VietABank (VAB - UPCoM) vừa công bố báo cáo tài chính quý IV/2021, với lợi nhuận trước thuế cả năm đạt hơn 844 tỷ đồng, tăng 107,1% so với cùng kỳ năm trước, vượt 28,3% kế hoạch năm.
Cụ thể, mảng tín dụng, nguồn thu nhập chính của VietABank thu về hơn 560 tỷ đồng trong quý IV/2021, tăng 220% so quý cùng kỳ năm trước đó. Hoạt động dịch vụ của VietABank giảm 27,3% trong quý IV/2021, chỉ đạt 19,4 tỷ đồng. Kinh doanh ngoại hối của ngân hàng này trong quý cuối năm 2021 giảm 28,6%.
Lãi thuần từ chứng khoán đầu tư của VietABank trong quý IV/2021 ghi nhận lỗ 0,2 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước đó âm 0,7 tỷ đồng.
Trong khi đó, lãi thuần từ chứng khoán kinh doanh trong quý cuối năm 2021 của Ngân hàng tăng hơn 777% so với quý cùng kỳ năm trước đó, mang về cho VietABank 11,5 tỷ đồng.
Lũy kế cả năm 2021, VietABank ghi nhận 1.551 tỷ đồng lãi thuần, tương đương tăng 18,4% so với cùng kỳ năm 2020. Hoạt động dịch vụ tăng hơn 147% khi ghi nhận trên 40,8 tỷ đồng. Kinh doanh ngoại hối giảm 69,9% so với năm 2020, chỉ đạt 10,2 tỷ đồng.
Còn lãi thuần từ mảng chứng khoán đầu tư và chứng khoán kinh doanh vẫn ghi nhận lần lượt 53,8 tỷ đồng (tăng hơn 234% so với cùng kỳ năm 2020) và đạt 60,2 tỷ đồng (trong khi cùng kỳ năm 2020 chỉ đạt 1,28 tỷ đồng).
Tổng thu nhập hoạt động của VietABank trong quý IV/2021 tăng 57,5% so quý cùng kỳ, nhưng lũy kế cả năm chỉ tăng 10,8%, đạt 1.973 tỷ đồng.
Chi phí hoạt động trong quý cuối năm của Ngân hàng cũng tăng 13,4%, lũy kế cả năm 2021 tăng 7,3%, lên trên 661 tỷ đồng. Chi phí dự phòng rủi ro trong quý IV/2021 của VietABank tăng hơn 234%, lên 243 tỷ đồng.
Tuy nhiên, lũy kế cả năm qua dự phòng Ngân hàng này chỉ ở mức 468,3 tỷ đồng, giảm 38,2% so với cùng kỳ. Nguyên nhân khiến chi phí dự phòng rủi ro năm 2021 giảm là do Ngân hàng đã tất toán toàn bộ trái phiếu VAMC từ tháng 8/2020, nhờ đó giảm áp lực về trích lập dự phòng rủi ro trái phiếu VAMC.
Kết quả, quý IV/2021, VietABank vẫn báo lãi trước thuế tăng 34% so quý cùng kỳ, đạt 322 tỷ đồng. Tính cả năm 2021, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt hơn 844 tỷ đồng, vượt 28,3% so với kế hoạch đại hội cổ đông giao đầu năm.
Đến cuối năm 2021, tổng tài sản của VietABank tăng 16,8% lên 101.038 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng tăng trưởng 12,6% lên 54.459 tỷ đồng. Số dư tiền gửi khách hàng cũng tăng trưởng 14,2%, đạt 67.691 tỷ đồng.
Còn về chất lượng cho vay, đến cuối năm qua nợ xấu nội bảng của ngân hàng này giảm 9% xuống còn 1.012 tỷ đồng. Trong đó, nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) giảm hơn 98% xuống còn hơn 9 tỷ đồng.
Tỷ lệ nợ xấu của VietABank đã có sự cải thiện khi giảm từ mức 2,3% hồi đầu năm xuống còn 1,86% tính đến cuối năm 2021.
Trên thị trường chứng khoán, kết phiên ngày 26/1 giá cổ phiếu VAB của VietABank trên sàn UpCom chỉ đạt 14.800 đồng/cổ phiếu, giảm nhẹ trong tuần qua.
Về cơ cấu cổ đông, tính đến ngày 25/6/2021, VietABank có 1.913 cổ đông và không có cổ đông nước ngoài. Trong đó, có hai cổ đông nhà nước chiếm 3,74% vốn điều lệ ngân hàng, 32 cổ đông tổ chức (32,16%) và 1.879 cổ đông cá nhân (64,1%).
VietABank hiện có một cổ đông lớn là Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư Việt Phương với tỷ lệ sở hữu 12,21% cổ phần của Ngân hàng.
Vào tháng 8/2020 một cổ đông lớn khác là Công ty cổ phần Rạng Đông đã giảm sở hữu tại VietABank từ 32,69 triệu cổ phiếu (tương đương tỷ lệ sở hữu 7,35%) xuống còn 21,72 triệu cổ phiếu (tương đương tỷ lệ sở hữu 4,88%), ngay sau khi cổ phiếu VAB được đưa lên thị trường UPCoM.
Hiện trong ban lãnh đạo, ông Phương Hữu Việt - Thành viên HĐQT, nguyên Chủ tịch HĐQT VietABank và cũng là Cựu Chủ tịch Tập đoàn đầu tư Việt Phương, sở hữu lớn nhất với 20,2 triệu cổ phiếu, tương ứng 4,55% vốn điều lệ của ngân hàng.
Ngày 20/1 vừa qua, VietABank chốt danh sách trả cổ tức năm 2020 cho cổ đông. Theo đó, VietABank sẽ phát hành 95 triệu cổ phiếu để chia cổ tức theo tỷ lệ 21,35% (cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ được nhận 21,35 cổ phiếu mới).
Sau khi phát hành thành công, vốn điều lệ của ngân hàng dự kiến sẽ tăng từ mức 4.450 tỷ đồng lên mức gần 5.400 tỷ đồng.