Việt Nam vay nợ là để phục vụ đầu tư phát triển

0:00 / 0:00
0:00
Quốc hội thông qua Dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 với mức bội chi 445.500 tỷ đồng.

Đây là mức bội chi khá lớn, nhưng theo ông Võ Hữu Hiển, Phó cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính), nếu so với GDP, thì mức bội chi này không hề cao và vẫn nằm trong Kế hoạch tài chính trung hạn 2021-2025.

Ông Võ Hữu Hiển, Phó cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính).

Ông Võ Hữu Hiển, Phó cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính).

Về số tuyệt đối, năm 2023, dự kiến bội chi 445.500 tỷ đồng, tăng 24.200 tỷ đồng so với năm 2022. Ông bình luận thế nào về con số này?

Năm 2022, dự kiến bội chi ngân sách nhà nước 421.300 tỷ đồng, tương đương 4,5% GDP, nhưng nếu trừ đi số tiền thực hiện Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết 43/2022/QH15, thì mức bội chi chỉ còn khoảng 4,09% GDP.

Năm 2023, Quốc hội đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5%, quy mô GDP tăng lên, vì thế, mặc dù về số tuyệt đối, bội chi năm 2023 tăng 24.200 tỷ đồng, nhưng về số tương đối so với GDP, thì bội chi chỉ bằng 4,42% GDP. Nếu trừ đi số tiền tiếp tục thực hiện Nghị quyết 43/2022/QH15, thì bội chi chỉ còn 2,89% GDP, nợ công đến cuối năm 2023 chỉ bằng khoảng 44-45% GDP.

Theo tôi, Dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 rất tích cực. Cụ thể, thu ngân sách chỉ tăng 0,4% so với số ước thực hiện năm 2022; tỷ lệ huy động vào ngân sách nhà nước chỉ khoảng 15,7% GDP, trong đó thu từ thuế và phí tương đương 13,3% GDP. Như vậy, Quốc hội, Chính phủ tiếp tục thực hiện nuôi dưỡng nguồn thu để phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Còn về chi, mặc dù lương cơ sở và các khoản phụ cấp theo lương sẽ tăng kể từ ngày 1/7/2023, nhưng chi thường xuyên chỉ tăng 5,4%, trong khi tổng chi tăng 16,3% vì dành nguồn lực tập trung cho đầu tư phát triển, tăng tới hơn 38% so với năm 2022.

Thưa ông, số bội chi này có ảnh hưởng đến kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công giai đoạn 2021-2025?

Xin lưu ý rằng, chỉ tiêu bội chi, nợ công chỉ căn cứ vào tỷ lệ tương đối so với GDP, chứ không căn cứ vào số tuyệt đối. Như vậy, mặc dù số tiền dành ra để thực hiện phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội năm 2023 nhiều hơn năm 2022, nhưng bội chi vẫn giảm mạnh. Khi Chính phủ tiếp tục thực hiện các giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế, hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2023 khởi sắc, GDP tăng trưởng cao hơn, thì cả bội chi lẫn nợ công đều giảm xuống.

Theo Kế hoạch tài chính trung hạn đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết 23/2021/QH15, thì tỷ lệ bội chi giai đoạn 2021 - 2025 bình quân 3,7% GDP. Trong tổ chức thực hiện, phấn đấu giảm bội chi xuống dưới 3,7% GDP; tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển đạt khoảng 29% tổng chi, giảm tỷ trọng chi thường xuyên xuống khoảng 60% tổng chi.

Năm 2023, theo dự toán, chi đầu tư phát triển đã tăng từ 32,6% năm 2022 lên tới 35%, trong khi chi thường xuyên chỉ còn 56,5% tổng chi. Bội chi giảm từ 4,09% GDP năm 2022 xuống còn 2,89% GDP.

Như vậy, cân đối ngân sách nhà nước năm 2022 đã tích cực, năm 2023 còn tích cực hơn nữa. Với cân đối như hiện nay, hoàn toàn thực hiện vượt các chỉ tiêu về tài chính trung hạn đã được Quốc hội đặt ra cho cả giai đoạn 2021-2025, mặc dù trong 2 năm đầu của giai đoạn 2021-2025, hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn chưa từng thấy do bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

Thưa ông, mặc dù tỷ lệ bội chi giảm, nhưng thực tế, nợ công vẫn tiếp tục gia tăng từ mức 43-44% GDP năm 2022 lên 44-45% GDP vào năm tới?

Nhiều đại biểu Quốc hội và chuyên gia kinh tế đặt câu hỏi rằng, tại sao nợ công của Việt Nam lại nhiều thế. Thực ra, với dân số xấp xỉ 100 triệu người, thì số nợ công hiện tại của nước ta không nhiều. Việt Nam đang ở giai đoạn đầu của quá trình phát triển, nhu cầu đầu tư vô cùng lớn, vì thế năm nào cũng bội chi, nói nôm na là làm không đủ chi tiêu, khiến ngân sách thâm hụt, mà đã thâm hụt (bội chi) thì bắt buộc phải vay nợ, chứ không thể in tiền ra để chi tiêu.

Trên thế giới, quốc gia giàu có nhất vẫn phải đi vay nợ. Vấn đề là vay về để làm gì, tiền vay có thể trả được nợ cả gốc và lãi đúng hạn không, hiệu quả sử dụng vốn cao hay thấp. Không ai lường trước được đại dịch Covid-19, Nga và Ukraine lại xảy ra xung đột khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại, đầu tư trên thế giới bị ngưng trệ.

Trong bối cảnh này, các nước buộc phải đi vay nợ, dư nợ công trên toàn cầu tăng mạnh, nhiều nước dư nợ công đã vượt cả GDP. Nhiều nước quyết thắt lưng buộc bụng, hạn chế vay, thì nợ công vẫn tăng do đồng nội tệ mất giá so với đồng tiền vay nợ (chủ yếu là USD). Đặt trong thực tế này của toàn cầu, mới thấy kiểm soát nợ công của Việt Nam rất hiệu quả.

Nhiều nước trên thế giới đã rơi vào vỡ nợ khi nợ công ngày một gia tăng. Thưa ông, đây cũng là bài học cho Việt Nam nếu nợ công liên tục gia tăng về số tuyệt đối?

Những nước rơi vào vỡ nợ vì sử dụng một phần số tiền đi vay để chi tiêu thường xuyên. Ngay cả với nước giàu có bậc nhất thế giới như Hoa Kỳ, nhiều lần bộ máy quản lý nhà nước phải tạm ngừng hoạt động, đóng cửa, khi Quốc hội không nới hạn mức vay nợ công, vì tiền vay nợ một phần được sử dụng cho việc chi tiêu thường xuyên.

Còn Việt Nam thì khác. Quan điểm dứt khoát là toàn bộ khoản vay nợ được sử dụng cho đầu tư phát triển, tuyệt đối không vay về để chi thường xuyên; chỉ chi trong khả năng thu và chỉ vay trong khả năng trả nợ của nền kinh tế.

Tôi nhấn mạnh rằng, Việt Nam vay nợ để đầu tư phát triển, không vay để chi thường xuyên. Trong nhiều năm tới, cũng như các nước trên thế giới, Việt Nam vẫn phải đi vay, luôn luôn tồn tại nợ công. Bởi hệ thống lưới điện, đường giao thông, cảng biển, sân bay, hạ tầng quan trọng... nếu không vay nợ để đầu tư, thì đừng bao giờ mơ đến công nghiệp hóa, hiện đại hóa, vì không biết đến bao giờ ngân sách nhà nước mới có khả năng đầu tư được.

Thưa ông, vấn đề là làm sao người dân có thể biết được Chính phủ vay nợ về chỉ chi cho đầu tư phát triển, mà không chi thường xuyên?

Báo cáo ngân sách nhà nước, cả dự toán và quyết toán đều được công khai trên cổng thông tin của Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài chính, gửi đến các đại biểu Quốc hội và đều được Kiểm toán Nhà nước “soi lại” quyết toán trước khi trình Quốc hội thông qua.

Muốn biết Chính phủ có sử dụng tiền vay nợ để chi thường xuyên hay không, chỉ cần lấy số bội chi trừ đi số tiền chi cho đầu tư phát triển. Nếu số tiền bội chi (tiền đi vay nợ) mà lớn hơn tiền chi cho đầu tư phát triển, chứng tỏ một phần tiền vay đã được chi thường xuyên và ngược lại.

Tôi khẳng định rằng, chưa bao giờ số bội chi lớn hơn số chi cho đầu tư phát triển. Cụ thể, năm 2022, chi đầu tư phát triển 663.300 tỷ đồng, trong khi bội chi là 421.300 tỷ đồng. Năm 2023, bội chi 455.500 tỷ đồng, chi đầu tư phát triển là 726.700 tỷ đồng.

Tin bài liên quan