Theo Báo Mizzima News (Myanmar), trong số 25 ngân hàng này, Việt Nam, Trung Quốc, Ấn Độ, Mauritius, Australia và Pháp đều có 1 ngân hàng; trong khi Malaysia, Singapore, Đài Loan, Hàn Quốc và Nhật Bản đều có 3 ngân hàng; nhiều nhất là Thái Lan có tới 4 ngân hàng.
Những ngân hàng nước ngoài được cấp phép phải có ít nhất 75 triệu USD vốn điều lệ, trong đó 40 triệu USD sẽ chịu sự giám sát của Ngân hàng Trung ương Myanmar.
Tờ Union Daily dẫn lời ông U Set Aung, Phó thống đốc Ngân hàng Trung ương Myanmar cho biết, có ít nhất 5 ngân hàng nước ngoài hiện đã có văn phòng đại diện tại Myanmar sẽ được ưu tiên trong quá trình xét chọn.
Myanmar đã thành lập Ủy ban Xem xét và lựa chọn các ngân hàng nước ngoài, với thành phần gồm nhiều quan chức, chuyên gia của Bộ Tài chính, Ngân hàng Trung ương, Bộ Tư pháp cùng các chuyên gia, cố vấn đến từ Đức, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB). Hiện IMF cũng đang giúp Myanmar soạn thảo luật liên quan tới hoạt động của các ngân hàng nước ngoài tại Myanmar và văn bản hướng dẫn thi hành.
Hiện tại, có hơn 20 ngân hàng tư nhân và 3 ngân hàng liên doanh đang hoạt động tại Myanmar.
Cách đây hơn 1 năm, vào ngày 11/7/2013, Tổng thống Myanmar, ông Thein Sein đã ký ban hành luật mới về cải tổ lĩnh vực ngân hàng. Đây là bước đi cải cách mới nhất của Myanmar nhằm tăng cường lòng tin của giới đầu tư trong nước và nước ngoài vào nền kinh tế nước này nói chung và lĩnh vực ngân hàng nói riêng. Theo luật mới, Ngân hàng Trung ương Myanmar trở thành một cơ quan độc lập, không trực thuộc Bộ Tài chính.
Kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2011, chính phủ bán dân sự Myanmar đã thực hiện một loạt cải cách mạnh mẽ về thể chế và kinh tế. Năm 2012, Myanmar đã cải cách hệ thống ngoại hối khá phức tạp của nước này, nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại và đầu tư.
Từ đầu năm nay, khách du lịch quốc tế tới Myanmar có thể dùng dịch vụ thanh toán điện tử, chứ không cần mang tiền mặt như trước. Đây được xem là một bước chuyển lớn cho các dịch vụ ngân hàng tại Myanmar, nơi từ trước đến nay, chỉ sử dụng tiền mặt. Với việc ra mắt dịch vụ thanh toán điện tử, khách hàng sử dụng thẻ tín dụng của Visa, MasterCard... hiện có thể sử dụng thẻ tín dụng hoặc thẻ ghi nợ quốc tế tại một số cửa hàng, khách sạn ở Myanmar.
Từ tháng 12 năm ngoái, Visa đã hợp tác cùng với Ngân hàng Myanmar Oriental bắt đầu triển khai mạng lưới máy ATM tại các thành phố lớn của Myanmar. Bên cạnh đó, Ngân hàng Trung ương Myanmar cũng đã thành lập Liên minh thanh toán Myanmar (MPU) với sự hợp tác của 17 ngân hàng thương mại nhằm mục đích cho phép khách hàng rút tiền từ bất kỳ máy ATM nào trên toàn quốc và thực hiện việc thanh toán các giao dịch bằng thẻ tại một số nhà hàng, khách sạn...
Hiện tại, nhiều tập đoàn kinh tế nước ngoài đang đổ tới Myanmar để tìm kiếm cơ hội đầu tư, sau khi Mỹ và các nước phương Tây dỡ bỏ các lệnh trừng phạt quốc gia Đông Nam Á này. Myanmar được giới đầu tư nước ngoài coi là “mảnh đất vàng cuối cùng của Đông Nam Á”.