để giải quyết vấn đề này, Vietcap đã đảm nhận vị trí đầu mối chính, điều phối và sắp xếp công việc giữa các bên thẩm định. Chúng tôi không chỉ hỗ trợ Hợp Trí trong việc chuẩn bị tài liệu mà còn giúp tối ưu hóa quy trình làm việc để đảm bảo sự phối hợp giữa các bên diễn ra suôn sẻ và hiệu quả. Nhờ sự hỗ trợ sát sao này, dù khối lượng công việc rất lớn, quá trình thẩm định vẫn hoàn thành đúng tiến độ và đáp ứng yêu cầu của SAI.
Điều đáng chú ý đó là quản trị doanh nghiệp của Hợp Trí rất bài bản và chuyên nghiệp. Đây là minh chứng cho sự chuẩn bị tốt từ đầu của họ trong việc phát triển bền vững. Nhờ vậy, các vấn đề liên quan đến số liệu và báo cáo được xử lý một cách trơn tru, không gặp trở ngại lớn. Chính sự phối hợp chặt chẽ giữa Vietcap, Hợp Trí và các đơn vị thẩm định đã tạo niềm tin vững chắc cho nhà đầu tư và doanh nghiệp.
Ông Huỳnh Nhật Trình, Trưởng Bộ phận Tư vấn Tài chính Doanh nghiệp (Corporate Finance) đại diện Vietcap nhận giải Tổ chức tư vấn M&A tiêu biểu 2023-2024 |
Điểm hấp dẫn của Hợp Trí là gì để có thể thu hút nhà đầu tư Nhật Bản, ngoài NĐT Nhật Bản còn các nhà đầu tư nào khác quan tâm?
Hợp Trí thực sự có nhiều điểm thu hút nhà đầu tư Nhật Bản, đặc biệt với lịch sự hoạt động bền vững hơn 20 năm và cách vận hành chuyên nghiệp cùng với nền tảng kinh doanh rất vững chắc. Đây là một trong những doanh nghiệp hiếm hoi ở Việt Nam mà sản phẩm có thể cạnh tranh ngang ngửa với các tập đoàn đa quốc gia. Thêm vào đó, sản phẩm của Hợp Trí từ lâu đã được nông dân tin dùng vì chất lượng cao và phù hợp với nhu cầu thị trường.
Ngoài SAI, thương vụ này cũng thu hút sự quan tâm từ hai nhà đầu tư khác. Một trong số đó là một nhà đầu tư đa quốc gia khác, họ không chỉ đưa ra mức giá tốt hơn mà còn cam kết thực hiện giao dịch nhanh chóng. Nhưng sau cùng, cổ đông của Hợp Trí đã chọn SAI. Lý do là có sự đồng điệu trong tầm nhìn dài hạn và văn hóa doanh nghiệp giữa hai bên. Đây không chỉ là một lựa chọn tài chính mà còn mang tính chiến lược, vì SAI – thuộc tập đoàn Sumitomo Corporation – có khả năng cung cấp nguồn lực quản trị, kinh nghiệm dày dặn và cơ hội mở rộng thị trường trong khu vực.
Về phần Vietcap, trong vai trò tư vấn, đã hỗ trợ Hợp Trí không chỉ ở khía cạnh định giá mà còn trong việc xây dựng cấu trúc giao dịch phù hợp và các điều khoản hợp đồng quan trọng. Chúng tôi làm việc để đảm bảo mọi thứ hài hòa lợi ích giữa các bên, đồng thời giúp Hợp Trí tối ưu hóa giá trị công ty nhưng vẫn thu hút được nhà đầu tư. Những điều chỉnh chiến lược và tư vấn mà Vietcap đưa ra đã giúp doanh nghiệp sẵn sàng cho một giai đoạn phát triển mới với đối tác như SAI.
Cụ thể, từ deal phức tạp là Hợp trí và kinh nghiệm tư vấn IB hàng đầu thị trường Việt Nam, ông có thể chia sẻ, các doanh nghiệp Việt cần chuẩn bị gì để tận dụng, đón đầu cơ hội từ dòng vốn M&A?
Các nhà đầu tư nước ngoài thường sở hữu hệ thống quản trị chuyên nghiệp, với kinh nghiệm quản lý, kinh doanh và vận hành doanh nghiệp vượt xa so với phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam. Họ ưu tiên các yếu tố phát triển bền vững và chú trọng lợi nhuận dài hạn hơn là mục tiêu ngắn hạn. Do đó, việc chuyên nghiệp hóa doanh nghiệp kết hợp với tầm nhìn dài hạn về phát triển bền vững là những điều kiện cơ bản để thu hút vốn từ nhà đầu tư nước ngoài.
Tuy nhiên, một trong những rào cản lớn đối với các doanh nghiệp Việt Nam là vấn đề quản trị dữ liệu. Mặc dù có nhiều doanh nghiệp hoạt động rất hiệu quả, nhưng việc theo dõi và quản lý dữ liệu thường thiếu sự đồng bộ và hệ thống. Hầu hết các doanh nghiệp tập trung vào khía cạnh kinh doanh mà chưa chú trọng đến việc chuyên nghiệp hóa vận hành và xây dựng hệ thống quản trị minh bạch.
Kết quả là, một số thương vụ M&A không thể tiến hành thành công do thiếu dữ liệu minh chứng hoặc không đủ tài liệu hỗ trợ để chứng minh triển vọng kinh doanh của doanh nghiệp. Vì vậy, việc thiết lập hệ thống quản lý dữ liệu đầy đủ, đồng bộ và minh bạch sẽ là yếu tố then chốt để các doanh nghiệp Việt Nam đón đầu cơ hội từ dòng vốn M&A.
Mở rộng hơn từ thương vụ trên, ông cho biết, “style” của nhà đầu tư Nhật, các dòng vốn ngoại khác với thị trường M&A Việt Nam ra sao?
Các nhà đầu tư Nhật Bản nổi tiếng với phong cách đầu tư thận trọng và chú trọng đến sự bền vững. Họ thường tìm kiếm các doanh nghiệp có lịch sử hoạt động lâu năm, thương hiệu mạnh, và kết quả kinh doanh ổn định. Những yếu tố này giúp họ đánh giá được tiềm năng lâu dài và mức độ rủi ro thấp của khoản đầu tư.
Đặc trưng trong quy trình ra quyết định của nhà đầu tư Nhật là phương pháp tiếp cận từ dưới lên (bottom-up), tức là các bộ phận liên quan sẽ cần đạt được sự đồng thuận trước khi cấp trên đưa ra quyết định cuối cùng. Điều này khiến quá trình đánh giá và phê duyệt đầu tư mất nhiều thời gian hơn so với các nhà đầu tư đến từ các quốc gia khác, chẳng hạn như Mỹ hoặc châu Âu, vốn thường ưu tiên tốc độ và hiệu quả ra quyết định.
So với Nhật Bản, các dòng vốn ngoại khác như từ Mỹ, châu Âu hay các quỹ đầu tư toàn cầu có xu hướng năng động hơn, sẵn sàng chấp nhận mức độ rủi ro cao hơn để đổi lấy lợi nhuận tiềm năng lớn hơn. Họ thường quan tâm đến các công ty có tiềm năng tăng trưởng nhanh, đặc biệt là trong các ngành công nghệ, tiêu dùng và dịch vụ mới nổi, ngay cả khi doanh nghiệp chưa có lịch sử hoạt động lâu dài.
Sự khác biệt này tạo nên những phong cách đầu tư riêng biệt, và để tận dụng cơ hội từ dòng vốn Nhật Bản, các doanh nghiệp Việt Nam cần chú trọng vào việc xây dựng sự ổn định, bền vững và một hồ sơ doanh nghiệp minh bạch, đáng tin cậy.
Ông có góc nhìn gì về thị trường M&A 2025, động lực đến từ đâu?
Hiện tại, các nhà đầu tư vẫn tích cực tìm kiếm cơ hội tại Việt Nam, với sự quan tâm đặc biệt đến các ngành như giáo dục, y tế, và tiêu dùng – những lĩnh vực có tiềm năng tăng trưởng bền vững và đáp ứng nhu cầu thiết yếu của xã hội. Đây tiếp tục là những động lực chính thúc đẩy thị trường M&A trong giai đoạn tới.
Tuy nhiên, một thách thức lớn là số lượng các công ty mục tiêu phù hợp với yêu cầu của nhà đầu tư đang ngày càng thu hẹp. Các doanh nghiệp có nền tảng vững chắc, quản trị chuyên nghiệp, và khả năng tăng trưởng dài hạn – vốn là tiêu chí quan trọng của các nhà đầu tư – không còn nhiều. Điều này có thể khiến các thương vụ M&A trong năm 2025 gặp khó khăn hơn.
Ngoài ra, bối cảnh kinh tế vĩ mô và sự thay đổi liên tục trong các quy định pháp lý cũng sẽ ảnh hưởng đến khả năng và tốc độ thực hiện các thương vụ. Tuy vậy, nếu các doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục cải thiện tính minh bạch và chuẩn hóa quản trị, cùng với việc tận dụng sự quan tâm từ dòng vốn quốc tế, thị trường M&A vẫn có tiềm năng đạt được những kết quả tích cực trong năm 2025.