Viết tiếp câu chuyện các “xác sống” tại Cienco 8

Kỹ năng quản trị doanh nghiệp yếu kém, quản lý tài chính lỏng lẻo là nguyên nhân đẩy nhiều công ty con của Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 8 (Cienco 8) rơi vào vực phá sản.
Kỹ năng quản trị yếu, quản lý tài chính lỏng lẻo là nguyên nhân đẩy nhiều công ty con của Cienco 8 rơi vào vực phá sản

Kỹ năng quản trị yếu, quản lý tài chính lỏng lẻo là nguyên nhân đẩy nhiều công ty con của Cienco 8 rơi vào vực phá sản

Đồng bệnh tương lân

Có một sự giống nhau kỳ lạ trong cách giải thích của Cienco 8 về sự trượt dốc của hai công ty thành viên đang làm thủ tục phá sản là Công ty cổ phần Xây dựng công trình giao thông Việt - Lào và Công ty TNHH MTV Xây dựng công trình giao thông 892.

Cụ thể, hành trình trở thành “xác sống” của Công ty Việt - Lào bắt đầu từ năm 2010, khi các dự án mà đơn vị này trúng thầu liên tục bị đình hoãn do thiếu vốn. Do năng lực yếu kém, thi công chậm, nên công ty này đã bị chủ đầu tư cắt, điều chuyển khối lượng giao cho đơn vị khác thi công. Đây là hai lý do được lãnh đạo Tổng công ty dẫn giải cho tình trạng mất cân đối tài chính nghiêm trọng, lên tới hơn 80 tỷ đồng (tính đến ngày 31/12/2012) của Công ty Việt - Lào.

Trong khi đó, Công ty 892 bắt đầu bị thua lỗ lớn, mất cân đối hơn 108 tỷ đồng từ năm 2011 cũng với lý do tương tự trường hợp của Công ty Việt - Lào.

Điều trớ trêu là, theo ông Vũ Cao Đàm, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Cienco 8, từ ngày thành lập đến khi bắt đầu sa sút, cả Công ty 892 lẫn Công ty Việt - Lào đều hoàn thành tốt các dự án được giao, nộp ngân sách nhà nước đầy đủ, đời sống cán bộ - nhân viên được bảo đảm.

Được biết, ngoài hai đơn vị thành viên nói trên, Cienco 8 nhiều khả năng sẽ phải sớm đệ đơn lên Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) làm thủ tục phá sản cho hai công ty con khác nữa là Công ty 874 (lỗ tổng cộng 117 tỷ đồng) và Công ty 889 (lỗ 92 tỷ đồng)… Đây là những đơn vị mà Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp (DATC) đang bế tắc trong việc tìm phương án tái cơ cấu khả thi với các chủ nợ.

Theo một cán bộ của Cienco 8, hiện tại, tình hình tài chính của các đơn vị nói trên thậm chí còn tồi tệ hơn, khi nhiều khoản nợ mới đang tiếp tục bị lộ ra và phải cộng dồn các khoản lãi mẹ, lãi con không được thanh toán, xử lý dứt điểm.

Không có xuất phát điểm thuận lợi như nhiều Cienco khác của Bộ GTVT, các đơn vị thành viên của Cienco 8 có quy mô nhỏ, vốn ít, dẫn đến phụ thuộc nhiều vào ngân hàng. Trong khi đó, máy móc, thiết bị lạc hậu và thiếu, nên khi thi công phải thuê ngoài, nên chi phí bị đội rất nhiều.

Tại thời điểm 31/12/2012, tổng vốn chủ sở hữu thực tế tại 16 công ty con là 137 tỷ đồng, trong đó, 12/16 công ty có số vốn nhỏ hơn 10 tỷ đồng, 4/16 công ty có vốn nhỏ hơn 5 tỷ đồng. Quy mô này rõ ràng không tương xứng quy mô hoạt động sản xuất, không phù hợp với đặc thù thi công xây lắp (chi phí sản xuất lớn).

Bên cạnh đó, 2009 - 2011 là giai đoạn đỉnh điểm về khó khăn trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản, với việc một loạt dự án bị đình hoãn do thiếu vốn; biến động giá lớn…, nên những doanh nghiệp có năng lực yếu kém của Cienco 8 không trụ được là điều dễ hiểu.

Lỗi hệ thống

Theo Thanh tra Bộ GTVT, căn bệnh “xác sống” tại Cienco 8 xuất phát từ công tác quản trị doanh nghiệp quá yếu. Cụ thể, các đơn vị không xây dựng đủ quy chế nội bộ theo quy định của pháp luật về quản lý tài chính kế toán, không ban hành hệ thống định mức quản lý chi phí nội bộ, quy chế khoán quản ở các đơn vị ở đơn vị thực hiện khoán; công tác kế toán không được coi trọng, các phương pháp kế toán không được tuân thủ. Nhiều đơn vị bế tắc trong việc cung cấp số liệu, hồ sơ cho hoạt động thanh tra.

Liên quan tới công tác quản lý công nợ, Thanh tra Bộ GTVT cho biết, hầu hết các đơn vị thành viên của Cienco 8 không tuân thủ những nguyên tắc quản lý công nợ tối thiểu, khi cho ứng tùy tiện mà không hề kiểm soát quá trình vay, trả; không phân công rõ trách nhệm cá nhân trong quản lý nợ phải thu.

Không rõ vì lý do gì mà đội ngũ cán bộ quản lý (giám đốc, kế toán trưởng) các công ty con có năng lực quản trị kinh doanh, quản lý tài chính hạn chế vẫn được bổ nhiệm, sau đó thay đổi lên xuống liên tục. Có đơn vị thành viên 4 năm thay liền 4 giám đốc, kế toán trưởng, khi thay đổi không hề tiến hành bàn giao, xử lý vướng mắc tài chính, không quy được trách nhiệm với những tổn thất tài chính. Trong khi đó, người đại diện vốn nhà nước tuy có, nhưng gần như tê liệt, không hoạt động, không báo cáo, không kiểm soát.

Đáng lưu ý là, từ năm 2004 đến 2012, Kiểm toán Nhà nước đã 3 lần kiểm toán tại Cienco 8 và chỉ ra những yếu kém trong quản lý tài chính cũng như trong điều hành sản xuất, đồng thời kiến nghị xử lý tài chính, xử lý trách nhiệm. Tuy nhiên, Cienco 8 gần như không tiếp thu và tổ chức thực hiện. Ngoài ra, các đơn vị không thực hiện điều chỉnh số liệu kế toán theo yêu cầu của Kiểm toán Nhà nước, nên nhiều năm báo cáo tài chính không phản ánh đúng bản chất, đúng tình hình tài chính của doanh nghiệp.

Được biết, đối với trường hợp của Công ty Việt - Lào, bên cạnh việc quan tâm giải quyết, bảo đảm quyền lợi cho người lao động, vào tháng 3/2014, Bộ GTVT yêu cầu Cienco 8 tổ chức phá sản theo đúng quy định, tiến hành kiểm điểm trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan đến việc doanh nghiệp này lâm vào tình trạng thua lỗ nặng.

Tuy nhiên, cho đến nay, các yêu cầu trên vẫn chưa được các bên liên quan thực hiện, để lại những khoảng trống lớn về trách nhiệm đối với số phận của các “xác sống” vẫn đang vật vờ chờ ngày thực sự được “hóa kiếp”.

Tin bài liên quan