Sự hồi phục tốt của thị trường chứng khoán được hỗ trợ bởi các yếu vĩ mô như lãi suất định hình xu hướng giảm, dòng tiền có phần dịch chuyển từ kênh tiết kiệm sang chứng khoán. Ghi nhận ở nhiều công ty chứng khoán cho thấy, có lượng tiền mới chảy vào thị trường.
Bên cạnh câu chuyện lãi suất tiết kiệm giảm, các chính sách ưu đãi phí giao dịch, ưu đãi lãi suất margin được triển khai tại nhiều công ty nhờ chi phí vốn giảm, giúp các nhà đầu tư tham gia thị trường cũng được hưởng lợi từ các chính sách ưu đãi giảm phí, giảm lãi vay margin khi tham gia giao dịch giai đoạn này.
Điển hình như CTCP Chứng khoán Vietcap (mã chứng khoán VCI), trong tháng 7 công bố, đã ký kết hợp đồng tài trợ khoản vay trị giá 45 triệu USD, tương đương 1.062 tỷ đồng. Khoản vay được Ngân hàng Shanghai Commercial and Savings Bank, Ltd. thu xếp thông qua chi nhánh Offshore Banking với lãi suất ngắn hạn dựa trên thị trường tiền tệ quốc tế. Việc mở rộng khoản vay nước ngoài với nguồn vốn lớn và chi phí cạnh tranh sẽ giúp Vietcap có thêm nguồn lực để đẩy mạnh hoạt động kinh doanh của Công ty.
Với tiềm năng về quy mô vốn lớn, thương hiệu uy tín, liên tục dẫn đầu thị phần môi giới tổ chức (nhà đầu tư nước ngoài), Top 10 thị phần môi giới trên HOSE, HNX, Vietcap có đủ điều kiện để có thể chủ động đưa ra các chương trình ưu đãi về phí giao dịch, lãi suất margin, kết hợp các báo cáo chất lượng, đội tư vấn chuyên nghiệp để đồng hành cùng khách hàng trong việc gia tăng hiệu quả đầu tư.
Cụ thể, mới đây, Vietcap đã áp dụng mặt bằng lãi suất mới theo hướng giảm xuống, trung bình 13,5%/năm, đồng thời tung chương trình “lãi suất ưu đãi - đầu tư siêu lãi” với hạn mức không giới hạn, lãi suất từ 11,5 - 13,5%/năm. Vietcap cũng triển khai chương trình ưu đãi "Miễn phí cả năm 2023 - Thỏa sức giao dịch phái sinh cùng Vietcap".
Trên thực tế, nếu nhà đầu tư sử dụng margin một cách hiệu quả, việc giảm chi phí đầu vào cộng với tận dụng cơ hội sinh lợi trên thị trường quý II/2023 sẽ giúp gia tăng đáng kể tỷ suất lợi nhuận đầu tư trong giai đoạn này.
Với diễn biến thị trường như trên, kết thúc quý II/2023, Vietcap ghi nhận doanh thu hoạt động đạt 501 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 131 tỷ đồng. Trong đó, các mảng hoạt động mang về nguồn thu lớn nhất vẫn là cho vay, môi giới và tự doanh.
Cụ thể, mảng đóng góp doanh thu lớn nhất là lãi từ cho vay và phải thu ghi nhận 169 tỷ đồng. Tại thời điểm 30/6/2023, dư nợ cho vay của Vietcap tăng nhẹ lên 5.400 tỷ đồng (chủ yếu là dư nợ margin gần 5.300 tỷ đồng).
Trong kỳ, lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) đạt 101 tỷ đồng, trong khi lỗ từ FVTPL chỉ ở mức gần 36 tỷ đồng. Lãi từ các tài sản tài chính sẵn sàng để bán (AFS) đạt 61 tỷ đồng.
Danh mục đầu tư của Vietcap luôn được thị trường quan tâm, đặc biệt danh mục AFS có giá gốc đầu tư hơn 3.500 tỷ đồng, tăng hơn 1.000 tỷ đồng so với đầu năm. Trong khi đó, giá trị thị trường lên đến gần 5.900 tỷ đồng, tương ứng chênh lệch tăng gần 2.500 tỷ đồng.
Các cổ phiếu có tỷ trọng lớn trong danh mục tự doanh của Vietcap tại thời điểm cuối quý II/2023 là KDH, IDP, MSN. Đặc biệt, khoản đầu tư vào Sữa Quốc tế (mã IDP) đang tạm lãi đến hơn 2.200 tỷ đồng, nhưng chưa ghi nhận vào kết quả kinh doanh. Ngoài ra, Vietcap còn phân bổ vào nhiều mã như HPG, CTG, VNM, MWG, BCM.. với giá gốc vài chục tỷ đồng trên mỗi cổ phiếu.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, Vietcap ghi nhận doanh thu hoạt động đạt 1.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 211 tỷ đồng, hoàn thành 21% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Riêng về mảng IB, trong bối cảnh thị trường chung không thuận lợi từ năm 2022 tới nay đã ảnh hưởng đến tiến độ các deal tư vấn của ngành nói chung. Trong đại hội cổ đông thường niên 2023, lãnh đạo Vietcap cho biết, vẫn tiếp tục tập trung thế mạnh IB, nhưng nhìn nhận nửa đầu năm tình hình thị trường sẽ không thuận lợi, chỉ thực sự khởi sắc từ khoảng quý III/2023.
Từ trước đến nay, chiến lược của Vietcap là khi thị trường bùng nổ, mảng IB sẽ tập trung cho IPO, còn thị trường đi ngang và đi xuống thì chuyển qua M&A. Lãnh đạo Vietcap dự báo, cuối năm nay, thị trường M&A sẽ bùng nổ hơn.