VietBank (VBB) hoàn tất phát hành 100 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ bổ sung vốn cấp 2

VietBank (VBB) hoàn tất phát hành 100 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ bổ sung vốn cấp 2

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ngân hàng VietBank (VBB) cho biết, đã hoàn tất đợt phát hành 10.000 trái phiếu riêng lẻ, (tương đương 100 tỷ đồng tính theo mệnh giá 10 triệu đồng/trái phiếu). Kỳ hạn của trái phiếu là 7 năm. Ngày phát hành là 11/11/2021 và ngày đáo hạn 11/11/2028.

Lô trái phiếu trên của VietBank được chào bán cho một nhà đầu tư tổ chức trong nước là Công ty quản lý Quỹ Thiên Việt.

Loại hình trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không được đảm bảo bằng tài sản của VietBank, thỏa năm các điều kiện để tính vào vốn cấp 2 của VietBank theo quy định hiện hành của pháp luật.

Về lãi suất, trong năm đầu bằng lãi suất tham chiếu cộng 2,5%/năm và hai năm cuối lãi suất bằng lãi suất tham chiếu cộng 3,5%/năm.

Trong đó, lãi suất tham chiếu dùng để xác định lãi suất đối với kỳ tính lãi là bình quân lãi suất tiền gửi tiết kiệm cá nhân bằng VND, trả sau kỳ hạn 12 tháng (hoặc mức lãi suất của kỳ hạn tương đương) được công bố tại ngày xác định lãi suất trên trang thông tin điện tử của 4 ngân hàng thương mại có vốn nhà nước (Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank). Kỳ hạn thanh toán 1 năm 1 lần.

Mục đích của đợt phát hành trên theo HĐQT VietBank là nhằm tăng quy mô vốn cấp 2 của Ngân hàng, tạo thêm nguồn vốn trung, dài hạn dể cho vay, đáp ứng nhu cầu của khách hàng, đảm bảo các tỷ lệ an toàn vốn hoạt động tneo quy định của NHNN.

Trước đó, vào đầu tháng 4/2021, NHNN chấp thuận cho VietBank tăng vốn điều lệ thêm hơn 586,62 tỷ đồng từ nguồn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của năm 2017 - 2019.

Sau khi thực hiện các thủ tục liên quan để hoàn tất việc tăng vốn, vốn điều lệ của VietBank sẽ đạt trên 4.776 tỷ đồng.

Việc tăng vốn điều lệ này sẽ giúp VietBank nâng cao năng lực tài chính, củng cố các tỷ lệ an toàn trong hoạt động trong đó có hệ số an toàn vốn (CAR). VietBank đã hoàn thiện và áp dụng cả 3 trụ cột theo chuẩn Basel II.

Tuy nhiên, so với các ngân hàng trong hệ thống thì vốn điều lệ của VietBank hiện vẫn khá "móng" để đáp ứng các quy định theo thông lệ quốc tế cũng như nâng cao năng lực tài chính. Vì thế, ngân hàng đã phát hành thêm trái phiếu bổ sung vốn cấp 2 nhằm đảm bảo các tỷ lệ an toàn vốn.

Trên thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu VBB đóng phiên ngày 24/11 ở mức 21.800 đồng/cổ phiếu, tăng trên 16% trong một tuần qua.

Về kết quả kinh doanh, lãi trước thuế lũy kế 9 tháng đầu năm của Vietbank đạt 395 tỷ đồng, tăng 5,6%. Như vậy, nếu so với kế hoạch kinh doanh "tối thiểu" mà Ngân hàng đề ra tại kỳ đại hội cổ đông (ĐHCĐ) thường niên 2021 thì VietBank đã hoàn thành kế hoạch 390 tỷ đồng lãi trước thuế của năm 2021.

Tuy nhiên, nếu so với mục tiêu lợi nhuận "phấn đấu" ở mức 1.100 tỷ đồng lãi trước thuế cho năm 2021 thì Vietbank chỉ mới thực hiện được 36%.

Đáng chú ý, trong 9 tháng đầu năm, nợ xấu của Vietbank đã tăng 58,5% lên 1.244 tỷ đồng. Phần lớn nợ xấu VietBank xuất hiện trong quý III/2021 do ảnh hưởng của COVID-19 thời kỳ cao điểm.

Theo báo cáo tài chính quý III/2021 mới công bố, số dư nợ xấu của VietBank tính đến 30/9/2021 là 1.244 tỷ đồng, tăng 58,5% so với đầu năm.

Trong khi đó, dư nợ cho vay của Vietbank chỉ tăng 4,8% lên 46.957 tỷ đồng. Do vậy, tỷ lệ nợ xấu đã tăng đáng kể từ mức 1,75% tại thời điểm đầu năm lên 2,65% cuối quý III.

Tính riêng trong quý III/2021, nợ xấu đã tăng thêm gần 360 tỷ đồng, chủ yếu tại nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) và nhóm 4 (nợ nghi ngờ).

Tin bài liên quan