Nhiều năm làm ăn nơi phố thị, nhưng những ngày áp Tết, nhìn dòng người ngược xuôi tất bật, mà hành trang nào là túi nọ, buộc kia lên đường về quê ăn Tết, nỗi mong ngóng của tôi với Tết lại càng lớn hơn.
Tôi chính gốc nông thôn, nên cứ mãi mong Tết để về quê. Cũng như sống với lịch Dương mãi, nhưng từ khoảng tháng Chạp, tôi sẽ trở lại là con người của lịch Âm. Những ngày Tết, tôi thậm chí quên hẳn ngày, thứ, thay vào đó, chỉ biết ngày là bao nhiêu tháng Chạp, hay mồng mấy Tết.
Cái cảm giác háo hức ngóng Tết đã bắt đầu từ khi trên phố, người ta chăng thêm đèn điện để đón Noel. Từ khi đâu đó vang lên những giai điệu của bài Happy New Year của ABBA. Từ khi đào quất bắt đầu xuống phố.
Từ bữa đó, đã nghe Tết thật gần.
Cách Tết chừng cả tháng trời, đường Hà Nội lúc nào cũng tấp nập người xe, các con phố vốn đã chẳng rộng rãi gì thì nay trở nên chật chội hẳn. Người xe ken đặc.
Các chợ hoa Xuân mọc lên ở nhiều nơi. Đào thắm, mai vàng, quất đỏ tràn ra phố. Người người ra đường, trong dáng điệu cử chỉ dường như ai cũng vội.
Những ngày như vậy, tôi lại hay tìm cho một một góc phố, nơi “quán cóc liêu xiêu một câu thơ” để ngắm nhìn cái nô nức của thiên hạ.
Cái khoái cảm đôi khi lại nằm ở chỗ, đem cái nhàn hạ của mình mà ngắm nghía cái vội vàng của người khác. Dĩ nhiên, để đánh đổi điều đó, tôi cũng có nhiều lúc phải vắt chân lên cổ.
Hành trang về quê của tôi, năm nào cũng vậy, chẳng thể thiếu một cuốn lịch block cỡ đại, thêm ít bao lì xì đỏ chót và vài ba cuốn báo Xuân. Thói quen khó bỏ từ ngày lang thang kiếm cơm Hà Nội, từ ngày ngã vào nghề viết lách.
Các cụ ở quê thích đọc báo Tết, vì báo rất đẹp, lắm bài hay. Đã thế, lại rất thiết thực bởi sau khi đọc, ra Giêng, báo Tết còn nhiều công dụng khác như gói đồ, lót tủ quần áo.
Ngày bé, tôi đã hít hà không biết bao lần những tờ giấy báo gói thuốc Bắc. Thơm tho lắm. Và giờ, mấy ông lang gần nhà tôi, vẫn giữ thói quen gói thuốc bằng báo giấy.
Không giống báo, vòng đời của lịch lại dài hơn. Thói quen xé lịch hàng ngày vẫn còn chưa bỏ được. Lịch block chữ to, ngày Âm, ngày Dương dễ xem.
Năm nào cũng vậy, khi tôi mang cuốn lịch về, bố tôi lại ngồi hí hoáy, tháo lắp và treo lên. Nhìn cảnh đó, tôi thấy Tết thật gần. Cả cái cảm giác từ lúc cầm cuốn lịch Tết về quê, nghe cũng khác.
Dầu ngày nay, ở quê không còn có cái cảnh “Cột nhà hàng xóm lên câu đối” như trong thơ ông Nguyễn Bình, nhưng khí xuân đã theo đào quất, theo lá dong lũ lượt kéo về.
Tôi còn nhớ ngày bé, cứ chừng 25, 26 tháng Chạp, cả đoạn mương suối Hai ngoài cổng đồng quê lại đầy ắp người. Nhà nhà giữ thói quen mang lá dong ra rửa. Người ta mang theo một cái mâm, lá dong được trải lên đó, rồi lấy giẻ sạch rửa kỹ hai mặt, trong con nước đầy, trong veo.
Cũng vào tầm này, năm nào tôi cũng nhận trách nhiệm đi tảo mộ, thắp hương mời gia tiên về ăn Tết. Ở quê tôi, phần lớn mộ các cụ được chôn trên núi Quang.
Thường thì tôi sẽ đưa thêm cu tý nhà tôi ra, để truyền dần cho con mình cái nếp đó, cũng để nó nhận biết thêm về cuộc sống nông thôn. Từ trên núi, có thể nhìn xuống toàn bộ cánh đồng quê, nơi cất giữ bao nhiêu ký ức trong trẻo của tuổi thơ chăn trâu, đào chuột…
Những ngày cuối năm, người ra núi chủ yếu để tảo mộ. Dù chỉ là chút ít hoa quả, vài thẻ nhang và ít tiền vàng, nhưng rõ ràng, ai cũng cảm được cái ý nghĩa của việc làm đó. Với những người như tôi, hơn 300 ngày lo kiếm cơm thiên hạ, có chăng, cả năm cũng chỉ có được một lần, mượn dịp này để thắp nhang cho tiên tổ.
Từ khi nhà nước cấm pháo, trong hoài niệm của tôi, Tết cũng bớt vui nhiều. Dầu biết đó là chính sách, để hạn chế lãng phí và an toàn hơn, nhưng thú thực, như nhạc sĩ Bảo Thu đã viết trong “Nếu Xuân này vắng anh”, thì quả thực, giao thừa không tiếng pháo thật ảm đạm.
Cái mùi thuốc pháo, ít nhiều đã ám ảnh trong trí nhớ nhiều người, nay không còn, vị Xuân cũng khác.
Tôi vẫn tin rằng, tiếng pháo giao thừa không chỉ mang đến niềm hân hoan chào năm mới, mà thanh âm, ánh sáng ấy còn xua đi những điều tối tăm năm cũ.
Tôi đặc biệt thích cái khoảnh khắc giao thừa. Ngày nào ba cái kim của chiếc đồng hồ chẳng hai lần gặp nhau ở số 12, nhưng có lẽ, có một lần nó được mong chờ nhất là trong đêm 30. Cách giao thừa vài phút, như một thói quen, tôi thi thoảng lại liếc cái đồng hồ.
Cách nhà tôi chừng năm, sáu trăm mét có một xóm Đạo, và dầu không phải là con chiên của Chúa, nhưng tiếng chuông nhà thờ lúc giao thừa cũng đem lại nhiều xốn xang.
Hình như, nó là âm thanh đầu tiên tôi thường nghe được, trong trẻo vô cùng trong cái tĩnh lặng lúc trời đất chuyển giao.
Với tôi, giao thừa là khoảng thời gian nghỉ ngơi của đầu óc. Một lần để người ta thực sự tĩnh tại, nhìn lại mình, nhìn lại những gì đã làm được trong năm qua và mong chờ cho năm mới.
Trước giao thừa, vạn vật như giãn ra, tĩnh lặng, thư thái. Tôi cảm rằng, cỏ cây, hoa lá cũng dành cho mình những giây phút thực sự an yên.
Cái cảm giác của việc đợi chờ những giờ phút cuối cùng của năm cũ khó để gọi tên.
Nhìn bố tôi bưng mâm cúng ra sân, thành tâm thắp nhang, khấn vái, lễ bái khẩn cầu, lời thỉnh bay lên theo làn khói, trong mấy hạt mưa Xuân, trong tiếng đì đùng pháo hoa từ tận bên Việt Trì vọng lại, trong thoáng hương bưởi, hương cau nhẹ nhàng đâu đó, tôi mới cảm nhận được sự linh thiêng của Tết, của giá trị truyền thống, của hai chữ gia đình.
Dầu tiếc nuối nhiều điều không còn nữa của Tết xưa, nhưng tôi luôn rất vui trong hiện tại. Và tôi đã mang niềm hứng khởi đó với Tết để truyền cho con nhỏ của mình...