Vietbank: Mục tiêu Top 15 ngân hàng lớn nhất

Vietbank: Mục tiêu Top 15 ngân hàng lớn nhất

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Một trong những mục tiêu của Vietbank trong giai đoạn sắp tới là “Top 15 ngân hàng thương mại có quy mô tổng tài sản lớn nhất vào năm 2025”.

Năm 2020, Vietbank đạt tổng tài sản 91.505 tỷ đồng, hoàn thành 102% kế hoạch và tăng 33% so với năm 2019; tổng huy động vốn gồm giấy tờ có giá 69.530 tỷ đồng, tăng 33,8% so với năm 2019; hoạt động kinh doanh ngoại hối mang lại gần 38 tỷ đồng lợi nhuận, hoàn thành vượt mức kế hoạch và tăng 402% so với năm 2019; số lượng khách hàng mới đạt 64.000, tăng 42% so với năm 2019…

Đây là những điểm sáng, là đòn bẩy để Vietbank có thể tiếp tục tăng trưởng về quy mô, cải thiện những điểm còn hạn chế, nỗ lực vươn mình ra biển lớn.

Năm 2021 là năm mở đầu nhiệm kỳ mới, giai đoạn hoạt động mới của Vietbank với định hướng tăng tốc 30%, tăng trưởng quy mô, đồng hành và chia sẻ cùng khách hàng trong mùa Covid-19, đồng thời tập trung đầu tư xây dựng nền tảng vững chắc về nhân sự, công nghệ, quản trị rủi ro theo tiêu chuẩn quốc tế để đáp ứng cho chiến lược phát triển lâu dài được ổn định và bền vững.

Năm nay, Ngân hàng Nhà nước giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho Vietbank là 4,5%, tương đương tối đa 51.267 tỷ đồng. Với chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng này, Vietbank đặt mục tiêu dư nợ tín dụng đạt 51.267 tỷ đồng; tổng tài sản tăng 20%, lên 110.000 tỷ đồng; tổng huy động vốn tăng 21%, đạt 84.000 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế 390 tỷ đồng, tăng 2,6% so với năm 2020; tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 2%.

Trong trường hợp được Ngân hàng Nhà nước xem xét điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, Vietbank phấn đấu lợi nhuận trước thuế năm 2021 đạt 1.100 tỷ đồng, gấp 3 lần năm 2020; tổng tài sản 120.000 tỷ đồng, tăng 31%; dư nợ tín dụng 60.000 tỷ đồng, tăng 22%; huy động từ khách hàng (gồm giấy tờ có giá) 91.000 tỷ đồng, tăng 31%.

Năm ngoái, Vietbank đạt lợi nhuận trước thuế hơn 380 tỷ đồng, sau khi thực hiện nghĩa vụ thuế và trích lập các quỹ còn gần 255 tỷ đồng, Ngân hàng giữ lại lợi nhuận không chia hơn 214 tỷ đồng.

Vietbank được biết đến là ngân hàng trẻ nhất ngành, thành lập năm 2007. Trong gần 14 năm hoạt động, Vietbank đã nỗ lực vượt qua nhiều giai đoạn khó khăn, biến động của nền kinh tế nói chung và từ nội tại nói riêng. Ngân hàng luôn trong tâm thế chủ động, từng bước khẳng định nền tảng nội lực và đạt lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh, quản lý tốt rủi ro, kiên định với mục tiêu hoạt động “tăng trưởng, an toàn, bền vững và hiệu quả”, quyết tâm đưa thương hiệu Vietbank đến gần hơn với khách hàng.

Phương án cơ cấu lại hoạt động giai đoạn 1 (2013 - 2015) đã được Vietbank triển khai thành công, đáp ứng tất cả các yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước về các vấn đề trọng yếu như trở thành công ty đại chúng, không có tình trạng sở hữu chéo, tỷ lệ nợ xấu đưa về ngưỡng dưới quy định… Thực hiện Quyết định 1058/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước về việc tất cả các ngân hàng đều phải xây dựng Phương án cơ cấu lại hoạt động giai đoạn 2 (2016 - 2020), Vietbank đã tự xây dựng Phương án cơ cấu lại hoạt động gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020, hướng đến xây dựng ngân hàng phát triển lành mạnh và được Ngân hàng Nhà nước thông qua, cho triển khai thực hiện.

Một trong những mục tiêu của Vietbank trong giai đoạn sắp tới là “Top 15 ngân hàng có quy mô tổng tài sản lớn nhất vào năm 2025”.

Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản đồng ý cho Vietbank tăng vốn điều lệ thêm gần 587 tỷ đồng từ nguồn lợi nhuận giữ lại năm 2017 - 2019. Sau khi hoàn tất thủ tục, vốn điều lệ của Vietbank sẽ tăng lên mức gần 4.777 tỷ đồng. Dự kiến, trong quý II/2021, Ngân hàng sẽ hoàn tất các thủ tục tăng vốn điều lệ.

Vietbank cho biết, trong năm 2020, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp cũng như tình trạng hồ sơ đăng ký niêm yết mới của các công ty đại chúng tại tại HOSE bị hoãn chưa giải quyết do hệ thống quá tải, nên việc niêm yết trên thị trường chứng khoán đối với cổ phiếu của Vietbank chưa được thực hiện. Ngân hàng sẽ tiếp tục triển khai kế hoạch niêm yết trong thời gian tới.

Tin bài liên quan