Viết từ vùng đáy thị trường

Viết từ vùng đáy thị trường

(ĐTCK) Việc ta vội vàng xem TTCK như ‘con bò sữa’ có nghĩa vụ cung vốn cho nền kinh tế là sai lầm. 

Năm 2011, một lần nữa thử thách lại đến với TTCK Việt Nam..

Lần này, ngoài những lý do kinh tế ảm đạm, lạm phát và lãi suất tăng cao, còn có nguyên nhân bị ‘phân biệt đối xử’ từ bên ngoài và những yếu kém bộc lộ bên trong thị trường.

Tại sao tôi gọi là phân biệt đối xử? Là vì chứng khoán (cùng với địa ốc) đã bị xếp vào lĩnh vực phi sản xuất. Do là phi sản xuất nên không được quan tâm đối xử bình đẳng như sản xuất, bị coi nhẹ, xem thường, là lĩnh vực không khuyến khích.

Hơn thế nữa, đây đó vẫn còn cách nhìn sai, hiểu lệch về chứng khoán, cho đó là đỏ đen, cờ bạc, là không ích lợi... Chưa bao giờ các lời lẽ yếm thế bi quan để mô tả hay ám chỉ chứng khoán lại được dùng nhiều và phổ biến như năm qua, với ra rìa, hắt hủi, ghẻ lạnh, rẻ hơn rau...

Không có sự thông hiểu và tín hiệu nâng đỡ, chứng khoán đã bị rẻ rúng, thị trường chùng xuống sâu hơn mỗi ngày. Nhà đầu tư không chịu nổi thua lỗ và sợ bị kẹt đã tháo lui. Công ty chứng khoán mất cân đối phải chòi đạp trong bế tắc, có cả những xoay xở liều lĩnh. Thị trường càng ế ẩm càng bộc lộ khuyết tật, bị xa lánh...

Trong bối cảnh đó, không ít quý khách (là chủ thể hay thực thể) từng hưởng lợi trực tiếp hay gián tiếp từ chứng khoán đã lại có những hành xử vô cảm hay thái quá với thị trường. Các trường hợp huy động vốn bằng mọi giá với quy mô chóng mặt, bất kể khả năng chịu đựng và sự mất mát sau đó của nhà đầu tư, đã làm cho thị trường xấu thêm.

Về mặt xã hội, sự nóng vội thu hoạch sớm, đặt yêu cầu huy động vốn lên ‘chính diện’ thị trường, xem đây mới là mặt tốt cần khuyến khích mà không hiểu tường tận lôgic vận động của thị trường, đặc biệt là về công dụng của hoạt động thứ cấp, đã vô tình làm lu mờ lực lượng cung vốn hay thậm chí phủ nhận quyền lợi và vai trò quyết định của nhà đầu tư.

Nhà đầu tư giao dịch mua đi bán lại có lúc bị cho là tiêu cực, như kẻ thủ vai ‘phản diện’ trong kịch bản chứng khoán. Câu hỏi vốn từ đâu ra và cần làm gì để nuôi nguồn cung vốn đã không, hay ít thấy được nêu thành tiêu chí thị trường.

Thế nên, khi thị trường trầm lắng và DN không huy động được vốn, họ (là DN nhưng không chỉ có DN) đã đơn giản kết luận thị trường không đáp ứng vai trò là kênh dẫn vốn cho nền kinh tế và quay sang chê trách thị trường. Khúc đuôi ‘nền kinh tế’ ở đây có vẻ đã bị hiểu lệch thành mệnh lệnh hành chính.

Thật ra, việc ta vội vàng xem TTCK như ‘con bò sữa’ có nghĩa vụ cung vốn cho nền kinh tế là sai lầm.

Ngược lại, nên hiểu chính nơi nhà đầu tư đưa vốn vào mới cần là những con bò sữa. Nếu DN làm ăn không hiệu quả (không đem lại sữa) và nền kinh tế không ủng hộ họ (gây biếng ăn), họ sẽ chẳng mở túi đưa tiền. TTCK chỉ sắm vai trung gian, là cơ sở hạ tầng tạo chu chuyển dòng tiền.

Họ (nhà đầu tư) có ‘quyền’ tin hay không và hệ thống thị trường phải chăm sóc họ. Chấm hết. Ngắn gọn vậy nhưng có khối việc để làm và làm hoài không hết, lại không chỉ có Ủy ban Chứng khoán mà cần sự vận động đồng bộ của cả nền kinh tế, sự thông hiểu của xã hội, thì mới mong thu hút và duy trì lực lượng cung vốn.

 Viết từ vùng đáy thị trường  ảnh 1

Ông Huy Nam đang trao đổi với ông Dominic Scriven, Tổng giám đốc Dragon Capital bên lề Lễ trao giải Báo cáo thường niên xuất sắc nhất năm 2011

Cần đặt lại vấn đề như vậy để tránh ngộ nhận, để ta không phiến diện nặng bên ‘cầu’ mà nhẹ bên ‘cung’, xem trọng anh sản xuất và coi thường kẻ đưa tiền (đầu tư tài chính).

Sở dĩ tôi đi sâu chỗ này vì cách hiểu và nhìn về TTCK của nhiều người (cả những người có tiếng nói ảnh hưởng) đến nay vẫn còn quá đơn giản.

Chẳng hạn, là chỗ giữ lửa cho thị trường, để bơm năng lượng vào mạch sống DN (và nền kinh tế), việc mua đi bán lại ở kênh thứ cấp từng bị cho là không ích lợi, kém đàng hoàng.

Họ không thấy (hay không chịu thấy) nhờ đâu mà năm/bảy năm qua nhiều DN ở ta đã vươn mình lớn lên như Phù Đổng. Họ chỉ thấy tiền mua bán chứng khoán chạy từ túi này qua túi nọ như ‘đánh bài’ mà không nhận ra rằng, trước khi có sự chạy qua chạy lại đó, nhiều trăm ngàn tỷ đồng nằm chết trong túi đại chúng đã được đánh thức và quăng vào guồng sản xuất kinh doanh, đem lại phồn thịnh cho xã hội.

Bên cạnh đó, không ít người đã biết TTCK qua các bảng điện đỏ đỏ xanh xanh, nhưng lại chưa biết đó chỉ là bề nổi của tảng băng, mà phần chìm rộng lớn là sự vận động tích cực của cả nền kinh tế. Ngay như lĩnh vực ngân hàng, việc phát triển tầm cỡ như ngày nay cũng là nhờ đã dựa vào chứng khoán.

Nếu có ai nghĩ nhà đầu tư đã làm giàu dễ dàng trên TTCK thì họ có thể đã nhầm. Vì sự thật là hầu hết nhà đầu tư nhiều năm qua đã bị lỗ nặng. Khoản lỗ khổng lồ này, suy cho cùng, đã là nguồn lộc của nhiều DN tích được vốn to, trong đó không ít là các DN nhà nước cổ phần hóa... 

Những gì thị trường nói chung và nhà đầu tư nói riêng, đã làm được cho nền kinh tế là không nhỏ. Ngược lại, những gì nền kinh tế quan tâm đem lại cho TTCK là chưa tương xứng. Sự tập trung, ưu ái và yêu cầu xác lập vai trò, vị trí TTCK trong nền kinh tế chưa rõ ràng. Điều này đã làm cho nhà đầu tư và người quan tâm lo ngại. Đã vậy, năm 2011 khi thị trường quá khốn khó, phải kêu gọi sự chiếu cố thì cũng chỉ được xã hội động viên... có một nửa (giảm 50%) thuế thu nhập cá nhân.

Một khi thị trường chưa nhận được sự quan tâm tích cực với một chủ trương ủng hộ kiên định và nhất quán, thì cơ hội phát triển sẽ còn xa. Chỉ khi nào thị trường được nhìn nhận đầy đủ, đối xử bình đẳng, có chỗ đứng xứng đáng bằng chị bằng em trong nền kinh tế thì niềm tin mới trở lại.

Về nội tại thị trường, dù ta gọi những việc cần làm ngay là tái cấu trúc, tôi cho rằng việc tập trung củng cố, nâng cấp, sửa sai (correction) tận gốc rễ, từ môi trường DN cho đến hoạt động giao dịch thứ cấp, sẽ sát thực hơn. Là bởi, càng tập trung cho cái cụ thể ta sẽ tránh bỏ sót nhiều ‘việc nhỏ’ chưa làm và rất cần làm...

Từ những định hướng phát triển kinh tế nước nhà, đặc biệt là với ba lĩnh vực tái cấu trúc có tính sứ mệnh mà Chính phủ đang theo đuổi, tôi tin TTCK sẽ có chỗ đứng thuyết phục và quyết định. Một TTCK vững mạnh thì đó sẽ là nguồn lực chia sẻ hữu hiệu cho gánh nặng tài chính của hoạt động kinh tế nói chung.

Hơn nữa, khả năng vay nợ về lâu về dài, kể cả DN lẫn Chính phủ, nhiều phần chắc sẽ không còn dễ dàng như trước nữa. Chứng khoán sẽ là khoản thay thế cần thiết cho khoảng trống này. Ấy là chưa kể đến tác dụng của chiếc ‘hàn thử biểu’ chứng khoán trong điều hành /điều tiết vĩ mô, đặc biệt là về thị trường trái phiếu và chính sách lãi suất.

Vẫn là sự tin tưởng và mong đợi, tôi hy vọng những mất mát vừa qua trên thị trường sẽ không làm lu mờ vai trò và sự hấp dẫn vốn có của nền chứng khoán.

Hy vọng, chứng khoán và địa ốc sẽ được giải oan, sẽ được gỡ bỏ cái "vòng kim cô" phi sản xuất, nghĩa là không còn bị đặt ra ngoài chuỗi liên lập của hoạt động kinh tế quốc gia...